Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Luôn tự chỉnh đốn vì nhân dân
90 năm qua, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,cùng với vai trò tiên phong, dẫn dắt cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần thực hiện công tác chỉnh đốn Đảng để Đảng mạnh hơn, trong sạch hơn từ đó khẳng định vai trò, vị thế của mình trong dẫn dắt cách mạng, phát huy sức mạnh của toàn dân.
Trao đổi với Đại Đoàn kết, PGS.TS Nguyễn Viết Thông- Tổng Thư ký, kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đảng luôn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông.
PV:Ông có thể cho biết, trong 90 năm qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã có những dấu ấn đậm nét như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong suốt quá trình xây dựng và lãnh đạo đất nước, Đảng đã có nhiều dấu ấn trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra việc chỉnh đốn Đảng. Bác đã nhiều lần tổ chức chỉnh Đảng và thành công. Sau khi đất nước thống nhất, Đại hội VI đã chỉ ra những khuyết điểm chủ quan, nóng vội, duy ý chí làm trái quy luật khách quan. Do đó CNXH gặp khó khăn. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội VI đã nhấn mạnh, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác tư tưởng và công tác tổ chức cán bộ. Công tác tư tưởng mà trước hết là công tác lý luận đã không tuân theo quy luật khách quan, đi lên CNXH với bước đi nhanh chóng. Riêng về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Bác Hồ đã nhiều lần nói về chỉnh đốn Đảng. Trong Di chúc, điều đầu tiên được Bác nhắc đến đó là sau khi kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, việc đầu tiên cần làm là chỉnh đốn lại Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII chúng ta bắt đầu coi trọng xây dựng chỉnh đốn Đảng. Là người tham gia trong xây dựng văn kiện Đại hội Khóa IX, X, XI, XII tôi thấy rằng, Đảng đã luôn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đại hội XII đã nhấn mạnh đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, thể hiện trong toàn bộ văn kiện và 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm là về xây dựng Đảng và triển khai Nghị quyết thực hiện Đại hội XII. Ở tầm Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 Nghị quyết và 1 Quy định về xây dựng Đảng. Như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra 27 biểu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Các Nghị quyết Trung ương 6,7 về tổ chức chức sắp xếp bộ máy, công tác cán bộ, hay Hội nghị 8 đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo tổng kết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 124 Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Thông tư hướng dẫn liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng. Chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ này, Đảng tập trung về công tác xây dựng Đảng, coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, cán bộ, tổ chức bộ máy. Có thể nói từ sau đổi mới đến nay Đảng đã coi trọng công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện trên tất cả các mặt của công tác.
Thưa ông, một nguyên nhân đã được thẳng thắn chỉ ra đó là lúc làm mạnh, lúc làm nhẹ nên chưa tạo được sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này và nguyên nhân là do đâu?
-Trong chủ trương, Đảng không coi nhẹ công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đảng luôn luôn coi trọng trong ban hành các nghị quyết của Trung ương. Tôi từng tham gia Tổ Văn kiện Đại hội Đảng từ Đại hội IX cho đến nay thấy rằng có những đại hội có báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng, có những đại hội không có báo cáo về công tác xây dựng Đảng. Tuy không có báo cáo riêng nhưng phần xây dựng Đảng trong báo cáo chính trị cũng chiếm 1/3 số trang của toàn báo cáo, đề cập tương đối toàn diện về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trong chủ trương, chúng ta không coi nhẹ công tác xây dựng Đảng nhưng điều đáng nói là tổ chức thực hiện Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng vẫn là khâu yếu lâu nay, và làm chưa quyết liệt. Như khóa XII công tác tổ chức xây dựng chỉnh đốn Đảng có chuyển biến nhưng chủ yếu vẫn là ở bên trên, nên mới có việc “trên nóng dưới lạnh”. Nếu toàn Đảng đều chuyển biến mạnh thì mọi việc sẽ khác. Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng chúng ta làm liên tục, thường xuyên, bền bỉ, nhưng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu như các nghị quyết chỉ ra. Nhiệm kỳ này có rút kinh nghiệm khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt hơn với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện ở quan điểm: Bất cứ ai vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh trước kỷ luật Đảng; không có vùng cấm; không có ngoại lệ. Chỉ nhiệm kỳ này đã có hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Phó Thủ tướng, và không ít cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương. Điều đó cho thấy dấu ấn chỉnh đốn Đảng được thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ này. Phải khẳng định rằng, trong suốt những năm qua, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã được chúng ta thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ trong Di chúc. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng có những lúc, những nơi làm chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao, đến giờ phút này trong Đảng tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng tinh vi, phức tạp.
Đất nước trọn niềm vui.
Vậy từ những lần xây dựng chỉnh đốn Đảng, theo ông, đã để lại những bài học lịch sử gì để có thể áp dụng trong quá trình đổi mới, gắn xây dựng chỉnh đốn Đảng với xây dựng phát triển đất nước?
-Để xây dựng chỉnh đốn Đảng thành công cần quan tâm đến công tác cán bộ. Cho nên lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã rất quan tâm tới công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là “gốc” của công việc và Người cũng là tấm gương mẫu mực về đào tạo, bồi dưỡng, và sử dụng cán bộ. Khi chưa thành lập Đảng, trong những năm 1925 đến năm 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bác Hồ đã mở những lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ; rồi khi về nước, Bác đào tạo cán bộ bằng mọi cách để sử dụng cán bộ, và Bác cũng là tấm gương mẫu mực về công tác cán bộ từ tư tưởng cho đến thực hiện.
Trong quá trình đổi mới hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động len lỏi vào mọi ngóc ngách xã hội. Không chỉ có kinh tế, mà vào cả các vấn đề nhạy cảm hơn đó là công tác cán bộ. Từ Đại hội XI, Đảng đã đặt ra vấn đề chạy chức, chạy quyền. Vì có người chạy thì có chỗ chạy, có nơi bán thì có nơi mua, làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ. Cho nên Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ những ưu điểm của công tác cán bộ nhưng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ. Trong đó, nhấn mạnh tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu ở một số nơi gây bức xúc trong xã hội. Bản thân quy trình không có tội lỗi gì nhưng người thực hiện quy trình không đúng dẫn đến bổ nhiệm cán bộ không đúng, người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu để cho doanh nghiệp thao túng. Như Phan Văn Anh Vũ chỉ là doanh nghiệp nhưng thao túng bao nhiêu cán bộ. Cho nên cần quan tâm đến công tác cán bộ. Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Gần đây là Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Những văn bản trên, nếu thực hiện đúng sẽ góp phần lựa chọn ra những đội ngũ cán bộ ở 4 cấp đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ Đại hội XI, Đảng đã đặt ra vấn đề chạy chức, chạy quyền. Vì có người chạy thì có chỗ chạy, có nơi bán thì có nơi mua, làm ảnh hưởng đến công tác cán bộ. Cho nên Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ những ưu điểm của công tác cán bộ nhưng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ. Trong đó, nhấn mạnh tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu ở một số nơi gây bức xúc trong xã hội. Bản thân quy trình không có tội lỗi gì nhưng người thực hiện quy trình không đúng dẫn đến bổ nhiệm cán bộ không đúng, người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu để cho doanh nghiệp thao túng.