Kỳ vọng mới trên mảnh đất ‘Chín Rồng’

Quốc Trung 28/01/2020 14:00

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cả nước, mở ra một thời kỳ mới, vị thế mới và quyết tâm mới. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem là thời kỳ không thể tốt hơn để bứt phá vươn lên, khẳng định vị trí tiềm năng màu mỡ được thế giới công nhận…

Kỳ vọng mới trên mảnh đất ‘Chín Rồng’

2020 được kỳ vọng là thời cơ vàng để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.

Thời cơ vàng để cất cánh

Là vùng có vị trị, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn bứt phá trong công cuộc phát triển chung trong thời gian tới. Vùng ĐBSCL với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.

Hơn nữa, đây còn là vùng có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng với đường biên giới đất liền với Campuchia. Vùng có tiềm năng phát triển kinh tế biển với hơn 700 km bờ biển, bằng 23% bờ biển cả nước, cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch, vườn cây, có đến 3 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới. Có tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều…và là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý giá.

Khoảng vài năm gần đây, chứng kiến được sự đổi thay ở TP Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây, mới thấy rõ được sự chuyển mình khá mạnh mẽ của vùng đất “Chín Rồng”. Điều dễ nhận thấy là lĩnh vực bất động sản, du lịch, hạ tầng của TP Cần Thơ đã trở thành tâm điểm để thu hút các nhà đầu tư.

Tính đến nay, TP Cần Thơ có hơn 100 dự án đang triển khai thực hiện, vốn đầu tư trên 70,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 32 dự án thuộc lĩnh vực kinh tế - thương mại - du lịch - dịch vụ, tổng vốn đầu tư 15,3 ngàn tỷ đồng và 76 dự án khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, tổng vốn đầu tư 55 ngàn tỷ đồng. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố có 83 dự án, tổng vốn đầu tư 719,96 triệu USD.

Phát triển du lịch, khai thác tiềm năng kinh tế biển

Nói về thế mạnh trong từng khu vực của vùng ĐBSCL thì cụm Tây ĐBSCL được xem là giàu tiềm năng nhất, nơi đây quy tụ đầy đủ những thế mạnh như có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển - đảo, sông - núi, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ và nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới. Đơn cử như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang), Rừng tràm Trà Sư (tỉnh An Giang)… Đây là những tài nguyên rất quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.

Ngoài ra, cụm Tây ĐBSCL còn thể hiện qua hơn 500 km bờ biển và gần 200 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ; tiềm năng về văn hóa với những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm mang nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Sự cộng cư lâu đời của 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và Chăm chứa đựng một bề dày văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ trong năm, hàng ngàn kiến trúc lâu đời có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đang được khai thác và đã được các đơn vị lữ hành đưa vào chương trình tour, tuyến.

Là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp với cả Biển Đông và Biển Tây, ĐBSCL có 7 tỉnh tiếp giáp biển và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ. Đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 10 năm thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, các tỉnh trong vùng đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề khai thác, nuôi trồng. Một số nơi đã bứt phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển một số lĩnh vực khác, vươn lên trở thành những điểm sáng...

“Cú hích” cho ngành lúa gạo ĐBSCL

Cần phải nhấn mạnh lại, vùng ĐBSCL với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (khoảng 7 đến 8 triệu tấn/năm, chiếm 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu). Được đánh giá là vùng nông nghiệp giàu có bậc nhất Đông Nam Á và là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Thế nhưng thời gian qua người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, điệp khúc được mùa rớt giá luôn có thể xảy ra với vùng đất giàu tiềm năng này.

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, ĐBSCL cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy về an ninh lương thực, về nông nghiệp là không tập trung làm lúa gạo chạy theo số lượng mà phải hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng, giá trị cao. Cần tập trung làm lúa chất lượng cao, giúp thu nhập nông dân tăng lên, giảm chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Theo nhìn nhận của GS Võ Tòng Xuân - người gắn bó cả đời với ĐBSCL, nếu nông dân còn làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không tổ chức, tự cung tự cấp – nông dân sẽ vẫn nghèo muôn thuở. Doanh nghiệp với công nghệ chế biến sản phẩm bằng nguyên liệu không truy xuất được nguồn gốc của nguyên liệu là còn dung túng cho sản xuất, lừa gạt người tiêu dùng, xâm hại uy tín của công ty và quốc gia...

Mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri ở TP Cần Thơ, người đứng đầu Mặt trận cũng băn khoăn, “Thời gian qua Việt Nam chúng ta xuất khẩu gạo luôn đứng nhất, nhì, ba thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có được một thương hiệu cho lúa gạo, đây là điều quan trọng mà thời gian tới chúng ta cần phải tính toán và sớm cho ra thương hiệu gạo của Việt Nam…”.

Hiện nay gạo ST25 đang được khách hàng trong và ngoài nước tìm mua, thậm chí các thương lái ở ĐBSCL còn tìm cách trữ gạo để chờ thời cơ tung ra thị trường…

Quốc Trung