Anh hùng lao động và hành trình đi tìm hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Trung Kiên 22/01/2020 20:00

Những ngày cận Tết Canh Tý 2020 tôi có dịp gặp anh hùng lao động Hồ Quang Cua, người đứng đầu trong nhóm nghiên cứu ra hạt gạo ST25 vừa được vinh danh ngon nhất thế giới. Đã hơn 2 tháng sau sự kiện này, nhưng qua lời chia sẻ của ông Cua, dư âm của ngày vinh danh vẫn còn đó và ông tin rằng hạt gạo Việt sẽ bước sang trang mới...

Anh hùng lao động và hành trình đi tìm hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Kỹ sư Hồ Quang Cua miệt mài bên đồng ruộng.

Hành trình đi tìm hạt gạo Việt ngon nhất thế giới

Phải nói rằng, thổ nhưỡng ở Sóc Trăng rất phù hợp cho cây lúa thơm chất lượng. Tài liệu đã ghi lại, giai đoạn đầu thế kỷ 20, khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển của Sóc Trăng đã thu hút ghe tàu nườm nượp đến thu mua vào mỗi mùa lúa chín.

Câu chuyện bắt đầu, “cách đây gần 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là “hạt vàng”. Tôi và các cộng sự (TS Trần Tấn Phương - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương) suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là chúng tôi nghĩ đến giống lúa thơm thuần Việt cho địa phương Sóc Trăng và cho đất nước và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST) được hình thành và tồn tại từ đó tới ngày hôm nay”- ông Cua chia sẻ.

Ông Cua cho rằng, “đây là hành trình dài, rất dài. Nếu lấy mốc tận mục sở thị hai giống lúa thơm mới ở Bangkoc ngày 1/5/1998 thì đã gần 20 năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo ST 24, 25 thì gần 12 năm. Nhưng không sao, phải có người mở lối, lâu dần mới thành đường ”.

Việc lai tạo giống lúa của nhóm nhà nghiên cứu được tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đầy đủ giống bố mẹ từ các nơi hàng đầu về lúa gạo như: Thái Lan, Bangladesh, Đài Loan, Nam bộ, Bắc bộ, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)... Lai phức hợp để cho ra dòng ổn định cần phải có thời gian dài hơn lai đơn rất nhiều, thông thường là khoảng 11 đến 12 vụ.

Đến năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực chọn, 6 năm sau đến năm 2014 nhóm ổn định và khảo nghiệm, đến năm 2016 hoàn thành. Chỉ 1 năm sau đó - năm 2017, giống lúa ST24 đạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng, và đến cuối năm đó giống này lọt vào top 3 thế giới trong một sự kiện tổ chức tại Macau (Trung Quốc).

Năm 2018, giống này lại đạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Và đến Tháng 11/2019, giống lúa thơm ST25 đạt giải World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines)…

Thành quả miệt mài, nhiều tâm huyết

Khác với những công trình khác cần phải được đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thậm chí phải đầu tư nhiều tiền của để nghiên cứu mới cho ra kết quả tốt thì câu chuyện của nhóm nghiên cứu ra hạt gạo ngon nhất thế giới lại khá đặc biệt, khiến cho người phương tây khi tìm đến đây cũng ngả mũ thán phục.

Ông Cua kể lại, một du khách phương Tây đến thăm hỏi về phòng thí nghiệm của nhóm. Vị khách này khá bất ngờ khi ông chỉ phòng thí nghiệm là bụi trúc trước nhà. Ông Cua cũng giải thích cho vị khách biết: muốn thử gạo, phải dùng ngũ quan. Mùi thơm của gạo khi đứng ở luồng gió nhẹ thổi qua bụi trúc chính xác hơn nhiều lần so với thứ mùi ở phòng thí nghiệm. Đạt đến mùi thơm phảng phất đó thì coi như việc lai giống đã thành công phân nửa rồi.

