Những trạng thái tâm hồn nghệ sĩ
Những tâm hồn lớn ở mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương nghệ thuật vừa cô đơn vừa lộng gió thời đại. Giữa cô đơn và lộng gió thời đại không có gì mâu thuẫn. Thậm chí càng cô đơn càng lộng gió thời đại. Bởi vì những tâm hồn lớn thường đi trước thời đại nên ắt sẽ cô đơn, nhưng những tâm hồn ấy lại đầy ắp những băn khoăn, trăn trở, những câu hỏi và lời đáp về thời đại ấy nên cũng lộng gió của thời đại ấy.
Cô đơn và lộng gió
Trong phần trước, tôi có viết về tâm hồn văn nghệ sĩ "Cô đơn hay lộng gió thời đại?". Có thể do sự lý giải của tôi chưa thật thấu đáo nên một số nhà văn và bạn đọc phản hồi: "Giọng hơi tuyên huấn". Xin cảm ơn các anh các chị đã vì yêu mến tôi mà chỉ bảo cho.
Tôi cho rằng, những tâm hồn lớn ở mọi lĩnh vực, trong đó có văn chương nghệ thuật vừa cô đơn vừa lộng gió thời đại. Giữa cô đơn và lộng gió thời đại không có gì mâu thuẫn. Thậm chí càng cô đơn càng lộng gió thời đại. Bởi vì những tâm hồn lớn thường đi trước thời đại nên ắt sẽ cô đơn, nhưng những tâm hồn ấy lại đầy ắp những băn khoăn, trăn trở, những câu hỏi và lời đáp về thời đại ấy nên cũng lộng gió của thời đại ấy. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi là một người tiêu biểu như thế. Mùa xuân năm 2002, về Côn Sơn, tôi có viết về ông:
Tâm hồn Ông như bầu trời thu
Trong thăm thẳm
mà buồn sâu lạnh.
Ẩn làm sao cây tùng cây bách
Thân giữa suối rừng,
hồn để muôn nơi?
Các tâm hồn lớn đều thế cả. Khi họ sống một mình là họ sống với nhiều người nhất. Đại thi hào Nguyễn Du là người cô đơn giữa thời đại mình, đã đi tìm tri âm từ nghìn năm trước tận bên Trung Hoa là nhà thơ Đỗ Phủ, và thả câu hỏi đi tìm tri âm tới mai sau: "Ba trăm năm nữa ta đâu biết/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?" (Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như). Lãnh tụ Hồ Chí Minh cô đơn "một ngày tù nghìn thu ở ngoài", nhưng cũng lộng gió thời đại "Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng". Tranh của Van Gốc, nhạc Bêthôven đều thấy sự cô đơn, sâu thẳm, đau đớn tận cùng, nhưng cũng đầy nhịp đập thời đại nên mới sống mãi đến ngày nay.
Một số người cứ quen nói theo nhau: Văn nghệ sĩ là những tâm hồn cô đơn. Theo tôi, chỉ cô đơn thì không có ý nghĩa gì, và không thể thành nghệ sĩ. Một số nhà tuyên huấn trước đây cũng cứ đòi hỏi văn nghệ sĩ phải là người chiến sĩ tiên phong của thời đại. Chỉ thế thôi thì cũng không còn là nghệ sĩ nữa. Người nghệ sĩ không có những giây phút tĩnh lặng để nghe được nhịp đập của trái tim mình thì làm sao có thể thấu hiểu trái tim nhân loại giữa sự ồn ào xáo động của cuộc đời?
Về mặt nghệ thuật của tác phẩm, điều này cũng hoàn toàn đúng. Mỗi tác phẩm phải là sự độc đáo, phải là sự riêng biệt, đơn chiếc, phải "cô đơn" hoàn toàn trước cả rừng, cả biển tác phẩm khác. Hoa hậu, đó là một người không giống ai, nhưng lại mang được những tiêu chí tiêu biểu của cả thế giới phụ nữ.
Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về những nhà văn, những nghệ sĩ chân chính tôi lại nghĩ đến hình tượng người mẹ bồng con trong bài thơ của G. Mixlonan (Chi Lê - Bằng Việt dịch):
Đêm tối tăm
đêm không nơi nương tựa
Đêm dần hạ xuống biển khơi
Mẹ bồng con,
mẹ đưa con trên võng
Mẹ không hề cô đơn...
Bao nhiêu người
trên trái đất xa nhau
Mỗi người một nỗi đau
không xóa được
Riêng mẹ,
mẹ ôm con vào sát ngực
Mẹ không hề cô đơn...
Nói là không cô đơn, nhưng lại chính là đang cô đơn. Nhưng cô đơn mà đang được ôm ấp đứa con mà mình yêu quý nhất thì đấy là hạnh phúc. Hạnh phúc của nhà văn, của các văn nghệ sĩ chân chính là cô đơn ấp ủ những tác phẩm mang tâm hồn, hơi thở của thời đại.
