Tình cảm là thứ cho đi mà làm đầy thêm
“Lần đầu tiên tôi đến với TP HCM cách đây đúng hai chục năm, năm 1997, trong một chuyến công tác. Hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, cảm giác khi ấy rất khó tả: sự náo nhiệt của thành phố, sức nóng của khí hậu phương Nam, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa ứng xử, ẩm thực… Nhưng ấn tượng chung khá dễ chịu là người phương Nam luôn cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ, tận tình giúp đỡ. Và tôi thấy mặc dù rất nắng nhưng màu xanh của cây lá hiện diện khắp nơi, hoa trái đặc biệt to, ngon, rẻ, phong phú về chủng loại”.
Đó là chia sẻ của nhà văn Hòa Bình kể về lần đầu tiên gặp gỡ với mảnh đất phương Nam.
Nhà văn Hòa Bình.
PV:Vì sao chị quyết định đưa cả gia đình vào đây và định cư?
Nhà văn Hòa Bình: Thực ra, di dời cả gia đình vào TP HCM định cư là quyết định chung của hai vợ chồng. Nếu ông xã không thích TP HCM thì không có bà xã nào tự nhiên làm được chuyện đó. Chồng tôi còn mê mảnh đất này trước tôi và có rất nhiều công việc từ Sài Gòn cần chúng tôi tham gia. Ngoài ra thì, chắc là do “duyên số”. Mỗi lần hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, mặc cho bên ngoài náo nhiệt ồn ào, bên trong chúng tôi lại luôn cảm thấy một tình cảm thân thương, bình an lạ lùng lan tỏa khắp thân và tâm. Cái cảm giác của người trở về nhà, nơi có một căn phòng nhỏ sáng đèn với bữa cơm chiều và hai đứa trẻ chờ đón. Nó không đơn thuần là việc mình trở về căn nhà thực tế của mình. Tôi nghĩ nó là sự kết nối giữa bản thân mình với con người và đất trời thiên nhiên nơi đó. Dù khó gọi tên tình cảm của mình nhưng nhận ra nó, chúng tôi hiểu rằng mình đã tìm đúng mảnh đất phù hợp để sinh sống.
Thời gian ban đầu của chị khi ấy có những khó khăn thuận lợi gì ở miền đất mới này?
- Thực ra thì chỉ có một chút khó khăn. Chỉ là những chuyện đơn giản như địa bàn khá rộng, nhiều đường phố cần phải nhớ, nhất là các quận xa. Hồi mới vào, cứ đi từ quận 1 sang quận 7 thế nào chiều về cũng bị lạc đường. Đặc biệt nếu trở về vào tầm chiều tối, đường thì kẹt xe, mà ánh sáng thay đổi làm khung cảnh cũng đổi khác, cộng với đường đi và đường về là hai con đường khác nhau,nên nhiều bữa cũng phải loay hoay tìm kiếm, hỏi han, thậm chí đi lạc sang tận Nhà Bè, Bình Chánh. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng qua đi khi mình nỗ lực ghi nhớ các điểm mốc quan trọng trên lộ trình. Một số người khác mới chuyển vùng thường hay kêu khó ăn vì văn hóa ẩm thực khác nhau, tôi thì không, có thể nói chúng tôi hòa nhập khá nhanh, thậm chí còn học được vài món “truyền thống” của phương Nam, chẳng hạn như canh chua cá lóc, kho quẹt…
Thuận lợi thì rất nhiều, phương Nam luôn là một thị trường lớn nên có quá nhiều việc để làm, nhiều đối tác để gặp gỡ, bàn bạc, tiến tới những công việc chung.Tư duy người Sài Gòn rất “mở” nên họ sẵn lòng hỗ trợ, chung sức cho những ý tưởng thuyết phục. Ở Sài Gòn, tôi có cảm giác chỉ cần bạn có năng lực và chịu học hỏi, thành phố sẽ tự động đón bạn vào lòng.
Năm nay, thời tiết Sài Gòn có sự thay đổi khi trời trở rét dài ngày, có gió lạnh và người dân ra đường mặc áo len hoặc áo khoác, chị cảm nhận như thế nào về những điều này?
- Đi xa miền Bắc, tất nhiên chúng tôi rất nhớ cái lạnh khiến cho người ta cảm thấy muốn xích lại gần nhau hơn, muốn làm một điều gì đó ấm áp với nhau hơn. Đối với người Sài Gòn, cũng chính vì Noel thường là mùa “lạnh” nhất trong năm nên nó mang ý nghĩa Tết đối với họ nhiều hơn cả dịp Tết âm lịch. Thời tiết Sài Gòn trong những ngày Nguyên đán lại rất nắng nóng, giò chả, bánh chưng, bánh tét dễ hỏng, đi thăm nhau cũng ngại đường xa khói bụi, trốn vào một góc hưởng thụ ngày nghỉ nhàn rỗi hoặc xách ba lô đi du lịch là hai quyết định phổ thông nhất đối với Tết Sài Gòn. Noel về, sáng sớm đã nhận được tin nhắn của một người bạn Sài Gòn: “Đông lạnh, khi ra đường nhớ mang theo khăn ấm, đội mũ ấm, mặc thêm cho mình một chiếc áo ấm, giữ gìn sức khỏe nha. Mình quan tâm bạn vì bạn là người mà tôi quý. Bạn hãy gửi tin nhắn này tới 30 người mà bạn thấy quý nhé. Đừng giữ cho riêng mình vì tình cảm là thứ cho đi sẽ chỉ làm đầy thêm…”. Bạn trẻ Sài Gòn dễ thương như vậy đấy.
