Hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho Vinashin
Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho Vinashin (đã nêu ở bài trước), TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra xử lý việc lập, sử dụng các chứng từ, tài liệu để rút tiền từ nguồn vốn 4.190 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khi chưa được Thủ tướng cho phép, có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn, nguy cơ thiệt hại 1.050,4 tỷ đồng gửi tại Oceanbank.
Nguyên nhân sai phạm
Theo TTCP xác định, nguyên nhân khách quan dẫn đến các sai phạm là Vinashin thực hiện tái cơ cấu nhằm ổn định tổ chức sản xuất, kinh doanh đây là vấn đề khó, phức tạp, thực hiện trong thời gian dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Căn cứ pháp lý, cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ. Chưa có kinh nghiệm để thực hiện tái cơ cấu một Tập đoàn kinh tế Nhà nước vốn đã lâm vào tình trạng rất khó khăn. Trong khi đó thị trường đóng tàu trong nước và nước ngoài phục hồi chậm, đặc biệt còn tiếp tục giảm sâu sau năm 2013 đến nay. Một số chủ tàu gặp khó khăn tài chính, chưa thanh toán cho bên đóng tàu theo đúng quy định của Hợp đồng. Mặt khác, việc tái cơ cấu các khoản nợ tại các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng còn chậm, kéo dài là những nguyên nhân khách quan dẫn đến thay đổi phương án, thay đổi kết quả tính toán, giảm tính hiệu quả của các phương án sử dụng vốn hỗ trợ.
Về nguyên nhân chủ quan, TTCP nhân định là Vinashin/SBIC thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn 2.200 tỷ và nguồn vốn 4190. Vinashin/SBIC yếu kém trong đánh giá dự báo về thị trường tàu, dẫn đến thiệt hại, một số tàu khó có thể thu hồi đủ số tiền đã hỗ trợ. Một số đơn vị không xây dựng phương án hoàn trả vốn hỗ trợ và khi có nguồn vốn phải trả thì không hoàn trả, khó khăn trong việc thu hồi nguồn vốn hỗ trợ, nhất là Tổng công ty CNTT Nam Triệu. Mặt khác, một số cá nhân có hành vi chiếm đoạt lãi tiền gửi ngoài hợp đồng, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. PVN và Vinashin đã không thực hiện đúng ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện nội dung tiếp nhận/bàn giao các doanh nghiệp, dự án. “Bên cạnh đó, các Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao”, TTCP kết luận.
Theo TTCP cho rằng, chịu trách nhiệm đối với các sai phạm nêu trên thuộc Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng Thành viên và các thành viên, ban điều hành, các phòng, ban, cá nhân thuộc Vinashin/SBIC. Các đợn vị sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có sai phạm, thời kỳ từ 2010 đến nay.
Kiến nghị giao Bộ Công an điều tra 2 vụ việc
Trên cơ sở kết quả thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo SBIC khẩn trương nộp về Bộ Tài chính 1.578,681 tỷ đồng để hoàn trả 4.190 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương. SBIC cũng phải có trách nhiệm tập trung thu hồi các khoản tiền hỗ trợ từ nguồn 2.200 tỷ đồng, nguồn 4.190 tỷ đồng và các nguồn khác từ các đơn vị thành viên, nộp về Bộ Tài chính để hoàn trả nguồn 4.190 tỷ đồng và trả các khoản nợ đến hạn, quá hạn theo quyết định của Thủ tướng. Trước mắt có phương án xử lý đối với các tàu đã hoàn thiện nhưng chưa bán/thanh lý được.
Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo SBIC khẩn trương xây dựng phương án thu hồi nợ. Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hỗ trợ đôn đốc, kiểm tra SBIC và các đơn vị thành viên thu hồi công nợ các tàu đã bàn giao cho khách hàng, đối với những trường hợp gây thiệt hại phải chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý.
Bộ Tài chính xem xét, có phương án xử lý đối với các khoản lãi tiền gửi ngân hàng mà SBIC và các đơn vị thành viên đã thu, sử dụng một phần. Trong đó, lãi nguồn 4.190 tỷ đồng đã thu 1.021,787 tỷ đồng, đã sử dụng 150,252 tỷ đồng. Lãi nguồn 2.200 tỷ đồng đã thu 436,616 tỷ đồng, đã sử dụng 114,617 tỷ đồng. Lãi từ nguồn hỗ trợ nộp thuế các đơn vị thành viên đã thu 25,185 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với khoản tiền 1.738 tỷ đồng (đến 30/6/2018 là 1.748,957 tỷ đồng) của SBIC tại Oceanbank theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và số tiền mà SBIC đang gửi tại các ngân hàng. Kiểm tra việc BIDV Bắc Hà Nội cho Vinashin vay ngắn hạn thực hiện dự án FS05 để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Tài chính, GTVT, Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm, theo thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra để xử lý theo quy định.
Đối với việc một số cá nhân của Vinashin chiếm đoạt tiền lãi ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra xử lý theo quy định về các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với 2 việc. Đầu tiên là việc lập, sử dụng các chứng từ, tài liệu để rút tiền từ nguồn vốn 4.190 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khi chưa được Thủ tướng cho phép, có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn tại Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 15/8/2011 của Thủ tướng, nguy cơ thiệt hại 1.050,4 tỷ đồng gửi tại Oceanbank. Thứ hai là việc hỗ trợ hoàn thiện Tàu 700TEU NT29 tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, lỗ 456,9 tỷ đồng, thiệt hại số tiền đã hỗ trợ 151,76 tỷ đồng.