Tết Việt ở xứ người
Không có pháo hoa, không được ngắm hoa đào, hoa mai nở nhưng Tết của người Việt ở châu Âu vẫn có đủ các nghi thức và hương vị ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Người Việt xa quê hương vẫn luôn lưu giữ và dạy con, cháu về truyền thống, văn hóa phong tục của cha ông và luôn hướng về Tổ quốc.
Tết Việt của một gia đình tại Pháp.
Vẫn lưu giữ tập tục cha ông
Ông Nguyễn Công Tiến, kiều bào Đức cho biết, tuy phải tranh thủ thời gian để làm cỗ Tết nhưng trên bàn thờ của mỗi nhà vẫn có đủ các hình thức, món truyền thống để dâng lên trời phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ như mâm ngũ quả, mứt ngũ vị, bánh chưng, miến măng, giò chả…. và không bao giờ quên món dưa hành. Sau khi thắp hương, các con tôi đứng phía sau và theo tôi chắp tay cúng cụ. Các cháu được sinh ra ở Đức, trong nhà trường, hay ra ngoài xã hội các cháu học và sống theo văn hóa Đức. Nhưng khi về nhà, các cháu lại phải sống theo tập tục Việt Nam. “Trong khi ăn, chúng tôi nói chuyện về quê nhà. Tôi cố gắng giảng giải cho bọn trẻ biết ý nghĩa của ngày Tết và phong tục tập quán Việt Nam. Như thường lệ, sau Tết chúng tôi cũng đốt vàng nhưng sợ người Đức tò mò, khó hiểu, tôi không dám đốt dưới sân chung và ở ban công. Cuối cùng tôi phải để vàng mã vào trong một cái chảo và hóa trong bếp” - ông Tiến nói.
Ông Tiến nhớ lại những ngày hai miền nước Đức thống nhất, các xí nghiệp, cửa hàng, nhà máy đều đóng cửa, những “thợ khách” như ông lâm vào cảnh thất nghiệp. Lúc ấy, mỗi người phải tự tạo cho mình một cuộc sống mới, từ hai bàn tay trắng, giai đoạn này không có Tết. Nhà ở không có, nhiều người phải tá túc nhờ nơi bạn bè. Hoặc có khi vài ba người phải thuê chung cùng một phòng nhỏ, không thể lập bàn thờ để dâng hương ba ngày Tết. Tối giao thừa, anh em hẹn nhau ở một phòng nào đấy, nâng ly rượu suông, cùng nhau hướng về quê cha đất mẹ. Sau khi vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn, vị thế của những người nhập cư năm xưa ngày càng được nâng cao trên đất Đức. Vài năm trở lại đây, người Việt đã tổ chức được nhiều hội, đoàn, câu lạc bộ, thậm chí một số nơi đã xây được chùa. Do đó, đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng được cải thiện rất nhiều. Tết Nguyên đán là một điểm nhấn sáng nhất trong năm. Ông Tiến chia sẻ: “Chúng tôi chọn một ngày Chủ nhật gần nhất, để tổ chức đón Tết mừng xuân. Trong một hội trường rộng lớn, tất cả các gia đình người Việt cùng bạn bè khác hân hoan gặp gỡ, nâng cốc chia vui. Chúng tôi có tiệc mặn, tiệc ngọt, có ca hát nhảy múa và đội lân sư đến từ các lò võ dân tộc. Một cây quất trĩu quả, hay một cành đào giả đặt trang trọng trên khán đài, vẫn tạo nên nét chấm phá đặc sắc cho phong cách Tết cổ truyền. Ở đây, các bạn Đức và lớp trẻ Việt Nam có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa lâu đời của chúng ta”.
Mùa đông giá lạnh vẫn ấm hương vị Tết Việt
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, một người sống ở Nga lâu năm, hơn nửa thế kỷ qua, mùa Đông năm nay trên khắp nước Nga, đặc biệt là Thủ đô Matxcơva lại chứng kiến một đợt lạnh dai dẳng và khủng khiếp.
