Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020: Chỉ xác định điểm sàn với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GDĐT vừa công bố, về cơ bản việc tuyển sinh vẫn giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Bộ GDĐT chỉ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học (ĐH), ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng (CĐ). Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định.
Quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020.
Kết quả thi THPT quốc gia được đánh giá ổn định
Theo đại diện lãnh đạo nhiều trường ĐH, hiện nay kỳ thi THPT quốc gia vẫn là cơ sở đáng tin cậy để các trường tuyển sinh, nên chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỉ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, hàng loạt trường ở khu vực miền Bắc vẫn dựa vào kỳ thi này để xét tuyển như: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường, khoa thành viên của ĐHQG Hà Nội... Ông Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay việc tuyển sinh của trường vẫn dựa vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và kỳ thi THPT quốc gia. Bởi các hình thức này hiện vẫn được đánh giá là ổn định và chính xác.
Tuy nhiên, cũng có không ít cơ sở đào tạo có những phương án tuyển sinh riêng. Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, năm 2020, ĐHQG TP HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực được sử dụng như một phương thức xét tuyển vào các đơn vị thành viên ĐHQG TP HCM và một số trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐHQG TP HCM. Cụ thể, theo thông báo gửi các sở GDĐT, ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trong năm 2020. Các thông tin chi tiết về kỳ thi đã được công bố tại các trang tin điện tử: thinangluc.vnuhcm.edu.vn; cete.vnuhcm.edu.vn.
Đại diện ĐHQG TP HCM cho hay, tùy theo ngành, nhóm ngành, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực nằm trong khoảng 30% đến 50% tổng chỉ tiêu, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Hiện có gần 50 đơn vị, trường ĐH, CĐ công bố sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM để xét tuyển. Cùng với ĐHQG TP HCM, nhiều trường tại TP HCM cũng cho biết sẽ tổ chức thêm kỳ thi hoặc bài kiểm tra năng lực để xét tuyển như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng...
Theo phân tích từ các chuyên gia, việc đa dạng các phương thức tuyển sinh giúp các trường khai thác tối đa nguồn tuyển. Tuy nhiên, để tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển thì không phải trường nào cũng có thể làm được.
Không giới hạn nguyện vọng của thí sinh
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH, ngành Giáo dục Mầm non trình độ CĐ. Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 của Quy chế này.
Dự thảo Quy chế cũng quy định, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển. Cụ thể, việc công bố các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp); Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Về tổ chức xét tuyển, Điều 10 của Dự thảo có nêu nguyên tắc xét tuyển gồm: Thí sinh có đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 của Quy chế này và đáp ứng yêu cầu của trường có quyền ĐKXT; Thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan; Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế này và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân; Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn; Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, Bộ GDĐT xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin về: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.