Thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát
Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV và cả năm 2019, triển vọng 2020. Nếu như năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt qua dự báo của các tổ chức quốc tế (7,02% so với 6,5%), thì năm 2020 tình hình được đánh giá vẫn khả quan. Điểm sáng khác chính là lạm phát được duy trì ở mức thấp, khi mức tăng bình quân năm 2019 chỉ là 2,79%, thấp hơn mức tăng 3,54% của năm 2018.
Thịt lợn lên giá được cho là ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng quý I/2020.
Theo giới chuyên gia, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng thì vẫn phải hết sức chú ý tới kiềm chế lạm phát. Vì rằng, nếu “con ngựa giá” vẫn phi nước đại thì thành công của tăng trưởng cũng sẽ mất ý nghĩa.
Dấu hiệu tích cực nhưng không chủ quan
Theo các chuyên gia, những mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 là có thể đạt được, trong đó tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4%. Đây được coi là mục tiêu “không quá khó” khi mà 3 năm qua GDP luôn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt GDP 2019 là “cực kỳ ấn tượng”. Điều này không chỉ dựa vào những đánh giá trong nước, mà còn là đánh giá của nước ngoài.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh- Kinh tế trưởng VEPR, năm 2019, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều giảm tốc, riêng Việt Nam tăng trưởng đạt cao hơn mức dự báo của các tổ chức quốc tế (6,5%) khi đạt tốc độ 7,02%. “Đây là một con số rất tích cực, là điểm sáng trong khu vực và thế giới”-TS Anh nói.
Phân tích cụ thể hơn, đầu tầu kéo cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ; khi các lĩnh vực này tiếp tục duy trì tăng trưởng, bù đắp cho nông nghiệp sụt giảm (do nguyên nhân khách quan là chính). Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt dự toán 3,26%, tỷ lệ nợ công/GDP tiếp tục giảm xuống còn 56,1%; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP hay tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP hiện đều đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội…. Đây chính là nền móng để kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong tương lai gần.
Tuy rằng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trên nền tảng phát triển của nhiều năm gần đây, nhất là đà tăng của năm 2019 thì năm 2020 này kinh tế của Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển. Nhưng, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, con số tăng trưởng 6,8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2020 là con số lạc quan, tham vọng và không dễ thực hiện. Đây cũng là ý kiến cần được xem xét kỹ lưỡng, để tránh những cú sốc kinh tế chúng ta đã từng gặp. Đặc biệt khi mà kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự sáng sủa.
Cũng liên quan tới vấn đề này, theo các chuyên gia của VEPR, tuy bức tranh ngân sách và nợ công đã có sự cải thiện những đó vẫn chưa phải là “đệm tài khóa” ổn định và an toàn để đối phó với các cú sốc từ bên ngoài (nếu có). Khuyến nghị đưa ra là Chính phủ cần thận trọng với quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP sẽ được tính lại từ 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ nên xem xét việc đưa ra một trần nợ công trên con số tuyệt đối trong một giai đoạn nhất định, thay vì con số tương đối là phần trăm trên GDP như hiện nay, tránh hiện tượng “nước lên, thuyền lên”. Việc đưa ra con số tuyệt đối sẽ phản ánh được rõ con số nợ công giúp đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp hơn.
Bài toán kiềm chế lạm phát
Cùng với tăng trưởng thì bao giờ cũng phải tính tới lạm phát. Nếu không, cho dù tăng trưởng có cao đi chăng nữa nhưng lạm phát cũng gia tăng thì giá trị thực của nó không nhiều.Vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% trong năm 2020 liệu có đạt được (so với mức tăng trưởng đề ra là 6,8%)?
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nguy cơ lạm phát là có và đang ngày càng tăng lên. Lạm phát mặc dù được kiểm soát dưới ngưỡng 4% mà Quốc hội đề ra (năm 2019), tuy nhiên, việc CPI leo dốc trong tháng 12/2019 quá ngưỡng 5% do giá lương thực, thực phẩm tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Nói cách khác, quý I/2020 khó tránh khỏi lạm phát ở mức cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Tuy đây được coi là ‘thông lệ” hàng năm, nhưng năm nay Tết Nguyên đán đến sớm, nhiều mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong Tết tăng mạnh, ảnh hướng xấu tới chỉ số CPI. Có ý kiến lo ngại rằng, sự leo thang giá đó sẽ nguy hiểm hơn nếu nó tiếp tục “neo” lại ở những tháng tiếp theo.
Về vấn đề này, theo TS Võ Trí Thành, áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong năm 2020 dù là tính theo năm hay theo quý. Nguyên nhân là do biến động bên ngoài, do giá thực phẩm, giá của một số mặt hàng mà Nhà nước quản lý vẫn chưa “cởi” hết như điện, y tế, nước…
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, kiềm chế lạm phát cũng khó khăn không kém tìm cách tăng trưởng. Thực tế thì kiềm chế lạm phát cũng chính là để ổn định kinh tế vĩ mô. Khi “con ngựa giá” phi nước đại thì cũng có nghĩa kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, thu nhập thực tế cũng như cuộc sống của người làm công ăn lương sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực; từ đó dẫn đến những hệ lụy xã hội khó lường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc quản lý và điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với mấy năm gần đây. CPI và lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay quản lý, điều hành thị trường giá cả mà còn là hệ quả của chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Còn ông Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính) lại đưa ra một số kịch bản lạm phát năm 2020 dựa trên giá thịt lợn.Theo ông Độ, mức kiềm chế lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Ông Độ đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản trước nhất là giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu thì lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%. Kịch bản thứ hai là giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong quý I/2020, do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2019 thì lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%. Kịch bản thứ ba, tệ nhất là nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, dự báo CPI sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+/- 0,5%) trong năm 2020.
Theo dự báo của VEPR, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở mức 6,48% với cụ thể ở các quý là: Quý I: 6,33%; quý II: 6,27%; quý III: 6,58%; quý IV: 6,64%. Lạm phát bình quân được dự báo ở quý I là 4,88%; quý II: 4,49%; quý III: 4,13%; quý IV: 4,04%. Nếu như vậy, việc kiềm chế lạm phát ở mức 4% trong năm 2020 quả là bài toán khó, và cũng chưa có gì chắc chắn để khẳng định khi chưa hết quý I.