Chuyện những thanh niên 'máu' làm trang trại
Bán ngôi nhà 300 m2 mặt tiền để mua 50.000 m2 đất trống đồi trọc ở cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ai cũng nói anh là khùng, điên, hay bị “bể nợ”…Thế nhưng, sau 5 năm bị “mang tiếng”, trang trại trọc lóc ngày ấy đã đưa về cho anh tiền tỷ. Đó là một trong những câu chuyện có thật ở xứ cam chanh Thượng Lộc (vùng trà sơn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
“Tỷ phú cam” Lê Phương.
Bán nhà mua đất đồi
Giờ đây nhìn những đồi cam trĩu quả ở “thủ phủ” cam thương hiệu Thượng Lộc ít ai biết rằng đằng sau mỗi gốc cam là cả một câu chuyện dài về ý chí, nghị lực của những người ươm trồng. Câu chuyện về “tỷ phú cam” Lê Phương (SN 1987, xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, Can Lộc) là một điển hình về ý chí, nghị lực vươn lên, dám nghĩ dám làm.
14 tuổi, anh Lê Phương vào miền Nam lập nghiệp, sau 16 năm bôn ba nơi xứ người, anh trở về quê nhà ở xã Mỹ Lộc để mưu sinh. Vừa làm cơ khí, anh Phương vừa tích góp mua mảnh đất 300m2 và dựng lên căn nhà kiên cố để ở. Những tưởng căn nhà sẽ là bến đỗ bình yên để anh cưới vợ. Nhưng, bỗng nhiên chẳng nói chẳng rằng, năm 2012 anh Phương bán ngôi nhà mới xây để mua 50.000m2 đất đồi ở thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc. “Lúc đó ai cũng nói tôi là điên, khùng, có người nghĩ tôi chơi bời, bể nợ nên bán nhà để trả nợ. Không ai biết là tôi đã bán nhà mặt tiền ở trung tâm xã để mua khu đất đồi ở trong rừng sâu. Đến bây giờ mọi người mới vỡ lẽ” – anh Phương kể.
Mua đồi xong, ngày đi làm cơ khí, đêm về chàng thanh niên dáng người nhỏ nhắn đó một mình mò mẫm xách cuốc lên đồi đào đất trồng cam. Do đất khô cằn nên anh phải xách từng gàu nước dưới hồ lên đồi để tưới, chăm bón cho từng gốc cây, mua hàng nghìn bao tải vỏ lạc về rải trên mặt đất để cải hoán đất cằn.
Ở khoảnh đồi anh Phương mua lúc đó đường đi chưa có, chỉ có lối mòn nhỏ, xe máy, ô tô không thể vào được, dấu tích hố bom từ thời chiến tranh vẫn còn hằn in. Khu đất chủ trước để lại chỉ có mấy cây sắn, củ khoai còi cọc. Cách trung tâm xã Mỹ Lộc 4km nhưng vùng đất này từ trước đến nay được biết đến là nơi “khỉ ho, cò gáy”. Đất cằn, địa hình hiểm trở, lại là vùng đất “4 không” – không đường, không điện, không nước, không sóng điện thoại.
Tuy nhiên, với sự cần mẫn cùng niềm đam mê làm trang trại, anh Phương đã dần dần thu phục được mảnh đất vốn cằn cỗi, khó khăn này. Mua trang trại được 1 năm anh Phương mới lập gia đình. Với sự hỗ trợ của bố mẹ, vợ chồng anh Phương đã gây dựng được một cơ nghiệp lớn trên chính mảnh đất này.
Năm đầu tiên cải tạo đồi hoang, anh Phương trồng được 300 gốc cam chanh Thượng Lộc, giờ đây đến năm thứ 6, khu đồi đã có 1.200 gốc cam chanh, cam dòn; 100 gốc bưởi Phúc Trạch, 2.000 gốc ổi, 800 cây chanh. Ngoài ra, vợ chồng anh Phương còn nuôi 1.000 còn gà, 4 con bò. Trên chính mảnh đất này, một ngôi nhà khang trang, tiện nghi đã được dựng lên. Không dừng lại ở đó, chàng thanh niên trẻ tuổi Lê Phương còn sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh dinh dưỡng cây (phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật…). “Bắt đầu từ năm 2018 trang trại của tôi mới cho lợi nhuận 500 triệu đồng, năm 2019 này thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng” – anh Phương cho biết.
Thương lái về tận vườn thu mua cam.
