Khai hội đầu Xuân: Tưng bừng và lành mạnh
Sáng 30/1, hàng loạt lễ hội đã chính thức khai hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, hầu hết lễ khai hội đã diễn ra trang trọng, tươi vui không còn hình ảnh phản cảm như mọi năm.
Hàng vạn du khách tham gia lễ khai hội Chùa Hương 2020. Ảnh: Quang Vinh.
Dấu ấn lịch sử
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), nhân kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng lễ hội đã được diễn ra trong không khí trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, trong không khí mừng năm mới Canh Tý 2020, Lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020 do thành phố Hà Nội tổ chức có ý nghĩa sâu sắc để nhớ đến các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà Trưng, những người đã viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.
Trước đó, từ sáng sớm, nhân dân huyện Mê Linh đã tổ chức lễ tế, rước kiệu các vua bà, lễ dâng hương, dâng hoa tại đền Hai Bà Trưng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ nay đến hết ngày 1/2, Lễ hội đền Hai Bà Trưng Xuân Canh Tý 2020 còn diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trình diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao và trải nghiệm trò chơi dân gian...
Trong sáng cùng ngày, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) diễn ra lễ khai hội Cổ Loa, kỷ niệm ngày Thục Phán An Dương Vương xưng vương (vị vua lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam). Đây là một lễ hội lớn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách thập phương đến lễ chùa, chơi hội trong những ngày đầu xuân mới. Theo truyền thống, phần lễ của lễ hội Cổ Loa (dâng hương, tế, lễ, rước kiệu) được tiến hành tại Đền Thượng, Đình Ngự Triều di Quy và tuyến đường quanh Giếng Ngọc (hồ Đền). Các hoạt động lễ hội được tổ chức trang trọng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục theo đúng cổ lệ gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Không còn những điểm nóng
Cũng trong sáng mùng 6 Tết Canh Tý, 2 lễ hội lớn và luôn là điểm nóng là Chùa Hương và đền Sóc cũng đã chính thức khai hội. Tại chùa Hương, ngay từ sáng sớm, hàng vạn du khách đã đổ về sân chùa Thiên Trù thuộc di tích danh thắng Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) dự Lễ khai hội. Đây là lễ hội truyền thống có thời gian dài nhất trong năm (từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch). Theo ghi nhận của phóng viên, lễ hội Chùa Hương năm nay diễn ra khá bình yên, không còn những hình ảnh phản cảm như mọi năm. Theo Ban Tổ chức, từ mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý lượng khách đến chùa Hương hơn 11 vạn người; riêng ngày mùng 5 lượng khách là 3,7 vạn người.
Còn tại lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), ngay từ sáng sớm đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương đã đổ về tham dự lễ hội. Khoảng 7 giờ sáng, các lễ vật như hoa tre, trầu cau, voi, ngựa, ngà voi… của các thôn trên địa bàn huyện Sóc Sơn được đưa vào khuôn viên đền Sóc để dâng lên đức Thánh. Tại đây, nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau… lên đền thờ Thánh Gióng. Đây là năm thứ 3 BTC lễ hội thay đổi phương án tổ chức, thắt chặt an ninh và cách thức tán lộc nhằm hạn chế, không để tình trạng tranh cướp xảy ra. Các đoàn rước giỏ hoa tre, giỏ trầu cau đều đặt lễ ở đền Thượng, không rước xuống đền Mẫu và đền Hạ. Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù ban đầu vẫn còn cảnh chen lấn, xô đổ cả bàn thờ để xin cành lộc tuy nhiên sau đó BTC đã kịp thời chấn chỉnh. Ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm quản lý Khu di tích đền Sóc cho biết, năm nay, BTC lễ hội chuẩn bị đủ lộc hoa tre để phát đến tận tay người dân và du khách tham gia lễ hội có nhu cầu. Việc phát lộc hoa tre được người dân và du khách thập phương ủng hộ, đánh giá cao, góp phần tạo sự văn minh cho lễ hội... Lễ hội đền Sóc sẽ diễn ra từ mùng 6 đến hết mùng 8 Tết.
Trong sáng ngày 30/1, cũng đã diễn ra lễ khai hội Đền Đuổm tại núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; lễ hội chùa Bái Đính, Ninh Bình; lễ hội “Lùng tùng” của bà con dân tộc Tày - Nùng, miền núi phía Bắc...
Từ ngày 30/1 đến ngày 6/7, Sở VHTT Hà Nội tổ chức 2 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các lễ hội ở 30 quận, huyện, thị xã. Đoàn kiểm tra còn tiếp nhận và xử lý các thông tin về công tác lễ hội qua số điện thoại đường dây nóng: 0869.295538.
Khai hội chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh. Sáng 30/1, Sở VHTTDL Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Can Lộc tổ chức Lễ khai hội chùa Hương Tích. Ngay sau phần lễ là chương trình biểu diễn nghệ thuật với nhiều tiết mục ca múa nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống trên dải đất Lam Hồng; cùng với đó là các hoạt động thể thao sôi nổi như kéo co, bịt mắt bắt vịt… Lễ hội chùa Hương Tích năm nay diễn ra từ mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc. Hạnh Nguyên