Mỗi bức tranh là một câu chuyện
Phạm Huy Thông sinh năm 1981, tại Hà Nội được biết đến một là nghệ sĩ trẻ tài hoa. Các tác phẩm của anh chứa đựng nhiều suy nghĩ của nghệ sĩ đến thời cuộc. Anh quan niệm các tác phẩm nghệ thuật phải hướng tới việc ghi chép lại sự phát triển của xã hội, lưu giữ được hơi thở của thời đại, tất nhiên là dưới con mắt của người nghệ sĩ.
Họa sĩ Phạm Huy Thông bên tác phẩm hội họa.
PV:Anh có thể giới thiệu một chút về Open Studio vừa chính thức khai mạc?
Họa sĩ Phạm Huy Thông: Thực ra đây không phải là triển lãm, mà chỉ là thỉnh thoảng họa sĩ như tôi mở cửa không gian của mình để mời công chúng đến xem những tác phẩm, những thành quả của mình trong thời gian qua. Vì Open Studio lần này không theo một đề tài hay là chủ đề nào cả mà chỉ là đầu năm mới tôi muốn báo cáo với cả công chúng về công việc của năm trước. Tất nhiên là chỉ trưng bày những bức chưa bán được, còn tầng 2 thì tôi bày các tranh về các mảng khác nhau, tầng 3 thì tôi trưng bày các tranh về phụ nữ khỏa thân, các hình ảnh phụ nữ mà nó gợi cảm một chút.
Vẽ phụ nữ khỏa thân phải chăng là một trải nghiệm mới mà anh muốn mang đến cho công chúng?
Một năm trước đây, tôi không hề vẽ phụ nữ, nếu ai theo dõi tranh của tôi thì sẽ thấy trong tranh của tôi vẽ có nhân vật nam giới hoặc nếu có nhân vật phụ nữ thì nó cũng không gợi cảm cho lắm. Thế nên tôi mới quyết định tạm gác tất cả các đề tài khác lại, dành một năm để vẽ về phụ nữ. Nhìn lại hành trình gần một năm, tôi cũng thấy bản thân mình có sự tiến bộ. Từ những buổi đầu rất là run rẩy, ngại ngùng ở trong nét vẽ thì giờ đây các tác phẩm của tôi đã được sưu tập bởi các nhà sưu tầm có kinh nghiệm trong nước. Và tôi nghĩ mình đã tạo được một thành tựu riêng cho bản thân. Sau một năm nghiên cứu và vẽ về phụ nữ, tôi nhận ra một xu hướng trong các bạn trẻ đó là muốn lưu lại hình ảnh tuổi thanh xuân của mình. Có nhiều bạn nghĩ, cơ thể này là của mình, các bạn yêu cơ thể của mình nên muốn lưu giữ bằng cách chụp hình tại studio để làm kỉ niệm nhưng chụp hình thì lại có những hạn chế, nguy cơ bị rò rỉ. Bởi vậy, các bạn đã tìm đến họa sĩ để lưu lại hình ảnh tuổi thanh xuân của mình qua cái biểu hiện của hội họa, như thế sẽ an toàn hơn hoặc là trường tồn hơn. Tôi không phân biệt giữa nhiếp ảnh và hội hoạ vì nhiếp ảnh cũng có đỉnh cao của nhiếp ảnh và hội họa thì có hội hoạ đỉnh cao.
Vậy có phải tranh khỏa thân là chỉ có những bạn nữ có thân hình đẹp ?
- Thực ra thì nếu nói là hoàn hảo thì không ai hoàn hảo cả, có những người sẽ tự ti về phần này, phần kia. Có những bạn thực sự đã đến và nhờ tôi chỉnh to lên chỗ này, bé đi chỗ kia nhưng mà tôi thì không theo xu hướng đấy. Tôi động viên các bạn ấy rằng hãy tự tin và yêu chính cả những điều không đẹp trên cơ thể của mình và tất nhiên tôi sẽ đẩy lên được trong bố cục tranh để bạn vẫn thấy đó là bạn. Tất nhiên là hội họa thì nó không phải như nhiếp ảnh chụp y nguyên hình như thế, mà vẫn phải là nét vẽ của họa sĩ làm sao các đường lượn, các đường vào trong của một bức tranh nó hợp lý.
