Những cây bút mặt trận, nỗi nhớ khôn nguôi
Năm hết, Tết đến, lại nao nao nhớ những cây bút của báo Mặt trận không còn nữa. Ở nước ta ít có tờ báo nào hội tụ nhiều người về làm việc cho tờ báo ra đời sớm như báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đó là Báo Đại Đoàn Kết mà tiền thân là báo Cứu Quốc, báo Giải Phóng. Nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ có tiếng làm biên tập viên đều đặn cho báo như các anh: Như Phong, Nam Cao, Văn Cao, Tú Mỡ, Tô Hoài, Đỗ Phồn, Nguyễn Đình Thi, Trần Đình Thọ… Anh Xuân Thủy đã tập hợp các anh, phát huy tài năng của các anh và nhiều người khác.
Nếu được, xin bắt đầu kể Nam Cao và Nguyễn Văn Nguyễn là hai cây bút xuất sắc của báo Cứu Quốc Trung ương và báo Cứu Quốc Nam Bộ. Nguyễn Văn Nguyễn quê Mỹ Tho, viết rất nhiều trên báo Cứu Quốc. Anh thuộc lớp chiến sỹ Cộng sản năm 1930. Tiếc rằng, anh đã ngã xuống còn rất trẻ tại Nam Trung bộ trên đường ra Việt Bắc.
Báo Cứu Quốc là cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt Trận, xuất bản ở miền Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi nào ra tờ Cứu Quốc thì đề tên địa phương đó. Vì vậy mà có tờ Cứu Quốc Nam Bộ.
Sau ngày 20/8/1945, một cuộc họp khẩn cấp tại nhà số 101 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bấy giờ của một số anh em nhà báo, nhà văn trong tổ chức Việt Minh, làm việc ra báo Cứu Quốc (bộ mới). Ai nấy nhất trí phải ra gấp báo Cứu Quốc (bộ mới). Anh Xuân Thủy viết bài xã luận đầu tiên cho số báo này với tựa đề: “Chào Cứu Quốc”, có đoạn:
“Cứu Quốc! Tiếng gọi thiêng liêng ấy của Tổ quốc Việt Nam, tiếng kêu thống thiết của đồng bào 80 năm nô lệ; tiếng thét căm hờn của hàng vạn chiến sỹ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết chỉ vì tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc.
Cứu Quốc! Hai tiếng hô vang từ Trưng Trắc, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và trong các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương vọng lại. Nó đã trở thành hai tiếng long trời lở đất của Việt Minh, hiệu triệu của đồng bào vùng dậy với lá cờ đỏ sao vàng giành quyền độc lập, tự do.”.
Từ mùa thu 1950, trụ sở báo Cứu Quốc ở cách xa trụ sở của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt có khi cả ngày đường. Anh Xuân Thủy phải thường trực ở xa cơ quan Mặt trận. Dù ở gần hay ở xa tòa soạn, trị sự, anh luôn luôn chú ý đến mọi mặt công tác của báo, đến đời sống của anh em. Anh là linh hồn của báo Cứu Quốc. Điều đó đúng với thời kỳ anh trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc từ 1944 đến 1954, cũng như đúng với thời kỳ anh không trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc (thời kỳ sau khi ký hiệp định Giơ-ne-vơ đến năm 1977).
Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 8/1975, báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam xuất bản bộ mới tại Sài Gòn với 4 trang khổ lớn. Ngoài số báo hàng ngày, báo Giải Phóng ra thêm số chủ nhật. Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, được Trung ương cử vào làm Tổng biên tập tờ báo này với biệt danh Tám Mai. Trong các bài viết của mình, ông còn có bút danh Hương Xuân (tên cháu ngoại của ông).
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm báo Đại Đoàn Kết ra số đầu (2002), tôi và anh Nguyễn Quốc Khánh (nay là Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) đến nhà riêng của ông ở phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) thăm ông và xin ý kiến về nội dung cuốn sách. Bây giờ ông đã rất yếu. Ông nghe chúng tôi nói mà hai mắt ngấn lệ, vì không nói được hoặc vì không nhớ lại những chuyện ngày xưa?
