Người trở về
Cuộc gặp gỡ đặc biệt với nhà báo Cao Kim tức Kim Toàn- nguyên phóng viên báo Giải Phóng, nguyên Tổng biên tập báo Hải Phòng đã làm sống lại một giai đoạn hào hùng của những tháng ngày làm báo ở chiến trường Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định, khi mỗi tờ báo phát hành phải đổi bằng máu.
Nhà báo Cao Kim. Ảnh: Quang Vinh.
Ở tuổi bát tuần, niềm vui của nhà báo Cao Kim là sự sum vầy của gia đình và chăm sóc người vợ thân yêu của mình nhưng sâu thẳm ông vẫn dành trong trái tim mình một góc thiêng liêng nhất, đó là những ngày làm báo ở chiến trường, thời của những ngày là phóng viên báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Kỷ niệm của ông cũng chính là niềm tự hào của chúng tôi - những thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay. Vì báo Giải Phóng chính là tiền thân của báo Đại Đoàn Kết. Trong hành trình 78 năm thành lập báo Đại Đoàn Kết, báo Giải Phóng có chặng đường 12 năm (10 năm trong chiến tranh và 2 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước). Năm 1977, báo Giải Phóng hợp nhất với báo Cứu Quốc và trở thành báo Đại Đoàn Kết như ngày nay.
Báo Giải Phóng mang trong mình sứ mệnh đặc biệt của một phần lịch sử đất nước, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và của Măt trận Tổ quốc Việt Nam. Và chàng phóng viên trẻ Cao Kim, khi đó đang là phóng viên của báo Hải Phòng, đã quyết định can đảm như một người lính được lệnh tiến bước dưới quân kỳ vào chiến trường miền Nam.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu khi mùa xuân gõ cửa bên hiên nhà, nhưng có lẽ với ông, sau những năm tháng chiến trường, cứ mỗi lần đến Tết là ông lại nhớ về Tết Mậu Thân năm 1968. Trong câu chuyện của ông, chúng tôi được biết thêm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử long trời lở đất của quân và dân ta. Cũng trong câu chuyện này, chúng tôi được biết về sự hy sinh của nhiều đồng nghiệp, đồng đội của ông - những người mà nhà báo Cao Kim suốt đời vẫn giữ trong tâm tưởng.
Người mà ông luôn nhắc tới chính là nhà báo Hồng Châu (tức Thép Mới), Tổng biên tập báo Giải Phóng. Khi ấy, nhiệm vụ nặng nề mà nhà báo Hồng Châu phải thực hiện là, cùng với việc phản ánh cuộc đấu tranh long trời lở đất diễn ra trên toàn miền Nam, đặc biệt là ở đô thành Sài Gòn, thì cần chuẩn bị mọi mặt để khi có thời cơ, hai người (tức là nhà báo Hồng Châu và Cao Kim) phải kịp thời xuất bản một tờ báo cách mạng tại đô thành Sài Gòn. Theo kế hoạch, nhà báo Hồng Châu chủ động viết xã luận, những bài đinh và định hướng những văn bản cần công bố, còn lại tất cả là do nhà báo Cao Kim lo từ viết bài, tin, chụp ảnh, trình bày và tổ chức phát hành báo…Nhớ lại thời điểm đó, ông bảo, “đây là việc quá lớn và khó, tôi chưa từng làm. Dù biết rằng tôi được nhà báo Hồng Châu và lực lượng cách mạng tại chỗ giúp đỡ nhưng quả thật tôi rất lo, vì chưa hình dung được diễn biến của tình hình ra sao. Điều duy nhất là vì cách mạng, tôi quyết tâm và mạnh dạn làm, và cố gắng làm hết sức mình”.
Nhưng rồi cuộc tổng tiến công đó diễn ra, kẻ địch chống trả quyết liệt, tình hình diễn biến khá nhanh, hai nhà báo rất khó thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhà báo Hồng Châu được lệnh rút khỏi nội đô để đảm bảo an toàn, còn nhà báo Cao Kim tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ. Ngay sau đó, nhà báo Cao Kim được điều động gia nhập lực lượng võ trang tuyên truyền, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Chính trong trận chiến đấu chống địch phản kích tại cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn, nhà báo Cao Kim đã “hy sinh” và có “giấy báo tử”.
Trong trận chiến đấu chống phản kích như trên vừa kể, giữa địa bàn sình lầy, nhà báo Cao Kim sát cánh cùng đồng đội đánh tan các đợt tấn công và bao vây của địch. Quân địch bị ta chặn đánh, chết và bị thương nằm la liệt. Phía ta cũng chịu tổn thất không nhỏ, đội trưởng Hai Ca hy sinh trong trận càn ngày 8/3/1968. Nhà báo Cao Kim cùng một tổ của đội tuyên truyền võ trang theo một mũi chống càn khác, đánh trả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Đồng đội tìm được đội trưởng Hai Ca lúc anh bị thương rất nặng, thân thể biến dạng và bê bết máu. Anh hy sinh khi cấp cứu tại trạm xá phân khu 3. Người ta tìm thấy trong túi áo ngực anh có giấy chuyển sinh hoạt Đảng mang tên Cao Kim - do nhà báo Cao Kim nộp cho đội trưởng kiêm bí thư chi bộ khi gia nhập đội, mà anh Hai Ca chưa kịp lưu vào hồ sơ. Sự nhầm lẫn giữa liệt sĩ Hai Ca và nhà báo Cao Kim trong thời điểm chiến đấu diễn ra rất ác liệt là vậy.
