Thời đại Hùng Vương - sự thật trên cơ sở khoa học

Vi Cầm 20/01/2020 08:57

Từ rất lâu, những câu hỏi về việc Vua Hùng có thật hay chỉ là truyền thuyết đã được các thế hệ người Việt đặt ra. Phân tích từ các nhà nghiên cứu, truyền thuyết Hùng Vương cũng chính là một trong những nguồn sử liệu quan trọng  khi nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta những tên người, tên địa danh mà còn cả những thông tin về kết cấu xã hội, cơ sở kinh tế, tín ngưỡng, văn hóa của thời kỳ đó…

Thời đại Hùng Vương - sự thật trên cơ sở khoa học

Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ.

Và từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX, thời đại Hùng Vương đã trở thành đề tài nghiên cứu và thảo luận của giới sử học cùng nhiều ngành khoa học có liên quan. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học đã đề ra và chủ trì một kế hoạch 3 năm (1968- 1970), tập trung lực lượng nghiên cứu thời đại Hùng Vương theo hướng liên ngành. Tham gia cuộc nghiên cứu này khi ấy có nhiều cơ quan khoa học và nhiều cán bộ nghiên cứu thuộc các ngành sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học lịch sử, cổ nhân học, địa chất học, sinh vật học… Những kết quả nghiên cứu ấy đã được báo cáo và thảo luận trong 4 hội nghị khoa học có chủ đề là Hùng Vương dựng nước trong thời gian từ 1968- 1971.

Cho đến năm 2019 vừa qua, dựa trên thành quả của chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia và các hội thảo nêu trên, một hội thảo khoa học quốc gia về “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” đã được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức quy mô. PGS.TS Trần Đức Cường- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, trong suốt 50 năm qua (kể từ năm 1968), giới nghiên cứu trong nước với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những nghiên cứu mới, với nhiều kết quả khả quan về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam. 70 báo cáo khoa học ở các lĩnh vực được tập hợp và trình bày tại hội thảo đã góp phần làm rõ nét hơn, giải đáp được những băn khoăn bấy lâu nay về thời đại Hùng Vương.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích: Việc cho rằng nước Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thật ra chỉ là một cách gọi chung chung theo quan niệm truyền thống về lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc, nhưng không dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học thực sự, lại không có sự kiểm chứng của khảo cổ học. Và như thế không phản ánh một cách chuẩn xác sự thật lịch sử. Nếu nói Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thì thực ra chúng ta đang nói tới thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồ đồng) cách ngày nay khoảng từ 4.000-3.500 năm). Khảo cổ học trong mấy thập kỷ gần đây đã chứng minh một cách rõ ràng xã hội thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn là công xã nguyên thủy, chưa có giai cấp và tất nhiên là chưa có nhà nước, thì cũng chưa có Sử theo quan niệm chặt chẽ của thuật ngữ này. Chắc chắn Nhà nước Văn Lang ra đời muộn hơn nhiều so với mốc thời gian 4.000-3.500 năm cách ngày nay.

Để có những cơ sở khoa học rõ hơn về thời đại Hùng Vương, từ năm 1971 tới nay, các nhà khảo cổ học đã có điều kiện để khai quật thêm nhiều di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn hoặc văn hóa Phùng Nguyên (có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương). Từ các kết quả nghiên cứu, một số nhà khoa học khẳng định, về kinh tế, sự ra đời và phát triển của nền nông nghiệp lúa nước dùng các công cụ như cày, bừa, dùng trâu bò làm sức kéo có thể coi là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở nước ta thời dựng nước. Bên cạnh việc trồng lúa và hoa màu, nghề chăn nuôi, nghề làm đồ gốm, luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có vai trò to lớn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dấu vết của một số trung tâm đúc đồng và lò luyện quặng để lấy sắt…

Dấu tích khảo cổ học cho thấy, thế kỷ 3, 2 và 1 trước Công nguyên là thời kỳ văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ nhất. Kinh tế ngày càng phát triển, nghề nông được hỗ trợ bởi bộ nông cụ đã làm tăng sản lượng lúa gạo, đảm bảo nuôi một lực lượng lao động để làm những ngành nghề khác, đặc biệt là nghề đúc đồng. Trống đồng Đông Sơn ra đời trong thời kỳ này và các đồ trang sức với mức độ tinh mỹ, phong phú hoa văn trang trí… là minh chứng rõ nét về sự phát triển của Nhà nước Văn Lang.