Nhân dịp này, chúng tôi xin nhắc lại một câu chuyện ngày đầu làm báo Giải Phóng. Trong những ngày này, tại trụ sở báo Giải Phóng ở 176 Võ Thị Sáu, không ít bà con tự nguyện đến tòa soạn làm bất cứ việc gì mà tòa soạn cần, không yêu cầu trả lương hoặc nhận một món thù lao nào; nhiều bạn đồng nghiệp ở Sài Gòn còn mang máy đánh chữ, giấy, bút, mực, thức ăn đến ủng hộ cho tờ báo cách mạng đang ngày ngày được in và phát hành tại thành phố vừa mới giải phóng. Một hôm ông Tám Mai cho người đến mời cô gái Sài Gòn chính cống tự nguyện đến tòa soạn báo làm việc, tên là K.M.D để ông thăm hỏi và trò chuyện. Nhưng cô vừa mở cửa bước vào phòng làm việc của ông Tám Mai, thì cô bỗng vụt quay ra và chạy thẳng xuống đường. Từ đó cô không trở lại tòa soạn báo Giải Phóng nữa. Sau này ông Tám Mai kể lại, dạo ông là Người phát ngôn của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trong lần họp báo, một nữ phóng viên của tờ báo chính quyền Sài Gòn, hỏi ông nhiều câu khá “hóc búa”. Ông rất có ấn tượng về người nữ ký giả này. Không ngờ, trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, ông gặp lại cô tại tòa soạn báo Giải Phóng do mình phụ trách giữa Sài Gòn trong hoàn cảnh như vậy.
Ở báo Cứu Quốc có hai anh em ruột cầm bút khá lâu. Đó là anh Thép Mới và anh Hồng Hà. Thép Mới còn có bút danh Phượng Kim, Hồng Châu. Tên thật là Hà Văn Lộc (1925-1991). Anh giác ngộ cách mạng và bắt đầu viết báo từ năm 1945. Năm 1965, anh vào chiến trường miền Nam, phụ trách báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Anh không có hứng thú “làm quan”. Anh thích đi nhiều nơi, có mặt ở nhiều vùng miền của tổ quốc, xông vào nhiều chiến trường ác liệt. Ông đi vào cuộc chiến đấu trước hình tượng đẹp của người chiến sỹ giải phóng quân. Thép Mới không kìm được lòng mình: “Ôi! Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam! Ơi! Con chim ưng của lòng tôi, anh giải phóng quân ơi, hãy tung cánh lớn nữa lên đi. Ơi, chiến trường!”. Thép Mới chuyên viết ký. Chủ yếu ông sử dụng loại bút ký chính luận.
Nhớ lại khi làm kỷ yếu báo Đại Đoàn Kết, nhân dịp 60 năm, nhà báo Hồng Hà viết cho chúng tôi bức thư khá dài, dặn đi dặn lại: Đã đọc đề cương kỷ yếu 60 báo Đại Đoàn Kết. Xin cảm ơn và cảm động vì đã nhớ tới một người của báo Cứu Quốc. Đây là một việc làm rất có ích và cần thiết. Viết về ba tờ báo: Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết cân bằng nhau, cùng một độ dài, hoạc có báo viết nhiều hơn, báo viết ít hơn? (Hình như Đại Đoàn Kết là chính? Theo đề cương).
Về riêng báo Cứu Quốc, tôi biết nhiều hơn hai báo kia. Đây là tờ báo tiêu biểu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc, thật sự là tờ báo hàng ngày của Đảng ta ra công khai sau Cách mạng tháng Tám. Việc này các anh hỏi thêm anh Nguyễn Tiêu, anh ấy biết nhiều sự kiện ở báo Cứu Quốc. Bây giờ người cũ không còn mấy ai nữa đâu. Không hỏi chuyện, không ghi chép lại, ta có lỗi với con cháu, với nền báo chí nước nhà. Chúng tôi cũng đã luống tuổi hết rồi.
Những năm làm việc với “cụ Nguyễn Tiêu”, tôi học được ở ông chuyện ở đời là nhiều nhất. Phóng viên tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam, số ra tháng 12/2009, hỏi nhà báo - nhà văn Trần Thanh Giao rằng, anh có ấn tượng sâu sắc gì với những Tổng biên tập mà anh đã từng công tác chung? Nhà báo Trần Thanh Giao kể ra hai người. Đó là nhà báo Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân và nhà báo Nguyễn Tiêu, nguyên quyền Tổng biên tập báo Cứu Quốc thời kỳ 1964-1977 và Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết (1981-1984), anh cho biết: Hầu như anh chị em nhà báo trẻ ít người biết nhà báo Nguyễn Tiêu. Nhưng những cây bút cừ khôi như Trần Trần Đình Vân (tức Thái Duy), Hùng Lý, Lửa Mới, Lã Vọng (Nguyễn Hữu Tuấn), Lê Điền… đều yêu mến, tin tưởng, vì anh em gặp “tai nạn nghề nghiệp” anh Nguyễn Tiêu đều đứng ra nhận hết lỗi về mình, để anh em khỏi bị kiểm điểm, kỷ luật. Thật là một nhân cách đáng kính trọng. Tôi nhớ nhất anh Nguyễn Tiêu điều đó.”...
Mùa xuân này, chúng tôi nhớ các anh hầu làm ấm thêm trang báo hàng ngày mà chúng tôi cầm trên tay. Chung quanh các anh hôm nay, nhiều người mái tóc đã gội gió mây trời. Những tinh hoa của tài năng, trí tuệ, tâm hồn của các anh sẽ tiếp tục nảy nở, phát huy.