Điều đặc biệt ở trang trại của anh Phương là được chăm sóc, quản lý bằng phương pháp hiện đại, từ chỗ múc nước tưới, hiện nay tất cả các gốc cây đều được tưới bằng hệ thống tưới tự động. Cây được đánh dấu bằng từng con số riêng biệt để truy xuất bằng tên điện tử.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam, chàng thanh niên 8X cho biết: “Quan điểm của tôi trong trồng và chăm sóc cam là phải cho ăn đúng thời điểm và đủ về liều lượng. Bệnh dịch phải phòng theo mùa. Đối với cam, quan trọng nhất là nước, phải cấp nước vào mùa hè, thoát vào mùa đông”. Ngoài ra, để tránh ong, bướm phá hoại vào mùa thu hoạch, anh Phương còn mua hàng tấn cá nhỏ, tép về muối sau đó phun trên lá cam, bưởi, chanh…
Tiên phong làm kinh tế mới
Ở xứ cam Thượng Lộc, khu vực khó khăn, gian truân nhất và cũng là vựa cam nhiều nhất phải kể đến vùng Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc). Ở đây có 52 hộ dân, hộ ít nhất có 1ha, nhiều nhất 10ha đất trồng cam. Anh Nguyễn Thái Sơn (SN 1973, xóm Khe Thờ) là 1 trong những hộ tiên phong đến khai phá vùng đất này để xây dựng khu kinh tế mới.
Những ngày đầu tiên thập niên 90 của thế kỷ XX, anh Sơn lúc đó mới 17 tuổi đã theo cha mẹ vào xứ Khe Thờ khai hoang lập nghiệp. Những bước đi đầu tiên của chàng trai trẻ gặp nhiều trở ngại bởi vùng đất này ban đầu còn sơ khai toàn cây rừng, cỏ dại. Phải mất gần chục năm, gia đình anh mới gây dựng được vườn cam trĩu quả như ngày hôm nay. “Giờ thì có máy đào chứ trước đây tôi phải lấy cuốc đào từng hố sâu 70cm, rộng 80cm để trồng cam, nước tưới cũng múc từng gàu dưới suối, hồ gánh lên để tưới” – anh Sơn nói.
Từ chỗ trồng khoai, sắn để mưu sinh, anh Sơn đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, gây dựng thành vườn cam đạt chuẩn VietGAP bội thu. Hiện nay, vườn cam của anh rộng hơn 1,5ha với 1.400 gốc cam trong đó có 600 gốc đã cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 25 tấn, doanh thu mỗi năm thu khoảng 600-700 triệu đồng, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm. Dù nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, tiên phong phát triển kinh tế mới, góp phần biến đất hoang thành những khu vườn tiền tỷ nhưng những hộ trồng cam ở xứ Khe Thờ vẫn gặp muôn vàn trở ngại.
Nông dân Nguyễn Thái Sơn với vườn cam bội thu.
Anh Sơn chia sẻ, con đường dẫn đến 52 hộ dân trồng cam ở đây cheo leo, dốc dựng, phải trải qua nhiều khe suối nên việc đi lại, giao thương đã và đang là trở ngại lớn nhất của các hộ dân. Hệ thống điện chưa được đầu tư đồng bộ nên chập chờn, mất điện thường xuyên, dây điện mới chỉ có giây trần nên sự cố về điện vẫn diễn ra. Mang danh là đất thị trấn Đồng Lộc nhưng ở đây điện thoại chưa được phủ sóng. “Mỗi khi mưa xuống thì các con tôi cũng như nhiều gia đình ở đây phải cho nghỉ học hoặc gửi con về xuôi để ông bà chăm sóc. Dù đã ở đây từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến giờ đất của chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ, không thế chấp ngân hàng vay tiền tái đầu tư được” – anh Sơn buồn bã nói.
Dẫu biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng những thanh niên ở xứ cam Thượng Lộc vẫn mạnh dạn khai hoang, lập nghiệp, tạo dựng sự nghiệp của mình bằng hai bàn tay trắng. Để tạo được tiếng nói và xây dựng thương hiệu cam Thượng Lộc bền vững, những thanh niên “máu” trồng cam cùng các nhà vườn ở vùng trà sơn của huyện Can Lộc đã kết nối với nhau thành lập Hiệp hội Trồng cam Thượng Lộc. Họ mong muốn hiệp hội sẽ là cầu nối để tiếp cận với các chính sách phát triển cây ăn quả có múi, khai thác tối đa nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời bảo hộ quyền lợi cho người sản xuất.
Hiệp hội Trồng cam Thượng Lộc hiện có hơn 40 nhà vườn ở 7 xã, thị trấn vùng trà sơn đăng ký tham gia, gồm: Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Gia Hanh, Thường Nga, Đồng Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc. Theo đó, vùng sản xuất của hiệp hội cũng đã được mở rộng hơn 120 ha với tổng sản lượng hơn 1.000 tấn.
Những năm qua, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã tạo động lực cho việc mở rộng diện tích cam ở vùng trà sơn (Can Lộc) từ 150 ha vào năm 2010 đến nay đã tăng lên hơn 700 ha, sản lượng ước đạt 6.000 tấn.