Huyền sử lung linh đang hiện rõ dần
Từ thủa ấu thơ ta đã được bà kể, mẹ kể cho nghe đến thuộc lòng truyền thuyết về Loa thành - An Dương Vương - Nỏ thần - Mỵ Châu - Trọng Thủy. Truyền thuyết vốn đẹp nhưng lại càng đẹp hơn bởi sự phân tích của các nhà khoa học.
Gác chuông đền Thượng Cổ Loa.
Ba lớp Loa thành
Thời Hùng Vương, nước có 15 bộ, có kinh đô nhưng chưa cần có một toà thành để bảo vệ kinh đô vì khi đó chưa có chiến tranh. Tần Thuỷ Hoàng phát binh chiếm vùng Bách Việt, An Dương Vương đã tham gia đánh lui quân Tần, lập nên nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Cho đến nay vẫn chưa có toà thành nào tranh với Cổ Loa ngôi vị là toà thành đầu tiên được xây dựng trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Ở Cổ Loa hiện tồn cả ba lớp tường thành. Cửa Nam chung cho cả thành Ngoài và thành Giữa. Vòng thành Ngoài bắt đầu từ cửa Nam (Trấn Nam môn) vòng lên phía bắc rồi trở lại. Thành Giữa cũng xuất phát từ đây. Tường thành có hào chạy bên ngoài, có đoạn lợi dụng luôn Hoàng giang làm ngoại hào. “Công trình sư” của thời Cổ Loa thành đã nhân đôi được độ kiên cố bằng hai vòng thành nhưng lại giảm được một nửa công sức vì biết lợi dụng các gò đống tự nhiên, lại biết đào hào để lấy đất đắp thành - vừa có hào lại vừa có thành. Cổ Loa thành thực sự là một thách thức lớn đối với kẻ tấn công trong thời vũ khí là đao kiếm và cung nỏ.
Thành Trong vuông vức, bằng phẳng không giống với thành Ngoài và thành Giữa uốn lượn theo địa hình tự nhiên, lại có những nét ngoại lai: hoả hồi, giếng Hán, mộ Hán, gạch ngói Hán... khiến người ta nghĩ rằng ở Cổ Loa có một kinh thành của An Dương Vương lại có một Kiển thành kiểu Hán (có thể là) trị sở huyện Phong Khê thời Mã Viện (“kiển” là hình cái kén, bên ngoài là vỏ kén, bên trong là con nhộng). Lại có ý kiến so sánh thành Cổ Loa với thành Xam Mứn của người Thái ở bên sông Nậm Rốm trên đất Điện Biên Phủ ngày nay để thấy nhiều nét tương đồng ngôn ngữ và văn hoá, khẳng định rằng Loa thành là “anh em” với thành của người Thái (Thục Phán -Túc Phắn - Pú Túc Phắn - ông đánh chém - thủ lĩnh chinh chiến, v.v…). Cuộc tranh luận của các nhà khoa học còn tiếp tục, nhưng ba lớp thành sừng sững trải thời gian cũng đã nói lên rằng công trình có quy mô lớn như vậy phải được “quy hoạch”, được “thiết kế” ở “tầm vĩ mô”, phải có nguồn nhân lực dồi dào và tổ chức chặt chẽ để thi công, phải có một thủ lĩnh đủ uy tín và một bộ máy đủ mạnh để đảm đương những công việc đó.
Âu Lạc mấy ngàn năm và An Dương Vương là ai ?
Theo sách Hoài Nam tử, khi quân Tần tiến xuống thôn tính Tây Âu và Lạc Việt, “Người Việt vào rừng với cầm thú, không để cho quân Tần bắt. Họ cử người kiệt tuấn làm tướng để ban đêm ra đánh nhau với quân Tần”. Người kiệt tuấn đó chính là Thục Phán - An Dương Vương. Sau 5-6 năm quân Tần không thôn tính được đất Việt. Tướng Tần là Đồ Thư chết trận buộc nhà Tần phải lui binh. An Dương Vương lập ra nước Âu Lạc trên cơ sở thống nhất Tây Âu và Lạc Việt, chuyển kinh đô về Cổ Loa vào năm 208 trước CN. Giả thiết này đã được các nhà khảo cổ học bổ sung và khẳng định cùng với truyền thuyết nỏ thần đang được chứng minh bằng hiện vật hiện hữu. Sau ba đợt khai quật khảo cổ học (2005-2007), mẫu vật tro than của di tích lò đúc đồng được gửi đi giám định bằng phương pháp C14 tại Đại học Arizona đã khẳng định “tuổi” của Cổ Loa là 159 BC (Before Crismart) +/- 50 năm. Những chữ Hán cổ còn lại trên hai khuôn đúc mũi tên tìm được cũng được các chuyên gia xác định thuộc loại chữ Hán trong khoảng từ thời Chiến Quốc đến Tần - Hán.
