Chuột trong tranh Tết Đông Hồ
Ở đồng bằng Bắc Bộ xưa, từ đời Hậu Lê (1428 - 1527), dần hình thành rồi lan truyền/lan tỏa khắp nơi, một dòng tranh khắc gỗ dân gian, đó là tranh Đông Hồ - tranh làm ở làng Đông Hồ (làng Mái) thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đám cưới chuột - Chữ trên tranh, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới : Miêu (Mèo), Tác nhạc (Tấu nhạc), Lão thử (Chuột già), Thủ thân (Giữ mình), Tống lễ (Đưa lễ), Chủ hôn (Đứng đầu lễ cưới), Nghênh hôn (Đón/rước dâu).
Cho tới thời nhà Nguyễn (1802-1945), tại ngôi làng huyền thoại này, đã có tới 17 dòng họ cùng sống và làm tranh. Thực ra, họ làm hai mặt hàng: Tranh khắc gỗ và vàng mã. Hai thứ này đều thuộc “ngành” đồ họa, theo cách phân loại hiện đại (dùng ván khắc để in nhiều bản, khác với hội họa - độc bản). Tranh thì làm vào khoảng non nửa sau hằng năm để bán vào dịp Tết (vì thế còn được gọi là tranh Tết) cho cả thiên hạ. Vàng mã thì làm vào thời gian còn lại hằng năm để phục vụ nhu cầu cúng tế, khấn cầu, ma chay, cũng của... cả thiên hạ.
Đồ vàng mã thì dùng giấy bản rẻ hơn. Tranh thì nhất định phải in trên giấy dó. Dó là thứ cây, xưa mọc thành rừng ở ven các con sông Bắc Bộ. “Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê - Cuối sông, nhiều bến ai về có thấy ngàn dó xanh rì...” - ca từ gốc Đỗ Nhuận viết trong “Du kích sông Thao” là vậy (Sông Thao chính là một đoạn sông Hồng, chảy từ Hạ Hòa đến Việt Trì). Vỏ loài dó ấy được dân làng Bưởi, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội) đem về ngâm giã, chế thành bột giấy để làm ra giấy dó. Giấy dó quý nhất thì gọi là “giấy sắc”, để vua dùng viết chữ Nho, trong các sắc, chỉ của mình. Giấy dó bền, dai, mềm mại, lại giữ mầu mực/son lâu dài - truyền đời được. Giấy dó làm tranh Đông Hồ quý thế, nhưng tất nhiên còn thua “giấy sắc”.
Có giấy dó Bưởi rồi, nghệ nhân Đông Hồ phết hồ loãng trộn bột điệp lên, bằng những cây chổi lá thông rồi phơi cho khô. Bột điệp là thứ bột được nghiền mịn từ vỏ một loại sò thân mỏng ở biển Đông. Hồ điệp trắng ngà, lấp lánh ánh xà cừ theo vết chổi thông, vừa đẹp vừa sang. Xong xuôi, người ta dùng các bản khắc gỗ (thường là 4 bản, tương ứng với 4 màu: Đen - than quả xoan hoặc than lá tre, Lục - gỉ đồng hoặc lá chàm mua từ Cao Lạng, Vàng - hoa hòe hay dành dành, và Đỏ - son hoặc nước vỏ vang), in màu lên giấy dó - điệp, từng bản một (khô rồi mới được in bản sau). Và, thế là các bức tranh Đông Hồ ra đời, đi theo các bà/ cô hàng xén, về khắp chợ cùng quê, để mọi nhà mua về, dán lên tường, lên vách, lên cửa, lên cổng mà đón Tết. Bánh chưng xanh, pháo đỏ, nêu ngũ sắc, áo quần mới, lại thêm tranh Đông Hồ, làm cho cái Tết của cư dân Bắc Bộ xưa chứa chan màu sắc, chứa chan tình, xua bớt đi vẻ lam lũ nâu sồng thường ngày. Thế là cư dân văn minh nông nghiệp tự làm ra tranh dân gian để thi vị hóa, mỹ vị hóa cuộc sống của chính mình!
Không chỉ thế, tranh còn “tả - kể” về lối sống, quan niệm nhân sinh, phong tục tập quán, đời sống lao động, ước mơ, mến yêu hoặc phê phán hài hước nhẹ nhàng, khoái thú của cư dân Việt cũ. Đó là một mảng lớn/đẹp của văn hóa Việt cổ truyền, thông qua các đề tài Đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Nghênh xuân, Nhân nghĩa, Thi lễ..., qua tứ linh (long, ly, quy, phượng) và những hình tượng quen thuộc, gần gũi, dân dã: gà, lợn, mèo, chuột, tố nữ, đàn bà đánh ghen...
Tất cả những điều ấy, được khắc - in bằng lối thủ công, giản dị mà tinh xảo, trên một mặt phẳng theo lối “đồng hiện” - lớp lang bất chấp luật xa/gần trong hội họa phương Tây - tạo nên một dòng tranh đặc sắc, thuần Việt, quý báu. Tiếc rằng nó đã và đang mai một - chỉ còn vài gia đình/dòng họ theo đuổi mà thôi! Đó là gia đình/dòng họ Nguyễn Đăng và Nguyễn Hữu. Thời buổi đã quá nhiều đổi thay, tranh Đông Hồ ngày càng ít người chơi, dù vẫn bảo “Ngàn năm không cũ”.
Nói chung và sơ sơ là thế. Năm mới này là năm con chuột (Canh Tý - 2020), xem riêng lại hai bản tranh chuột (“Đám cưới chuột” và “Chuột rước đèn”) cho đỡ nhớ! Hai bản đầu là tranh do nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khắc - in, thuần theo mẫu cổ: đủ cả chữ Nho/Nôm, màu sắc và do đó, khối, rất “phẳng”.
Bản thứ ba, cũng là “Đám cưới chuột”, nhưng là tranh do cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam khắc - in: chữ Nho/Nôm trên bản khắc đã được bỏ đi, màu sắc và do đó, khối, đã “nổi” lên hơn cũ, dù vẫn là tích xưa và lối sinh hoạt vui sống xưa, của dân ta (qua hình tượng chuột) lại có thêm cả việc “bóc mẽ” thói nhũng nhiễu, ưa được đút lót của các loại bề trên (qua hình tượng mèo). Thật là một nụ cười xuân hóm hỉnh, sâu cay. Hình tượng mèo - chuột cũng có ở tranh dân gian của nhiều nước: Đức có tranh “Con mèo và chú chuột”, Nga có tranh “Chuột làm ma cho mèo”. Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập cũng có tranh khắc gỗ dân gian tương tự về mèo - chuột.
Năm 1972, ngành Bưu điện Việt Nam đã chọn tranh “Đám cưới chuột” làm 1 trong 6 con tem của bộ tem “Tranh dân gian Việt Nam”. Bây giờ, đó đã là một bộ tem quý hiếm của các nhà sưu tầm tem.
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, cố thi sĩ Hoàng Cầm, một người quê quán ở Song Hồ, viết thế. Thơ Hoàng Cầm viết từ thời tranh Đông Hồ còn thịnh, giờ đọc lại, chả như đang hoài cổ là gì?