Thông điệp của lòng dũng cảm
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu các dân tộc thiểu số Tây Bắc, năm 1959. Ảnh tư liệu.
1. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là những trang lẫm liệt. Đất nước trải qua biết bao trận binh đao, biết bao con người đã hy sinh vì nước. Trong dòng chảy thời gian hàng ngàn năm, một trong những thông điệp quan trọng nhất lịch sử trao truyền lại cho muôn đời sau chính là thông điệp của lòng dũng cảm, thông điệp giữ Nước.
Trong quá khứ, người Việt Nam đã phải đương đầu với biết bao cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc. Chúng không chỉ muốn cướp đất đai, cướp của cải, mà còn muốn chinh phục, đồng hóa cả một dân tộc. Trong những trận chiến hiểm nghèo không cân sức, khí phách của người Việt Nam, tinh thần thà chết không chịu làm nô lệ của người Việt Nam đã làm nên sức mạnh vô địch, làm nên những chiến thắng rạng ngời.
Lịch sử dân tộc muôn đời ghi nhớ khí phách và sự hy sinh lẫm liệt của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Các Bà đã anh dũng quật cường dựng cờ khởi nghĩa, chống lại kẻ xâm lược ngoại bang. Câu nói của Bà Triệu (226-248) khi mới 19 tuổi, tới nay vẫn còn vang vọng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Sau những tháng ngày gian nan chống đỡ với quân xâm lược phương Bắc, Bà đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi. Cho mãi tới hôm nay, đền thờ Bà quanh năm hương khói.
Trong cuộc chiến chống giặc Tống (1075-1077), bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (1019-1105) vang lên như dao chém đá: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Đó chính là khẳng định về nền độc lập, chủ quyền và lãnh thổ của dân tộc ta. Đó cũng chính là ý thức dân tộc, ý chí của dân tộc Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền mà biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu và đấu tranh bền bỉ mới tạo lập được.
Trong những trang vàng chói lọi của đất nước, thời Trần bừng sáng với 3 lần quyết chiến, quyết thắng giặc Nguyên Mông. Đội quân Nguyên Mông từng khua vó ngựa từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu, đánh đâu được đấy nhưng xâm lược Đại Việt thì cả 3 lần đều bị đánh bại. Chiến thắng Đông Bộ Đầu, Hàm Tử Quan, Bạch Đằng vào các năm 1258, 1285, 1288 mãi mãi còn đó, khiến quân thù khiếp sợ.
Lịch sử còn ghi lại, tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược, kế sách như thế nào?”. Trần Quốc Tuấn nói rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”. Về mưu kế chống giặc cho đời sau, ông nói: “Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”.
Đó chính là nghệ thuật chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; một lần nữa khẳng định chỉ có đoàn kết nhất trí trên dưới một lòng thì mới chiến thắng được kẻ thù hung hãn.
Khi giặc phương Bắc lại xâm lược nước ta, mùa xuân năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Trải qua 9 năm “nếm mật nằm gai” trường kỳ kháng chiến, đất nước sạch bóng quân thù. Nếu như bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được cho là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của đất nước, thì “Bình Ngô đại cáo”- bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai được Nguyễn Trãi (1380-1442) viết, lại một lần nữa dõng dạc vang lên: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Trải Đinh, Lê, Lý, Trần nối đời dựng nước/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương/ Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt không bao giờ thiếu”.
Hào kiệt nước Nam không bao giờ thiếu, nước Nam không bao giờ thiếu người đánh giặc, không bao giờ thiếu người sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của đất nước, tự do của giống nòi…
2. Thế kỷ XX, thế kỷ đau thương và quật cường của đất nước và cũng là thế kỷ chói sáng của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ mà toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người kết tinh tinh hoa của dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân ta anh dũng chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai, làm nên những chiến công long trời lở đất. Người đã thổi bùng truyền thống yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước thoát khỏi gông cùm của chủ nghĩa thực dân và đêm dài chế độ phong kiến, lập nên một nước Việt Nam mới chưa từng có trong lịch sử: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Tinh thần và khí phách của người Việt Nam chói sáng.
Nhưng, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, thực dân Pháp gây hấn với âm mưu chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946 đã chính thức là Ngày Toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20/12/1946, từ hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Người viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.
Kể từ đó, toàn thể dân tộc Việt Nam lại bước tiếp vào những cuộc kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh gian khổ, cho đến ngày 30/4/1975 đất nước sạch bóng thù, giang sơn thu về một mối. Ngọn gió hòa bình, độc lập và thống nhất lồng lộng thổi trên khắp dải dất yêu thương hình chữ S quật cường.
Một mùa xuân mới lại đến. Càng tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Phía trước còn nhiều chông gai, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn chúng ta nhất định xây dựng một đất nước mạnh giàu, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ý chí của các bậc tiền nhân xả thân vì nước để giao lại non sông gấm vóc này cho các thế hệ con cháu hôm nay. Và mãi mãi.