Giờ đây công chúng đang dần ấn định anh trở thành một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh nude, anh nghĩ sao về điều này?
- Thực ra đó chính là thứ mà tôi không mong đợi, vì rõ ràng đề bài của tôi đặt ra là tôi dành một năm để tập vẽ phụ nữ làm sao cho mềm mại, uyển chuyển, không khô cứng như trước. Còn tôi không hề nghĩ rằng mình chọn đề tài liên quan đến phụ nữ để ấn định hay ghi dấu trong nghề và đó chỉ là hiệu ứng ngoài mong đợi. Tôi thấy rằng, nếu bây giờ quay trở lại những đề tài trước kia thì tôi tự tin hơn với việc thể hiện phụ nữ của mình. Trước đó, trong trường đại học thì tôi đã được học và vẽ mẫu nữ nude nhưng mà đó chỉ ở mức độ sinh viên nên việc nghiên cứu nó chỉ mang tính phản ảnh những hình ảnh mà mình nhìn thấy. Còn hiện tại khi tiếp xúc lại với các người mẫu thì tôi muốn đi sâu hơn và tả được cá tính của mỗi cá nhân, thể hiện được tính cách của từng nhân vật mẫu. Cho nên, không phải là ngồi vào một cái là vẽ luôn, mà tôi sẽ tìm hiểu về bạn mẫu này, tính cách của bạn như thế nào? Đó là phá cách hay dữ dội để rồi cố gắng chuyển tải những tính cách đó vào trong bức hoạ.
Dự định năm 2020 của anh như thế nào?
- Tôi đang cố gắng để một năm sẽ làm 2 cái Open Studio một cái là đầu năm, một cái là vào tầm tháng 8. Tôi chọn tháng 8 với mùa thu không khí mát mẻ, mình sẽ trưng bày và khoe với mọi người về công việc của mình trong 6 tháng vừa rồi. Ngoài ra, đến khoảng tháng 10 có thể tôi sẽ làm một triển lãm cá nhân riêng về đề tài là tranh nude để kết thúc công việc nghiên cứu tranh nude. Có thể sau này tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu và vẽ tranh nude nhưng mà trong bố cục và những tác phẩm nó có ý nghĩa khác. Bởi trước giờ, tôi luôn quan niệm rằng mỗi tác phẩm tranh nó không chỉ truyền tải, thể hiện hay phản ánh lại cái đẹp mà còn phải có nội dung, giống như một tác phẩm văn học, hay một bài thơ, phải có ý tứ chứ không phải thơ tả cảnh hay đặt văn vần. Với tôi thì mỗi tác phẩm có một câu chuyện riêng.
Vậy phải chăng trong thời gian tới anh có ý định chuyển hướng sang một dòng tranh khác?
- Dòng tranh của tôi trước giờ là những tác phẩm mang tính bình luận xã hội. Bố mẹ tôi đều là nhà báo và tôi lớn lên trong không gian môi trường của văn học nghệ thuật, cho nên tôi được thừa hưởng rất nhiều. Bởi vậy, mà tôi nghĩ rằng, mỗi tác phẩm dù là văn học hay là hội họa, âm nhạc thì đều phải có ý tứ xuyên suốt. Cá nhân tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi dòng tranh mang tính bình luận, xã hội mà tôi đã đi theo suốt hơn chục năm qua. Bởi tôi không phải là người chạy theo thị hiếu, nhu cầu của công chúng.
Nghệ thuật có một sân khấu riêng và có một nhóm khán giả riêng nên tôi không mong đợi là tất cả mọi người đều có thể lựa chọn cho mình một thứ mà họ thích.
Xin cảm ơn anh!