Đại Việt sử ký toàn thư dành hẳn một kỷ để chép về nhà Thục rằng Thục Phán - An Dương Vương người gốc Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Điều này đã gây hoài nghi cho các sử gia ngay từ thời phong kiến vì nước Thục bị nước Tần diệt từ năm 316 trước CN, vua và thái tử Thục đều đã chết, “con vua Thục” sao có thể vượt hàng ngàn km, sau khoảng thời gian dài gần trăm năm để đến làm vua Âu Lạc (?). Học giả Đào Duy Anh trong các chuyên khảo về lịch sử Việt Nam cũng cho rằng An Dương Vương là người gốc Thục song đã di cư xuống vùng bắc Việt Nam từ lâu. Hai cố GS Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn thì phỏng đoán rằng Thục vương là tù trưởng bộ lạc Khương di cư từ đất Thục xuống vùng nam Quảng Tây và bắc Việt Nam ngày nay.
Truyền thuyết Cẩu chúa cheng vùa (Chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng và văn hóa dân gian mờ ảo quanh vùng Cổ Loa lại cho người ta một hướng nghĩ khác. Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm chín mường xung quanh mường trung tâm của vua. Thục Phán đã lãnh đạo nước Nam Cương hợp nhất với Văn Lang để lập ra Âu Lạc. Tâm thức dân gian ở Cổ Loa vẫn nhớ về nguồn gốc “thượng du” của vua Thục. Cao Lỗ - vị tướng tài của An Dương Vương tương truyền rằng quê ở Cao Bằng. Mỵ Châu rất gần với Mẻ Châu - bà chúa lớn trong tiếng Tày. Chó giúp An Dương Vương chọn đất đóng đô, thần Kim Quy giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng bảo vệ Loa thành cũng là những nét tuơng đồng với văn hóa Tày cổ: tôn thờ chó, rùa, ghét gà - tượng trưng cho yêu ma, xui xẻo. Trong ngày Tết và trong lễ tế An Dương Vương, mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, đến nay Cổ Loa vẫn có loại bánh chưng tròn, dài vẫn gọi là bánh chưng Tày, v.v... Tư liệu văn hoá dân gian được đặt trong tổng thể các nguồn tư liệu dân tộc học, khảo cổ học củng cố thêm giả thiết nguồn gốc Tày cổ của An Dương Vương là thủ lĩnh của các bộ lạc Tây Âu - láng giềng của các bộ Văn Lang - chứ không phải ở tận Trung Quốc xa xôi, khẳng định thêm về thời điểm hình thành nước Âu Lạc trong buổi bình minh lịch sử.
Mũi tên đồng và lẫy nỏ Cổ Loa.
Nỏ thần “đi” dần ra từ huyền thoại
Sự tích Loa thành - An Dương Vương gắn liền với truyền thuyết về nỏ thần với chiếc lẫy nỏ linh nghiệm. Hôm nay đến Cổ Loa vẫn có thể “nhìn” thấy những ảnh xạ của truyền thống thiện chiến thạo dùng cung nỏ qua di tích, qua địa danh... có thể “sờ” thấy hệ thống vũ khí và “binh công xưởng” đã dần phát lộ tại công trường khai quật của các nhà khảo cổ học. PGS Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu kinh thành) cho biết: “Từ năm 1959 ở Cổ Loa đã phát hiện được kho tên đồng hàng vạn mũi tại khu vực Cầu Vực. Nhưng phải tính từ cuộc khai quật Đền Thượng năm 2005 phát hiện di tích lò đúc mũi tên đồng cùng các khuôn đúc mũi tên 3 cạnh thì truyền thống “nỏ thần” mới dần dần được chứng minh bằng những hiện vật, bằng những luận cứ khoa học xác đáng”. Khu vực tây nam thành Trong xưa là một “binh công xưởng” (có thể không phải duy nhất) làm nhiệm vụ đúc mũi tên trang bị cho quân đội của An Dương Vương. Cây nỏ linh thiêng có sức mạnh huyền thoại “chỉ sông sông cạn, chỉ ngàn ngàn tan” đậm nét trong truyền thuyết đang được các nhà khoa học “đưa dần ra ánh sáng” dù huyền sương lịch sử đã xa xăm. Du khách đến đây sẽ được xem tận mắt dấu vết của lò đúc, những phần còn lại của khuôn đúc, những mũi tên đồng ba cạnh đặc trưng Cổ Loa - sản phẩm mang “thương hiệu Việt” đã từng nhiều lần gây kinh hoàng cho quân xâm lược.
Dạo bước quanh - trong Cổ Loa thành nay vẫn còn có thể gặp nhiều địa danh gắn liền với truyền thống thiện chiến sử dụng cung nỏ thời An Dương Vương: gò Đống Bắn, Ngự xạ đài, Cường Nỗ, Uy Nỗ, Kính Nỗ... (nỗ - nỏ), Cổng Gỗ tương truyền là nơi đặt lò đúc mũi tên, Cầu Dâu là nơi vua thường cho chở đồng đến, v.v… Con số 10 trong 85 địa danh ở vùng Cổ Loa được thống kê và phân tích có liên quan đến cung nỏ là con số không hề nhỏ, số lượng lớn mũi tên cùng với quy mô “khu binh công xưởng” mới phát hiện giúp ta đoán định rằng quân đội của An Dương Vương tập trung với số lượng lớn, được trang bị và huấn luyện tốt.