Phòng thí nghiệm độc đáo là vậy, còn nơi thực nghiệm của nhóm lại chính là các cánh đồng ở địa phương, ông Cua từng cùng người thầy - GS Võ Tòng Xuân rong ruổi các cánh đồng lúa ở Campuchia để nghiên cứu cách trồng lúa của nhà nông và quan sát cả cái cách họ làm thương hiệu cho hạt gạo.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, chỉ ra cho chúng tôi về những mặt ưu, điểm mạnh của giống lúa thơm ST: cho năng suất cao, có tính chống chịu ngoại cảnh khá tốt so với những giống lúa đang phổ biến. Đặc biệt, thích hợp với vùng đất lúa - tôm (cứng cây, thẳng, kháng bệnh, không đòi phân nhiều, không cần thuốc hóa học nhiều, năng suất cao, giá bán cao, chịu mặn, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu). “Nếu năng suất lúa thơm của Thái Lan bình quân cả nước đạt 1,7 tấn, năng suất của lúa thơm ST24, ST25 đạt khoảng 6 tấn, tức cao hơn 3 lần. Trong đó, một năm canh tác hai vụ, sản lượng cùng một đơn vị diện tích có thể cao hơn gấp 5, 6 lần của những nước đoạt giải trên thế giới”, kỹ sư Cua dẫn chứng.

Việc của nhóm đã sản xuất ra giống lúa gạo ngon nhất thế giới, việc còn lại của chính quyền địa phương là xây dựng thương hiệu xúc tiến thương mại để tìm thị trường cho hạt gạo ST.

Những cống hiến, đóng góp miệt mài của nhóm nghiên cứu mà đứng đầu là anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua đã được thế giới công nhận. Mới đây, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức tri ân những nhà nghiên cứu này. Tại buổi lễ ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh rằng: “Đó là cả quá trình nghiên cứu miệt mài, khảo nghiệm và ứng dụng thực tế của những con người nhiều đam mê và giàu tâm huyết. Sắp tới, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục pháp lý để sớm công nhận giống lúa ST25 là giống cấp Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường kiểm soát giống giả, giống kém chất lượng, lúa đội lốt chất lượng cao”.

Nâng tầm hạt gạo Việt Nam

Thành quả ngọt ngào mà nhóm nghiên cứu đã dày công xây dựng được đã tạo động lực cho các thành viên trong nhóm tiếp tục có động lực nghiên cứu thêm các giống lúa, gạo mới.

Ông Cua cho biết thêm: Việt Nam nổi tiếng với gạo thơm, giá rẻ so với các Quốc gia đứng nhất nhì như Thái, Campuchia. Nhưng gần chục năm qua, vẫn có doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá lên tới 800 – 900 USD/tấn mặc dù chưa nhiều. Nay mình có được giống gạo ngon thứ hạng cao trên thế giới, tôi tin rằng tương lai sẽ rộng mở, các nhà nhập khẩu sẽ sớm tìm đến. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn còn rất yếu. Theo tôi, đây là cơ hội lớn để chúng ta sắp xếp lại mọi việc.

Chia sẻ về quan điểm xây dựng thương hiệu cho hạt gạo, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: Việc xây dựng thương hiệu gạo ở tầm Quốc gia. Tuy nhiên, muốn xây dựng được thương hiệu phải bắt đầu từ doanh nghiệp, phía doanh nghiệp cần phải liên kết chặt chẽ với người nông dân để tổ chức sản xuất, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, có thể hướng dẫn người nông dân sản xuất đúng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Với giống ST này, nếu doanh nghiệp biết cách làm, có thể xây dựng thương hiệu dần dần, cho đến khi Nhà nước có chính sách rõ ràng lúc đó sẽ thuận tiện làm ăn”- kỹ sư Cua chia sẻ.

Thành quả sau gần 20 năm nghiên cứu lai tạo, đến nay Sóc Trăng đã có được bộ sưu tập giống lúa ST từ ST1 đến ST28 và một số giống ST đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Những đóng góp của nhóm, đặc biệt là người đứng đầu kỹ sư Hồ Quang Cua, ông đã vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trung Kiên