Nguyễn Hải Yến: Một cây bút mới, đầy sức ám ảnh
Nhưng đám lá chuối dưới mặt chiếu vẫn đang bồng bềnh. Mùi lá khô vẫn quẩn quanh, man mát mùi nắng lẫn trong mùi heo may dìu dịu sót lại từ cuối mùa thu. Đêm ngoài kia vẫn chùng như võng nhưng bây giờ còn trĩ̃u hẳn xuống vì gió. Có những viền ấm và nồng, mảnh như hương đất sau vụ cấy lọt qua khe hở, đậu vào bậu cửa sổ khung tre”… (Hoa gạo đáy hồ).
Tôi biết Nguyễn Hải Yến một cách “tình cờ”, do đọc truyện “Hoa gạo đáy hồ” và “Bên đường có cái đầm nước” của cô in trên tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” số 36 (Tháng 7-8/2019), thấy quá lạ, quá hay (nhất là truyện “Hoa gạo đáy hồ”) liền tò mò hỏi tòa soạn rằng, Nguyễn Hải Yến “mọc lên từ lò nào” mà viết hay thế? Tôi dùng chữ “lò” là do nghĩ đến Trường Viết văn Nguyễn Du đang sắp kỷ niệm 40 năm thành lập hay là lớp người trở thành thạc sĩ, tiến sĩ theo “trường phái” vị giáo sư kính mến nào đó…
Trong email Nguyễn Hải Yến gửi tôi cho biết: cô là “người nhà quê chính gốc, dạy văn ở một trường cấp 2 bé xíu” thuộc tỉnh Hải Dương; tức là “đồng hương” với Thần đồng Trần Đăng Khoa, đăng truyện ngắn đầu tay năm 2016 trên báo “Văn nghệ” (truyện “Nhân gian một cõi”), là cây bút mới toanh, tuy không còn trẻ nữa. Cô từng là học sinh Trường năng khiếu hồi còn tỉnh Hải Hưng, suy ra nay đã qua tuổi tứ tuần. Sau khi “kết bạn” Facebook, tôi mới biết cô còn đăng một chùm liền 3 truyện ngắn dự thi trên tạp chí số 32 (Tháng 11-12/2018). Cả 3 truyện - “Đò chờ”, “Cửa sông thiên đường”, “Mưa về trên sông”, đều lạ và khá hay.
Nếu tôi không nhầm, thì không ít bạn đọc - trong đó có các nhà văn - cũng “bỏ qua” tác phẩm của các cây bút mới như thế! Có thể nói vậy, vì nhà văn Q.T. thuộc loại đang sung sức, nghe tôi “mách” có cây bút mới như thế… truyện hay như thế… anh mới lật chồng tạp chí ra đọc, chứ anh chưa có tập “Quán Thủy Thần” của Nguyễn Hải Yến (NXB Văn hoá -Văn nghệ TPHCM, 2019) mới xuất bản. Chỉ một ngày sau, anh hào hứng gửi gmail cho tôi: “Rất hay. Và rất lạ. Ám ảnh lắm. Văn của Hải Yến có ma lực lớn, dụ người đọc cùng lo, cùng nghĩ, cùng cảm với tác giả. Rất đặc biệt. Hiếm thấy. Mừng quá anh ạ”…
Hình như rất ít nhà phê bình, giáo sư tên tuổi bỏ công viết về các cây bút mới - chuyện văn chương “vô thường” lắm, khen đó, chê đó, hôm nay đúng, năm sau sai, không chừng bị… “hố” - cứ bình luận về Nam Cao, Tô Hoài, Huy Cận… cho chắc. Tuy vậy, có người lại bảo: “Đọc văn, chỉ vài dòng, nhiều lắm là một trang, đã “ngửi” thấy phong vị rồi, xếp hạng đẳng cấp được rồi!”. Ở đây là cả chùm 5 truyện ngắn đã được Ban biên tập Tạp chí tuyển chọn; rồi một tập truyện vừa in. Nào, mời bạn đọc thử vài dòng:
“Tôi trở mình quờ tay sang bên…
Lạnh ngắt…
Không thấy người…
Nhưng đám lá chuối dưới mặt chiếu vẫn đang bồng bềnh. Mùi lá khô vẫn quẩn quanh, man mát mùi nắng lẫn trong mùi heo may dìu dịu sót lại từ cuối mùa thu. Đêm ngoài kia vẫn chùng như võng nhưng bây giờ còn trĩ̃u hẳn xuống vì gió. Có những viền ấm và nồng, mảnh như hương đất sau vụ cấy lọt qua khe hở, đậu vào bậu cửa sổ khung tre”… (Hoa gạo đáy hồ).