Chúng ta có thể lý giải những bi kịch của L. Tônxtôi, V. Maiacốpxki, S. Exênhin... Đó đều là những nghệ sĩ lớn, tâm hồn của họ vừa cô đơn vừa lộng gió thời đại. Những tác phẩm vĩ đại của họ đã chứng tỏ điều ấy. Nhưng một phút nào đó họ đã không làm chủ được mình, nỗi cô đơn đã vọt trào quá ngưỡng dẫn tới những hành động bột phát: L.Tônxtôi bỏ nhà đi và chết ở ga tàu giữa trời băng tuyết, Maiacốpxki và Exênhin thì tự tử. Ở Việt Nam, những thi sĩ của phong trào Thơ Mới: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử... Một số nhà nghiên cứu thấy được nỗi cô đơn của họ, nhưng lại nói đó là sự tiêu cực trước thời đại. Đâu phải như vậy! Phải khẳng định rằng tâm hồn của họ lộng gió của thời đại ấy. Có thể là họ buồn, nhưng buồn trước nỗi buồn của đất nước thì là tích cực chứ. Nhà thơ Sóng Hồng (đồng chí Trường Chinh, cựu Tổng Bí thư của Đảng) đã có lý khi nói rằng đọc câu thơ của Huy Cận: "Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song", ông thấy thêm yêu đất nước khi đang hoạt động cách mạng bí mật.
Nỗi thất vọng và niềm hy vọng
Nỗi thất vọng và niềm hy vọng là hai trạng thái tâm lý tình cảm đối nghịch. Nỗi thất vọng là đỉnh cao của sự đau buồn mất mát, mà đỉnh điểm là tuyệt vọng. Niềm hy vọng là đỉnh cao của sự lạc quan yêu đời, thường hướng tới tương lai. Hai trạng thái tình cảm này là hai cực trong tâm lý một con người. Đây là trạng thái thất vọng tuyệt đỉnh mà nhà thơ thiên tài Pêtôphi (Hunggari) đã diễn tả: "Sầu đau là biển cả/ Vui sướng là ngọc châu/ Khi mò được ngọc châu giữa biển/ E giữa vời tan nát biết đâu!". Nỗi buồn đau của con người thường nhiều mà niềm vui thường ít, nên nỗi thất vọng cũng nhiều hơn niềm hy vọng. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có một câu thơ nhận thức đúng nỗi đau và hy vọng ở đời: "Làm sao được, rượu hoa thường ít/ So với chia ly, gian dối, dập vùi".
Trước đây, văn chương của chúng ta mang tư tưởng của thời đại, thường nhấn mạnh niềm lạc quan hy vọng. Nó như hơi thở tự nhiên của cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch vẫn hy vọng "Nhà lao mở cửa ắt rồng bay". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc ra trận, cả dân tộc mang một niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng chiến thắng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật, người đã tắm mình trong cuộc chiến đấu này, một trong những tiếng thơ tiêu biểu của thơ chống Mỹ, đã nói về niềm hy vọng ngay cả khi nói về tình yêu: "Ngày thắng giặc đang tới gần phía trước/ Tình yêu nào không nghĩ đến ngày mai"... Trong cuộc sống thường ngày, niềm hy vọng luôn luôn thường trực. Cha ông ta đã gửi gắm niềm hy vọng vào trong những làn điệu dân ca: "Ra về, em có dặn rằng/ Nơi hơn người kết, nơi bằng đợi em!"...
Niềm hy vọng cũng là một đặc điểm của văn chương nhân loại. Niềm hy vọng lớn nhất mà con người gửi gắm trong các tác phẩm văn chương các dân tộc là cái thiện thắng cái ác. Trong tất cả các truyện thần thoại, cổ tích các dân tộc đều kết thúc có hậu. Ở Việt Nam, Sơn Tinh thắng Thủy Tinh; Thánh Gióng thắng giặc Ân; cô Tấm trở thành hoàng hậu; chàng Thạch Sanh chiến thắng trăn tinh, đại bàng và liên quân các nước chư hầu... Dân tộc Trung Hoa qua các tiểu thuyết cổ điển “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”... cũng đều ước mơ cái thiện thắng cái ác, khát vọng một cuộc sống yên bình. Nước Nga, qua bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tônxtôi viết về cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812, Mikhain Sôlôkhốp viết về cuộc nội chiến đầu thế kỷ XX “Sông Đông êm đềm”, và nước Mỹ qua tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” cũng có ước mơ, niềm hy vọng gì khác là cái thiện thắng cái ác và cuộc sống thanh bình sẽ trở lại với tất cả mọi người...
Tuy nhiên, nhiều niềm hy vọng thì cũng lắm nỗi thất vọng. An Dương Vương những mong gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy con trai Triệu Đà để giữ tình hòa hiếu, mà "Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu". Đấy là việc nước, còn việc nhà thì như nàng Kiều chỉ hy vọng được bình yên nên khuyên Từ Hải đầu hàng, mà trở thành tuyệt vọng phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, một người tài giỏi như Khổng Minh, nắm được thời thế, biến hóa như thần, cả đời lạc quan mà cuối cùng phải thất vọng, khi ngọn nến cầu sinh mệnh vụt tắt, lời than của ông còn xúc động đến tận hôm nay: "Thế là từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa; trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!".
Nỗi thất vọng và niềm hy vọng thực ra là xoay quanh thân phận con người. Văn chương nhân loại cổ kim tự nhiên đề cập đến những đỉnh điểm ấy. Như sự lóe sáng thì chói chang hơn, còn sự vụt tắt thì cũng làm cho thêm tối xẫm. Vì vậy, hai trạng thái ấy, có tác động mạnh đến trái tim con người, nó hỗ trợ cho tài năng của các văn nghệ sĩ khi thể hiện. Nếu biết kết hợp để cộng hưởng thì những tác phẩm đề cập đến thân phận con người ở những thời điểm ấy sẽ dễ thành công hơn.