Xung quanh những cứ liệu khoa học này, GS Hà Văn Tấn là người đã tập hợp đầy đủ, phân tích sâu sắc về nguồn gốc văn hóa Đông Sơn từ văn hóa Phùng Nguyên. Ông đã công bố rõ kết quả nghiên cứu của mình trong các công trình khoa học đã được xuất bản. Dựa trên cơ sở nghiên cứu những tư liệu khảo cổ, ngôn ngữ học, nhân học, mỹ thuật, truyền thuyết, GS Hà Văn Tấn đã chứng minh văn hóa Phùng Nguyên là cái lõi “là cái mầm đầu tiên của một quá trình kết tinh, quá trình hình thành tinh thể Việt lóng lánh trên bờ Thái Bình Dương”.

Điều thú vị là TS Trần Thị Phương Hoa (Viện Sử học Việt Nam)- khi nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã tìm thấy không ít tài liệu của các học giả nước ngoài. Trong đó đáng chú ý là khối tài liệu trước năm 1945- chủ yếu là của người Pháp; thứ hai là khối tài liệu của một số học giả nước ngoài biên soạn thời kỳ hiện đại (chủ yếu là người Mỹ và người Nga)…

Vào thời kỳ hiện đại, một số tác giả nước ngoài nổi lên trong khảo cứu về thời đại Hùng Vương. Có thể kể Keith Taylor (người Mỹ) và Fedorin (người Nga). Trong The Birth of Vietnam, Keith Taylor đã tham khảo khá nhiều các tác giả hiện đại Việt Nam viết về văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa của thời đại Hùng Vương như sử gia Trần Quốc Vượng, Hoàng Xuân Chinh và Bùi Văn Tiến, Nguyễn Phúc Long, Nguyễn Duy Ty, Hoàng Thị Châu, Đinh Văn Nhật, Hà Văn Tấn, Đào Duy Anh…; tài liệu của Viện Sử học Việt Nam và của các tác giả nước ngoài, trong đó có Maspero và Aurousseau. Trong công trình thứ hai về thông sử Việt Nam A History of the Vietnamese, Taylor chủ yếu dùng các sử liệu khảo cổ học của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc khi viết về thời kỳ Hùng Vương.

Còn tác giả Fedorin đã so sánh tác phẩm Việt Sử lược, Đại Việt sử ký và Đại Việt sử ký toàn thư để xác định niên đại của những ghi chép về Ngoại kỷ, thời đại Hùng Vương trong nghiên cứu về lịch sử Việt Nam.

Đáng chú ý là nghiên cứu khoa học của hai tác giả, PGS.TS Đào Tố Uyên và TS Nguyễn Thị Phương Thanh (Khoa Lịch sử- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề cập tới vấn đề giảng dạy về thời đại Hùng Vương tại bộ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm, bởi thời gian qua câu chuyện dạy và học sử trong nhà trường cũng như việc biên soạn sách giáo khoa mới đang được trông đợi, kỳ vọng.

Các tác giả này đã chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong quá trình giảng dạy về thời đại Hùng Vương cho học sinh. Qua khảo sát đối với 60 giáo viên tại 25 trường tiểu học, THCS, THPT tại các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định…, đại đa số các giáo viên đều cho rằng đây là một nội dung kiến thức tương đối khó và phức tạp, vì thời đại này rất xa với hiểu biết và trí tưởng tượng của học sinh. Mặc dù sách giáo khoa đã đưa vào nhiều tư liệu hình ảnh có giá trị khai thác kiến thức cơ bản, nhưng trong quá trình giảng dạy giáo viên phải sưu tầm thêm rất nhiều tư liệu từ các kênh khác như các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết… để làm cho tiết học thêm sinh động, hấp dẫn. Cùng với đó thời lượng dành cho phần lịch sử Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông về thời đại Hùng Vương còn ít. Do đó, kiến thức lịch sử được trình bày trong sách giáo khoa phổ thông cũng chỉ có thể nêu lên những luận điểm, đánh giá cơ bản nhất về thời đại này. Trong khi để phát huy tối đa hiệu quả của giờ giảng, yêu cầu đặt ra là giáo viên cũng phải thường xuyên sưu tầm tư liệu, cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới về thời đại Hùng Vương, từ đó mới có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức mới, những quan điểm mới trong nhận thức về một giai đoạn lịch sử.

Những nghiên cứu khoa học mới về thời đại Hùng Vương được kỳ vọng sẽ góp phần bổ sung dữ liệu vào bộ quốc sử Việt Nam, vào sách giáo khoa mới, giúp học sinh có kiến thức đầy đủ và chính xác về lịch sử nước nhà. Quan trọng hơn cả nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thời đại Hùng Vương trong thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

Vi Cầm