Bàn cờ kinh tế quốc tế: Những thách thức từ tương lai
Nước mắm, cà phê, trái cây, gạo… nhiều sản phẩm của Việt Nam đã bước chân đến các thị trường trên thế giới. Song, đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới thôi chưa đủ, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa nước nhà. Và ở sân chơi toàn cầu hóa này, không có chỗ cho những doanh nghiệp “chậm thay đổi, ngại hành động”.
Gạo Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Xây và giữ thương hiệu - yếu tố đầu tiên để hội nhập
Nếu nhìn vào bức tranh xuất khẩu gạo, có thể nói gọn trong một ý, đó là: Nhiều thập kỷ qua, gạo Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới chỉ nhằm vào sản lượng mà không gây được tiếng vang. Gạo Việt dù đứng trong top các cường quốc xuất khẩu gạo nhưng thế giới lại chỉ biết đến gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ. Tương tự, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, song chưa để lại được nhiều ấn tượng trong lòng người tiêu dùng thế giới. Như câu chuyện về các sản phẩm nước mắm của Việt Nam, dù đã đến được khá nhiều thị trường quốc tế song, thế giới lại biết đến các thương hiệu nước mắm Golden Boy, MegaChef hay Squid… của Thái Lan hơn là những sản phẩm “made in Vietnam”. Điều này khiến các DN Việt không khỏi chạnh lòng. Cũng như nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu khác, không phải vì chất lượng nước mắm của chúng ta thua Thái Lan, mà bởi chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa định vị được “cái danh” của mình trên “bàn cờ” kinh tế thế giới.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ. Việc ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đối với Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi chúng ta trở thành một trong những thành viên tích cực nhất trong cuộc chơi thương mại toàn cầu với việc tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới đó, các nhà hoạch định chính sách và giới kinh doanh đều hiểu rất rõ rằng, chúng ta đang bước vào một sân chơi lớn đòi hỏi những nước đi chiến thuật để có thể cạnh tranh một cách mạnh mẽ nhất, từ đó có thể tiến sâu và bước lên nấc thang cao hơn. Và ở sân chơi đó, những nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên hay bất kỳ mặt hàng nào của Việt Nam xuất khẩu đều phải định vị được vị trí của mình, không thể cứ mãi mờ nhạt để rồi người tiêu dùng thế giới chỉ biết đến những tên tuổi “made in Thailan”, “made in Japan” mà không phải là “made in Vietnam”.
Trong một buổi trao đổi với Đại Đoàn Kết về câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia có nhiều năm làm việc tại Hoa Kỳ cho biết, thông thường, người tiêu dùng khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, thì có đến 60% quyết định của họ là vì thương hiệu của sản phẩm đó, phần còn lại mới là chất lượng và giá cả. “Tôi lấy ví dụ, nếu để lựa chọn giữa hai sản phẩm Nes Coffee hay cà phê Trung Nguyên, người Mỹ họ sẽ chọn Nes Coffee, không phải vì cà phê Trung Nguyên của chúng ta thua kém gì Nes Coffee, mà bởi vì Nes Coffee đã khẳng định được thương hiệu của mình, cái cách mà thương hiệu này làm được là, người tiêu dùng khi nghĩ đến cà phê là chỉ nghĩ đến Nes Coffee chứ không phải bất kỳ một thương hiệu nào khác” – ông Hiếu nói và nhấn mạnh: “Cái này đối với các DN Việt Nam, hầu như chưa có DN nào làm được. Định danh mình trên bàn cờ kinh tế thế giới, không phải là câu chuyện có thể làm được một sớm một chiều, nhưng nhất định mỗi DN khi bước vào sân chơi toàn cầu này phải làm bằng được nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”.
Rất nhiều sản phẩm của chúng ta đã đến được với thị trường thế giới, nhưng không nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu. Hoặc nếu xây dựng được lại có nguy cơ bị tuột mất vì xây dựng xong lại không bảo vệ được. Hay nói cách khác đi, có thể DN Việt bước qua được thách thức này nhưng khi gặp rào cản khác lại khó vượt qua.
Cũng như nhiều sản phẩm nông sản khác, nếu chúng ta không tạo được niềm tin, tạo được chữ tín bằng chất lượng, bằng thương hiệu sản phẩm của mình, cánh cửa để chúng ta bước ra với thế giới sẽ trở nên hẹp hơn.
FTA thế hệ mới - cơ hội và thách thức
Nói như vậy để thấy, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, cơ hội đến cũng nhiều song những thách thức ở trong đó cũng không ít.
Chia sẻ về việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 5 - 10 năm tới đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, trong đó đặc biệt là cơ hội và thách thức từ việc triển khai thực hiện đồng thời các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương. Nhìn nhận một cách khách quan, TS Hoàng Xuân Hòa cho rằng khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng mới. Lợi ích đầu tiên phải kể đến đó là cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Có thể thấy rất rõ cơ hội này khi các nước xoá bỏ thuế nhập khẩu cho hàng hoá của Việt Nam. “Như với AEC, các DN, hàng hoá của Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường của cả 10 nước ASEAN với 620 triệu người tiêu dùng. Hay như Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp nâng mức tăng xuất khẩu lên 21%/năm, giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong năm 2020 tăng thêm 16 tỉ USD so với trường hợp không có EVFTA. Tương tự, CPTPP cũng mở ra hàng loạt các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.
Song đi kèm với đó là những yêu cầu không hề “dễ thở” từ phía đối tác, đó là những quy định liên quan đến quy định xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm…mà bắt buộc các sản phẩm của ta phải tuân thủ. Điều này tưởng đơn giản mà lại không hề dễ dàng khi mà các sản phẩm nông sản của ta trước đến nay đều sản xuất theo lối tự phát, nhỏ lẻ… Nông dân trông cây gì, nuôi con gì thường không theo tín hiệu thị trường, cũng không theo một quy trình, quy củ nào cả, nói nôm na là “nông dân thích gì trồng nấy, thích gì nuôi nấy, nuôi trồng theo phong trào”. Phương thức sản xuất này cần phải thay đổi khi chúng ta hội nhập, bởi các quy định do thế giới đưa ra mà chúng ta không tuân thủ thì không thể nhập cuộc được.
Giới chuyên gia nhận định, những quy định, chuẩn mực mà các FTA đưa ra không hề “dễ chịu” chút nào. Song, nếu coi đó là động lực để Việt Nam có thể thay đổi thì chính những chuẩn mực, quy định đó sẽ tạo ra những cơ hội mới. Từ những áp lực này nền kinh tế sẽ có sự lột xác, vươn lên bằng nỗ lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa thay vì chỉ chuyên làm gia công như trước đây. “Hội nhập thúc đẩy các DN trong việc nỗ lực đổi mới công nghệ, tăng cường giá trị nội địa, tận dụng tối đa những lợi ích mà các FTA mang lại”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
“Chúng ta phải hành động một cách mạnh mẽ, đó là điều chắc chắn. Bởi nếu DN chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, hiệu quả của việc gia nhập CPTPP hay EVFTA sẽ không khác gì việc chúng ta ngồi trên “núi vàng” mà không biết cách khai thác. Chính bởi vậy, sự vào cuộc của nhà quản lý, DN là tất yếu, là điều chúng ta cần phải làm để thích nghi để có thể hành động kịp thời, biến mọi thách thức trong FTA thế hệ mới thành cơ hội để phát triển”- PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định.