Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn
Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp đầu năm. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ “Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”, những sáng kiến, ưu tiên mà chúng ta đề ra tại ASEAN và Hội đồng Bảo an phản ánh mẫu số chung lợi ích của tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thời bảo đảm hài hòa với lợi ích của các đối tác khu vực và quốc tế”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp Bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống vô cùng quý báu. Đó chính là cội nguồn sức mạnh để người Việt Nam giữ đất nước của mình trước bao cuộc xâm lăng tàn bạo đến từ bên ngoài, với những đạo quân đông đúc và thiện chiến bậc nhất trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử. Đem thân mình ra để giữ nước, giao lại đất nước cho con cháu cũng là để vươn tới khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, người dân được sống trong hòa bình,
trong một đất nước độc lập, tự do, đời sống ấm no hạnh phúc.
Mà muốn giữ được đất nước, muốn xây dựng được đất nước hùng cường thì phải đoàn kết.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa và phát huy tinh thần đại đoàn kết trong toàn dân. Đại đoàn kết trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Đầu năm 1951, tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên -Việt toàn quốc, Người vạch rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác”. Người cũng chỉ rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Trước đó, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (ngày 19/4/1946), Người kêu gọi: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta.
Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta".
Quan điểm về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa từ truyền thống đoàn kết của dân tộc, mà còn được xây dựng trên cơ sở tiếp thu và thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử. Việc Nước “là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải đoàn kết toàn dân.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”, tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động; đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn, đất nước lâm nguy.
Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, người Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”; nước Việt Nam mới chưa từng có trong lịch sử ra đời. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó, trong suốt hơn nửa thế kỷ XX, nhân dân ta đã đoàn kết xung quanh Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, vượt qua biết bao hy sinh gian khổ để giữ nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Ngọn gió mát lành từ Mùa Thu Tháng Tám đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, ý chí quật cường của toàn thể dân tộc. Một dân tộc quyết không chịu sống quỳ. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ luôn căn dặn phải đoàn kết. Từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Người đi đến kết luận: “Lịch sử nước ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết, thì bị nước ngoài xâm chiếm”.
Theo giới nghiên cứu, trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, có 839 trên tổng số 1.921 bài nói, bài viết của Người đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Bác nhắc trên 2.000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Điều đó nói lên sự quan tâm của Người đối với vấn đề đoàn kết luôn đau đáu và vô cùng tha thiết, vô cùng hệ trọng.
Hôm nay, đất nước bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển, theo căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Việt Nam phải bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu. Mà muốn thế, tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng là yếu tố then chốt của then chốt.
Tương lai phía trước rộng mở, nhưng con đường tới đích vẫn còn chông gai, vẫn còn khó khăn gian khổ. Công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động, mà đứng đầu cuộc đấu tranh đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được sự ủng hộ của toàn xã hội. Đoàn kết lại để loại bỏ những kẻ sâu dân mọt nước, những kẻ tha hóa biến chất, một loại giặc nội xâm phá từ trong phá ra. Trên thực tế, cuộc đấu tranh ấy đã không chỉ thuộc về trách nhiệm riêng của các cơ quan Đảng, các cơ quan thực thi pháp luật của Nhà nước mà đã là thái độ, là hành động của toàn dân. Muốn xây dựng đất nước thì phải đồng lòng chiến đấu chống lại cái xấu, loại bỏ cái xấu; xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, thực sự là công bộc của dân, như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới rộng lớn. Muốn đi xa, đi được bền thì lại càng phải chung sức, phải kết đoàn.
Xuân mới đã tới. Lại càng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những lời căn dặn tha thiết của Người về đoàn kết. Càng xúc động khi nhìn lại hình ảnh của người bắt nhịp Bài ca Kết đoàn, vào tối ngày 19/9/1960, khi nhân dân thủ đô Hà Nội tổ chức mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tại công viên Bách Thảo. Người đứng trên bục chỉ huy, cầm đũa bắt nhịp Bài ca Kết đoàn, để toàn dân tộc một lòng một dạ đi theo...