Phó Thủ tướng Thường trực hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Croatia
Ngày 21/1 (giờ địa phương), nhân tham dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 tại Davos (Thuỵ Sĩ), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic - Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hội kiến Chủ tịch Nghị viên châu Âu David Sassoli. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định: Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và quan hệ hai bên đạt những tiến triển tích cực. Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao, ký và triển khai nhiều hiệp định, duy trì các cơ chế hợp tác và đối thoại. Việt Nam, EU sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay (1990-2020).
Đặc biệt, hợp tác kinh tế đạt kết quả rất tích cực. Theo đó, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) và nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU đang trong quá trình hoàn tất phê chuẩn trong năm 2020.
Đồng thời, cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của ngài Chủ tịch đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-EU trong năm tới. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Ngài Chủ tịch sớm thăm Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu (EP) ghi nhận Việt Nam đang chuẩn bị thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết trong EVFTA-EVIPA. Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 vừa được thông qua đã tích hợp những nội dung của các Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các cam kết quốc tế về lao động của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ sự tin tưởng với sự ủng hộ ngài Chủ tịch, EP sẽ phê chuẩn Hiệp định EVFTA-IPA trong tháng 2/2020, hiện thực hóa những lợi ích to lớn mà hai Hiệp định này có thể mang lại cho EU và Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược cho quan hệ hai bên cũng như chỗ đứng của EU tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các tiến trình đa phương và đánh giá cao vai trò của EU trong các vấn đề toàn cầu và trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế; mong muốn thúc đẩy hợp tác với EU về cải thiện cơ chế quản trị toàn cầu, phát triển bền vững, tự do thương mại; tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN (2020) và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (2020-2021) của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình hội kiến Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Hội kiến với Thủ tướng Croatia, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp, lâu dài với các nước bạn truyền thống, trong đó có Croatia. Nhằm mở rộng quan hệ hợp tác chính trị ngoại giao hai nước, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp bộ, ngành để thúc đẩy quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và xúc tiến thương mại - đầu tư. Với hơn 90 triệu dân, tốc độ GDP tăng trưởng trên 7% năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định, tham gia nhiều FTA lớn CPTPP, EVFTA, Việt Nam chắc chắn là một thị trường có tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Croatia.
Hoan nghênh việc hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (7/2018), Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Croatia vào tìm hiểu thị trường và làm ăn tại Việt Nam. Đề nghị Croatia thúc đẩy các doanh nghiệp của mình đầu tư vào những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu lớn như năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, du lịch, xử lý môi trường, chế biến thực phẩm…
Đồng thời, đề nghị Croatia với cương vị là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; nhất là sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong nhiệm kỳ Chủ tịch Luân phiên của Croatia. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ để Croatia tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước thành viên.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cảm ơn Croatia đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đều khẳng định ủng hộ sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để hai hiệp định quan trọng này có hiệu lực, mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân của Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời nhất trí tăng cường phối hợp với Việt Nam thúc đẩy hợp tác ASEAN-EU trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.
* Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã gặp gỡ, tọa đàm với hơn 20 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như Ngân hàng Standard Chartered, Tập đoàn P&G, Amazon Web Services, AstraZeneca, Novartis, Carlsberg, Hyosung, Spring Studios.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định chủ trương nhất quán, quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động tham gia CMCN 4.0, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ tốt cơ hội của các FTA đã ký.
Lãnh đạo các tập đoàn lớn đều đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế- xã hội và tiềm năng lớn của Việt Nam; đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động với thị trường hấp dẫn, là “điểm sáng” về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam; mong muốn Chính phủ kiên trì đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.