Sợi dây nguồn cội xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc
Tối 18/1, (tức ngày 24 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương 2020, với hơn 1.500 đại biểu kiều bào từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Chương trình Xuân Quê hương 2020 đã thu hút đông đảo đại biểu kiều bào đến từ các nước trên thế giới về tham dự. Đây là chương trình đông nhất từ trước cho đến nay, thể hiện tình cảm sâu đậm của bà con với quê cha đất Tổ. “Nhiều kiều bào đã là cầu nối phát triển cho quan hệ Việt Nam với các nước. Đảng, Nhà nước luôn xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, luôn coi kiều bào là máu thịt, nguồn lực không tách rời, lòng tự hào dân tộc của bà con là rất cao và là tiềm năng lớn cho sự phát triển đất nước. Do đó sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con trong khắp thế giới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới”.
Trong không khí đầm ấm, hân hoan chào đón năm mới, mừng Xuân Canh Tý 2020, thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi lời chào mừng thân thiết tới bà con kiều bào, đồng bào ta ở xa Tổ quốc về nước đón Tết, vui Xuân với mọi điều tốt đẹp nhất. Phó Chủ tịch nước đã thông báo đến kiều bào những thành tựu quan trọng của đất nước trong năm 2019,
Các đại biểu kiều bào gặp nhau trong Xuân quê hương 2020.
“Những thành tựu đầy tự hào vừa nêu là minh chứng sống động cho nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay trên trường quốc tế”. Đó cũng là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước”- Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, nhưng với chung dòng máu và tình cảm gắn bó với quê hương, người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của của đất nước”.
Cũng theo Phó Chủ tịch nước, nhiều doanh nhân kiều bào trở về quê hương làm ăn, hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; kiều hối năm 2019 đạt mức cao nhất từ trước tới nay 16,7 tỷ USD, đưa Việt Nam nằm trong top các nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới; số lượng kiều bào trẻ về Việt Nam khởi nghiệp, lập nghiệp và làm việc tại các doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật Xuân Quê hương.
Để có một năm 2020 tiếp tục thành công, Phó Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta phải không ngừng nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, sẽ không thể làm được điều này nếu không có sự đồng tâm, hợp lực của cả hệ thống chính trị và hơn 100 triệu người Việt Nam, bao gồm hơn 4,5 triệu người con mang dòng máu Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Tổ quốc hai tiếng thiêng liêng, Quê hương nghĩa nặng tình sâu luôn trong tim mỗi chúng ta. Cho dù có đi nơi đâu chúng ta đều là “con, dân nước Việt” chung dòng máu Việt Nam, tinh thần Việt Nam, bản sắc văn hóa, cốt cách, tự hào Việt Nam. Người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam là vậy.
Là người vừa đạt Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài của Giải Búa liềm vàng lần thứ IV năm 2019, trao đổi với Đại Đoàn Kết, nhà báo người Mỹ gốc Việt Etcetera Nguyễn Quang Trường (Etcetara Nguyễn) hào hứng chia sẻ: Trước hết tôi rất cám ơn Báo Nhân dân đã cho tôi cơ hội để đăng bài “Nghị quyết 36 đối với một nhà báo người Mỹ gốc việt”, giải thưởng về xây dựng Đảng khiến tôi rất ngạc nhiên vì tôi là một nhà báo không phải là đảng viên có tham gia giải nhưng lại được giải. Đây là “tâm sự” của một người đã từng sống trong một cộng đồng có nhiều sự khác biệt nhất là về mặt chính trị, nay đã thay đổi nhận thức. “Đến năm 2013, tôi đã 4 lần đi ra Trường Sa và tôi cũng đã có cơ hội tiếp cận với đời sống, với sự nỗ lực của những người lính nơi biển đảo. Cũng từ năm 2013, tôi đã về sống ở Việt Nam nhiều hơn, điều đó giúp tôi ghi nhận được thực tế ở quê nhà với những sự thay đổi theo chiều hướng phát triển. Cũng nhờ về việt nam nhiều hơn, tôi đã có được niềm tin, có được thông tin rất xác thực để chuyển tải đến khán giả, độc giả của chúng tôi ở nước ngoài”- ông Etcetara Nguyễn nói.
Còn kiều bào Ba Lan Cao Hồng Vinh dù đã nhiều lần về Việt Nam và cũng từng đặt chân đến Trường Sa thì xúc động nói: “Lần đầu tiên được tham gia chương trình Xuân Quê hương sau bao năm xa nhà, lập nghiệp nơi xứ người, tôi rất hồi hộp, xúc động và cảm thấy rất vinh dự. Nhân dịp này, tôi xin cầu chúc cho mỗi người dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều sẽ có một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc. Xin chúc cho đất nước ngày càng phát triển, hùng cường hơn nữa”.