Ai đã viết văn đều biết, mới vào truyện, tác giả chưa lên “cơn say”, khó tạo nên câu chữ lấp lánh. Vậy mà Nguyễn Hải Yến vừa vào truyện đã dựng được dòng văn giàu hình tượng và hương vị không giống ai! Gần như toàn truyện là những đoạn văn tả cảnh hay như thế và hơn thế, nhưng xin dẫn vài dòng Nguyễn Hải Yến viết về “trà lá” là món mà tôi tưởng là phái nữ không sành:
“…Những ngón tay run run chạm khẽ vào chiếc ấm đất, màu men tím thẫm ngả sang ánh tối rồi dừng lại ở vệt trắng mờ cong cong như cánh hoa khô… Nó chỉ dùng pha duy nhất một loại trà… Đây là chiếc ấm đất Tử Sa nhưng pha thêm chút tro hoa bưởi… Trà xuân núi Ngọc ướp hương bưởi rừng thung Mây không chỉ thơm mùi hoa mà còn tròn nguyên vị sương của núi, nó chát đằm mà mượt như lụa, vừa nồng nàn hối hả như thời gian hữu hạn, lại êm và ngọt lửng lơ lững thững như khí xuân chưa muốn giao mùa”…
Nhiều câu văn của Nguyễn Hải Yến dài một cách khác thường, như một dòng chảy lớp lớp đầy hương sắc theo mạch cảm xúc; còn câu chuyện thường rất khó tóm tắt, nhất là những truyện dựng theo một bút pháp mà tôi tạm gọi là “huyền ảo Việt Nam”, vì khác hẳn kiểu các nhà văn Mỹ Latin. Ví như truyện “Hoa gạo đáy hồ”, bạn đọc mê mải cùng cô gái phiêu lưu trên con thuyền nhỏ tìm đến Thung Mây, núi Ngọc, núi Bạc, xuyên qua lòng núi âm âm hơi đá, ẩm và lạnh… rồi bất ngờ làng đảo hiện ra như mơ, như thực, gần cuối mới biết tác giả viết về cả trăm con người cùng bao nhiêu là “nhà cửa, thành quách đền dài, những cánh đồng, những rừng lim hàng trăm năm tuổi, những chợ Ngọc, chợ Ngà…” đã chìm sâu hơn 50 năm dưới đáy hồ thủy điện Thác Bà.
Bút pháp huyền ảo này cũng được thể hiện rất đặc sắc trong 3 truyện cuối tập “Quán thủy thần”.
“…Người con gái giở chiếc giỏ mây, mở nắp hộp gỗ lấy ra đôi chén ngọc đặt lên lòng đĩa men sứ. Miệng chén khẽ chạm vào nhau. Một nét mảnh ngân rung lòng đêm tĩnh…
Nghe như có tiếng đêm. Thì thầm nghiêng theo triền sông. Hình như gió. Nóng hừng hực và nồng thơm như rượu. “Mộc miên tửu chén đầu tiên, là chén của con xin kính Thủy Thần! ...Ủ trong tơ hồng, bốn mùa rượu men hoa lúc nào cũng ấm… Chén ngọc dâng trên triền sông tĩnh. Gió vuốt theo những ngón tay, vẽ những đường rượu lấp lánh bạc trên nền đêm, ấm như da thịt và mềm như lụa”…
Cảnh cô gái cúng rượu người đã khuất bên vực Thủy Thần quả là đậm tính huyền ảo, câu văn như bay lượn, như bốc theo hơi rượu nồng, nếu còn cụ Nguyễn Tuân, hẳn cụ sẽ cho điểm 10!
***
Nguyễn Hải Yến mới bắt đầu đường văn, nhưng cho đến hôm nay qua 15 truyện đã công bố trên tạp chí và tập “Quán thủy thần”, chúng ta thấy bên cạnh mảng truyện viết theo bút pháp “huyền ảo”, mặt mạnh khác của tác giả đã thể hiện rõ trong nhiều truyện ngắn thiên về phản ánh hiện thực, với bối cảnh là nông thôn Việt Nam đang trong cơn chuyển mình mạnh mẽ, không thiếu bi kịch đồng thời cũng có bao nhiêu điều thú vị. Đó là các truyện “Bên đường có cái đầm nước”, “Nhân gian một cõi”, “Giếng mắt rồng”, “Hoa đại đỏ”, “Gió lên thả ngọn đèn trời”… Với lời văn dí dỏm, hài hước, dẫu có viết về cái bi thì vẫn lấp lánh chất hài, nên nhiều truyện của cô trong mảng này vừa có sức hấp dẫn, vừa phản ảnh sâu sắc “cõi nhân gian người Việt hiện đại đã và đang trải qua quá nhiều bi kịch cá nhân để chung tay giải quyết cái bi kịch chung của sự phát triển xã hội…” như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét.