Sống giữa người dân miền Nam nhiều năm, chị có cảm nhận những gì về họ?
- Người Sài Gòn rất ghét thói “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, bản thân người Sài Gòn làm giỏi hơn nói, nên nếu hiểu được bản chất đó, bạn chỉ cần tập trung vào việc chính, làm xong hãy nói, làm nhiều nói ít, bạn sẽ thành công. Nhưng tất nhiên điều đó đúng với đa số chứ không phải tất cả và không bao gồm những “chuyên gia” chỉ chuyên nghề “chém gió” ngoài vỉa hè, bạn phải tự cảm nhận điều đó và có “màng lọc” quan hệ giữa một xã hội “phẳng” và không biên giới ngày nay.
Tinh thần người sống ở Sài Gòn khi cuối năm tới, theo chị là gì?
- Làm hết mình, chơi hết sức. Xét về năng suất lao động và cả đặc điểm “chịu chơi” thì chắc người Sài Gòn chiếm vị trí số 1 trên cả nước. Cuối năm, người Sài Gòn sẽ xếp hết công việc lại, đóng gói mọi thứ và lên đường du lịch, khám phá đó đây.
Theo chị, những nét đẹp nào làm nên những giá trị văn hóa cho Sài Gòn?
- Nét đẹp trong tính cách dám nghĩ dám làm đã và sẽ làm thay đổi những thực tế của cuộc sống. Hiện tại của Sài Gòn, các tinh hoa nghệ thuật của đủ các lĩnh vực như văn chương, nhạc, họa, múa… đều đang hội tụ với nền biểu diễn phát triển rực rỡ nhất trong tất cả các địa phương. Mọi sân khấu sáng đèn hàng đêm.
Trước đây người ta chê Sài Gòn “hoa hòe hoa sói” nhưng hiện tại thành phố khá đẹp trong con mắt đánh giá của các chuyên gia. Hệ thống công trình phục vụ công cộng khá tốt, mỹ thuật công cộng dù chưa hài lòng nhưng không tệ. Để có được một thành quả nào đó trong số những thứ vừa kể trên đã phải là công sức của rất nhiều người dám nghĩ dám làm, những người phải chấp nhận hệ lụy từ việc làm của mình không ít, và cả những người phải âm thầm cống hiến mà chẳng ai biết đến công sức của họ. Nhưng chính đặc tính của người Nam “làm giỏi hơn nói” lại là điểm đáng yêu và níu chân những người không phải sinh ra trên mảnh đất này ở lại với nó.
Đọc các truyện chị viết, tôi nhận thấy hình ảnh thành phố xuất hiện nhiều trong đó. Điều gì gợi cảm hứng trong chị?
- Sài Gòn hiện diện trong khá nhiều truyện của tôi trong nhiều năm qua. Khung cảnh huyền bí trong “Máu của đá” mà rất nhiều người thắc mắc, thực ra tôi viết về Sài Gòn và viết tại Sài Gòn. Các cô gái trong “Biển trên đỉnh núi”, “Người lạ ở Bắc Kinh”, “Chuyện tình bên bờ Vô Cực”, “Bộ mặt bên trong bộ mặt”… là kiểu công dân trẻ điển hình của Sài Gòn. Nhân vật và bối cảnh của “Điểm mù”, “Cocktail, café, kem và mặt trời”, “Bức tử hiện tại”, “Đi về phía vô cùng”… đều là bối cảnh Sài Gòn và tính cách người Sài Gòn. Bởi vì nơi mình lựa chọn để sống chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng, nhiều ám ảnh, và cũng còn lại nhiều giấc mơ ngoài tầm với.
Với tất cả những bối cảnh thành phố ấy, nơi nào mang đến trong chị nhiều cảm xúc nhất?
- Sài Gòn buổi chiều đứng trên cầu Khánh Hội nhìn ra bốn hướng rất đẹp, một bên là đường phố đi bộ Nguyễn Huệ, một hướng là bến Nhà Rồng với dòng sông Sài Gòn mênh mông. Khung cảnh đó rất “đặc trưng” Sài Gòn khó mà bắt gặp một bối cảnh phối hợp tổng thể ăn ý cả đất trời sông nước và tâm hồn con người như thế ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Thói quen của chị thường ngày khi sống trên mảnh đất này?
- Sáng dậy sớm, ngồi thiền mươi phút, làm mới trí não trước khi bước vào một ngày mới bộn bề; rồi tự pha cho mình một ly cà phê sạch, nướng bánh mì ăn với bơ Pháp hoặc bánh ngọt. Cuối ngày, sau khi kết thúc tất cả công việc, lại ngồi thiền mươi phút để rũ bỏ toàn bộ những bộn bề, “dọn dẹp rác” trong suy nghĩ, làm sạch tâm thân trí xong mới có thể ngủ ngon.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.