Gỡ bỏ và kết nối

Bắc Phong 18/01/2020 07:49

Theo giới chuyên gia kinh tế, từ khóa cho kinh tế đất nước năm 2020 là “gỡ bỏ” và “kết nối”. Gỡ bỏ ở đây là những rào cản. Còn kết nối là sự liên kết để tăng sức mạnh hội nhập. Từ khóa cũng chính là động lực cho phát triển kinh tế không chỉ năm 2020 mà còn nhiều năm tiếp theo.

Gỡ bỏ và kết nối

Khu gian hàng doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm Sial Paris 2018.

Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam (VBF) diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao” trên bầu trời thế giới về tăng trưởng và cải cách kinh tế. Về điều này, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra là 6,8% và lọt vào nhóm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,79%, mức thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đã đạt 517 tỉ đô la Mỹ, con số cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu đạt gần 10 tỉ đô la Mỹ.

Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp khoảng 20% GDP. Tỷ trọng đóng góp của FDI trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên hơn 20% năm 2019.

Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 có nhiều thuân lợi, tuy rằng vẫn còn phải vượt qua thách thức trong xu thế suy giảm toàn cầu và những rào cản thương mại dựng lên sẽ ngày một nhiều hơn. Về vấn đề này, theo vị Chủ tịch VCCI, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cùng với những bất cập nội tại của kinh tế trong nước chính là vướng mắc phải vượt qua. Những dấu hiệu bất lợi mà ông Vũ Tiến Lộc đưa ra là mức tăng trưởng quí 4/2019 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao, chưa kể, 60% doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh không có lãi. Vì thế, trước hết theo ông Lộc là phải gỡ bỏ rào cản thủ tục kinh doanh và tăng cường kết nối. Theo ông Lộc, kết nối ở đây là kết nối khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước; kết nối doanh nghiệp với thế giới thông qua các hiệp định trương mại tự do (FTA). Gỡ bỏ và kết nối phải được thực hiện đồng bộ cùng nỗ lực gỡ bỏ rào cản kinh doanh.

Riêng với các doanh nghiệp FDI, không chỉ vị Chủ tịch VCCI mà nhiều chuyên gia kinh tế cùng cho rằng doanh nghiệp FDI cần coi việc kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước là trách nhiệm xã hội tại quê hương thứ hai của mình. Nếu kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ làm cho FDI cắm sâu rễ, bền gốc vào nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo sự phát triển bền vững của FDI. Tuy nhiên, bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần phải nâng cao năng lực kinh doanh của mình.

Trên thực tế, việc gỡ bỏ rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp đã được Chính phủ quyết liệt yêu cầu từ nhiều năm qua. Môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, giấy phép con vẫn còn, nhiều chính sách chưa theo kịp thực tiễn nhưng chậm được sửa chữa, thay thế. Nhưng, đáng nói hơn chính là nạn “tham nhũng vặt” của những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp. Không hành được cách này thì hành cách khác, khiến doanh nghiệp vẫn phải “bôi trơn”- và coi đó như một sự tất nhiên giữa bên nhận và bên cho. Chính điều đó gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vậy nên, trong từ khóa “gỡ bỏ” của năm 2020 này, có lẽ cũng với gỡ bỏ rào cản thủ tục thì rất quan trọng là phải “gỡ bỏ” những cán bộ thoái hóa biến chất, chuyên làm khó để vòi vĩnh doanh nghiệp.

Còn kết nối? Thật sự lo ngại khi tinh thần gắn kết của cộng đồng doanh nghiệp nội chưa cao. Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành hàng là khá phổ biến. Các chiêu trò làm hại nhau không ít. Chính điều đó đã làm cho doanh nghiệp nội yếu đi. Vế nữa trong từ khóa “kết nối” là doanh nghiệp nội với doanh nghiệp FDI. Việc doanh nghiệp FDI tìm kiếm “bạn hàng”, đối tác từ bên ngoài là có; nhưng “tiên trách kỉ hậu trách nhân”, cũng bởi sức khỏe các doanh nghiệp trong nước chưa đạt yêu cầu của họ, nên họ đã không mặn mà liên kết. Quan trọng là nội lực. Có nghĩa là sức khỏe của mỗi doanh nghiệp phải do chính họ nâng lên, khi đó sẽ là một đối tác thực sự khi liên kết với doanh nghiệp FDI. Còn nếu, vẫn cứ èo uột thì cũng không thể trách người khác được.

Cũng trong việc kết nối, khi kinh tế nước nhà hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì đương nhiên “tàu to phải chịu sóng lớn”. Đã ra biển thì tàu phải to, phải chắc khỏe. Nếu không kết nối tốt ngay từ trong nước thì việc kết nối với các thị trường nước ngoài cũng khó mà thành công.

Cho nên, “gỡ bỏ” và “kết nối” phải làm song song, làm chắc chắn và không thể chậm trễ hơn.

Bắc Phong