Cả hai mảng truyện của Nguyễn Hải Yến nhiều câu và từ “lạ”; tìm hiểu thêm về “cội nguồn” các truyện của cô cũng khác thường. Đọc nhiều truyện lấy bối cảnh là sông nước, cứ nghĩ cô từng gắn bó, lặn lội với sông suối, có khi đã ở Thác Bà; nếu không, làm sao mà miêu tả sinh động như vậy... Qua Facebook, Nguyễn Hải Yến cho biết cô không sống gần sông, không biết bơi, rất sợ nước vì ngày bé suýt chết đuối, nhưng cứ viết về sông là lại thấy như viết về ngôi nhà thân thuộc vì cô có một dòng sông ngày xưa mỗi lần về nhà là lại đi ngang qua gọi là sông Đò Đáy; còn Thác Bà thì cô chưa đến lần nào! Tuy vậy, trước khi định viết truyện gì, cô phải đọc, phải tìm hiểu rất kỹ vấn đề sẽ thể hiện, không cho phép mơ hồ hoặc đoán theo chủ quan. Còn khi viết, cô tránh cái thông thường, cố tìm cho truyện cái gì khác thường một chút; cũng phải tìm các cách diễn đạt riêng của mình và chọn từ kỹ lưỡng. Vì thế, cô viết rất chậ̣m, có truyện vài tháng mới hoàn chỉnh…
Thì ra, cái “thực tế” đối với nhà văn, có khi không cần trực tiếp, nhưng phải giàu trí tưởng tượng, trên cơ sở nghiên cứu kỹ càng. Phải, như thế mới có truyện khoa học viễn tưởng và trường phái “hiện thực huyền ảo”. Và để có những trang văn hay, tác giả đã phải rất kỳ công. Tất nhiên là còn nhờ biết làm giàu vốn tri thức của mình bằng kinh nghiệm của những người đi trước. Nguyễn Hải Yến cho biết, cô mê đọc từ bé, vớ gì đọc nấy, sau thì biết lựa chọn. Nhà văn Việt Nam, cô thích Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Ngọc Tư… Nhà văn nước ngoài thì cô mê chất văn chương của Chekhov, Aitmatov…
***
Một cây bút ở “tỉnh lẻ” hầu như chưa ai biết, được đăng liên tục 5 truyện trong cuộc thi của một tạp chí lớn, vừa xuất bản tập truyện “Quán Thủy Thần” gồm 10 truyện ngắn khác, có lẽ cũng đáng gọi là “sự kiện”. Cần nói thêm là trong khi không ít nhà văn quen biết rất nhiều nhà xuất bản, in sách xong chủ yếu để tặng bạn bè hay “phát hành” trong các “kênh” thân hữu, thì Nguyễn Hải Yến chẳng hề quen biết và nhờ cậy ai, tự tìm địa chỉ trên mạng và gửi bản thảo; thế mà Nhà xuất bản in ngay ngàn cuốn, phát hành ra thị trường, tác giả có nhuận bút hẳn hoi. Đúng như các cụ xưa đã nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”; tất nhiên là cũng phải ghi công “con mắt xanh” của Nhà xuất bản…
Trong câu chuyện với thính giả qua Đài Phát thanh & Truyền hình Hải Dương mới đây, Nguyễn Hải Yến cho biết cô rất thích thú được tiếp tục đi sâu khai thác đề tài nông thôn đồng bằng Bắc bộ trong quá trình chuyển đổi hiện nay - đề tài này là cái mỏ vàng không bao giờ cạn, rất hấp dẫn nếu biết cách viết. Đồng thời với bản thảo tập truyện thứ hai mang tên “Hoa gạo đáy hồ” đang được hoàn thiện, Nguyễn Hải Yến tiếp tục viết tập sách “Ma đồng bằng Bắc bộ”. Đó là những câu chuyện ma của bà, của mẹ, lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cái âm âm u u của làng quê mái tranh vách đất ngày xưa sẽ được tác giả kể lại bằng cách diễn đạt mới. Âu cũng là một cách bảo tồn những giá trị văn hóa tinh thần nông thôn Việt trong bước biến chuyển nghiệt ngã của thời cuộc hôm nay...
Với những gì đã có, chúng ta hy vọng cây bút mới - cô giáo Nguyễn Hải Yến sẽ sớm “hiện thực hóa” những dự định tốt đẹp của mình…