Người Việt ở Matxcơva ngay từ cuối tháng 1 dương lịch đã rạo rực không khí Tết. Các công ty, các trung tâm đã làm xong lịch mới mang từ trong nước sang để kịp phát cho nhân viên và những người thân thuộc. Đồng thời, họ cũng đưa từ Việt Nam sang những sản phẩm thiết yếu mà người Việt ở Nga không thể thiếu trong dịp Tết. Vào dãy hàng các sản phẩm khô ở Rưbác, chợ Xodovod, Liublino, Mê Kông giống như là hạ cánh xuống chợ Hàng Da, Đồng Xuân vậy, không thiếu một thức gì. Kể cả những mặt hàng hiếm mà khách hàng có thể mua là lá dong, nếp cái, đỗ bóc vỏ, tôm tươi, tôm nõn, bóng miến, gia vị…Ở đây, các nhà dịch vụ mẫn cán quan tâm từ hộp tăm tre cật, đôi đũa sơn, bát đàn, lư hương thờ cúng, kim ngân, rượu nếp. Có thể nói, trên là trời, dưới là hàng Tết theo kiểu người Việt.
Thú vị nhất là sinh viên, số lượng ở Nga trong mấy năm gần đây đã tăng trưởng khá mạnh mẽ, chủ yếu bằng con đường du học tự túc. Dẫu không thể làm bàn thờ tiên tổ như các gia đình do vì sống ở ký túc xá, nhưng thỉng thoảng một số sinh viên vẫn dành ra một khoảng nhỏ trên bàn học, thắp nén hương để bái vọng về quê cha, đất tổ. Những trường đại học ở gần cộng đồng người Việt, sinh viên luôn được ưu ái và dành cho một sự quan tâm đáng kể về mặt vật chất. Các đơn vị cộng đồng hỗ trợ cho các sinh viên đầy đủ những món ăn truyền thống trong ngày Tết để giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà. Hầu như đơn vị sinh viên nào cũng chuẩn bị một chương trình văn nghệ tự biên, tự diễn đêm giao thừa, có khi còn lôi kéo được những sinh viên ngoại quốc tham gia. Những sinh viên nào có người thân, có bạn bè ở thành phố khác thì tranh thủ ngày nghỉ xin thầy giáo châm chước thêm một vài ngày, lên tàu đi ăn Tết thành phố khác.
Chỉ đến ngày rằm tháng Chạp, khi sân bay đã cuồn cuộn người hồi hương, khi mà điện thoại đã không ngớt những câu chuyện về năm hết Tết đến, thì trong trái tim của người tha hương mới bừng thức dậy nguồn mạch sâu lắng của con dân xứ Việt. Ai cũng lo toan chuẩn bị vật chất và tinh thần để tiễn năm cũ qua đi và đón một năm mới đến theo truyền thống tổ tiên.
Nét đặc biệt về mặt văn hoá tâm linh là bất cứ một gia đình người Việt nào tại Nga cũng có bàn thờ cúng gia tiên. Dù mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng cố sắm các thức bày mâm cúng Tết đủ món, đủ lễ theo một quy ước bất thành văn là xôi gà, rượu trắng, mâm ngũ quả, hương vàng, bánh chưng, và cành đào đỏ. Năm nay do không đổi giờ mùa đông, nên 9 giờ tối, tương đương với 12 giờ Việt Nam, nhà nhà sẽ đều thắp hương, khấn vái trước bàn thờ gia tiên phút giao thừa hướng về đất mẹ. Mọi lễ nghi ở nước Nga xa xôi này đều thực hiện như một bản sao của phong tục, tập quán quê nhà. Mặc dù ngoài trời, tuyết bay trắng xoá, nhưng trong nỗi gia đình, khói hương trầm phảng phất, lòng vẫn nghĩ rằng nước Việt ở đâu đây.