Nhà báo Cao Kim thời làm phóng viên báo Giải Phóng, hoạt động tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, đầu năm 1968. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Theo nhà báo Cao Kim, câu chuyện ông có giấy báo tử chỉ là một kỷ niệm của cá nhân, còn nhiệm vụ hoạt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 mới là quan trọng. Có lẽ, đó cũng chính là lý do để nhà báo Cao Kim mới cho ra mắt cuốn “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968-2018) với nhân vật chính là nữ chiến sĩ giao liên quân báo Minh Nguyệt (tức Sáu Thắm).
Đặc biệt cuốn “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”, có nhiều nhân vật mới tìm thấy, trong đó bài mở đầu, tác giả đã trân trọng giới thiệu về nhà báo Thuỵ Nga, phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ông bảo, người ta cứ nghĩ, là phu nhân của lãnh đạo cấp cao thì cuộc sống phải thế này, thế kia, nhưng nhà báo Thuỵ Nga lại là một phụ nữ mạnh mẽ, chịu nhiều hy sinh, gian khổ, vượt qua muôn trùng sóng gió. Bà là nữ nhà báo Nam Bộ duy nhất vượt biển vào Nam trên tàu không số, vì khi ấy bà công tác ở báo Hải Phòng.
“Sau ngày miền Nam giải phóng chị em tôi gặp nhau tại Sài Gòn, chỉ biết ôm nhau mà khóc…Nhưng các bạn biết đấy, còn có những nữ nhà báo vượt Trường Sơn vào miền Nam và không bao giờ trở về, một trong số đó có chị Sáu Mai. Khi được giao nhiệm vụ phản ánh về các cuộc trao trả tù binh giữa phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và phía chính quyền Sài Gòn, tôi đã đi tìm chị, nhưng tìm hoài không thấy, sau này mới biết chị bị sa vào tay giặc và bị chúng sát hại dã man. Chị Sáu Mai chính là nhân vật mà tôi đã viết trong “Chuyện người đi mãi không về” ”- nhà báo Cao Kim nghẹn ngào khi nhớ về đồng nghiệp.
Có lẽ, không nỗi buồn đau nào có thể so sánh với sự mất mát trong cuộc đời một con người là mất đi những người bạn, người đồng chí. Nhưng tinh thần kiên gan của một nhà báo xung phong ở tuyến lửa đã giúp ông vững vàng vượt qua và giữ lại trong mình sự hy sinh cao cả của đồng đội bằng tất cả sự đau đớn và bi tráng như một vết thương mà chiến tranh đã để lại.
Bây giờ, mỗi khi nhớ về những năm tháng ác liệt ấy, nhà báo Cao Kim lại nhớ tới báo Giải Phóng, nhớ những con người bình dị mà cao cả như Tổng biên tập Hồng Châu, như nhà báo Trần Đình Vân (Thái Duy) hay nhà báo Mai Trang - đây là 2 nhà báo đã trở về Hà Nội làm việc tại báo Đại Đoàn Kết sau ngày đất nước thống nhất.
Báo Giải Phóng và những con người từng gắn bó một thời với tờ báo chiến trường ấy đã được nhà báo Cao Kim kể lại trong cuốn sách “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”. Ông dành nhiều trang để giới thiệu về báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tờ báo xuất bản số đầu vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ tư Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/12/1964) với mục tiêu mà Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ mong mỏi: “Bạn đọc báo Giải Phóng không chỉ là nhân dân vùng giải phóng mà còn ở các vùng ven thành phố và cả nội thành nữa. Làm sao khi đọc báo Giải Phóng, nhân dân miền Nam được động viên tinh thần yêu nước, tin tưởng ở sức mạnh và thắng lợi của cách mạng, kiên quyết đứng lên đấu tranh chống Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai của Mỹ”…Và, báo Giải Phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Nhà báo Cao Kim cùng các đồng nghiệp báo Giải Phóng cũng trở thành một phần của lịch sử.
Điều trăn trở của ông bây giờ vẫn là việc tờ báo dường như bị quên lãng, bởi mãi tới nay sau gần 45 năm, anh chị em làm báo mới tự dựng bia tưởng niệm tại căn cứ của tờ báo ở Tây Ninh. Và còn nhiều việc phải làm để nhắc nhớ về một tờ báo anh hùng với những người làm báo quả cảm của cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bởi vậy, ông mong muốn các thế hệ làm báo của Đại Đoàn Kết ngày nay hãy tiếp tục giữ vững ngọn lửa cách mạng ấy, đừng để lịch sử qua đi trong nuối tiếc.