Màng lọc thông tin

Lê Anh Đức 31/01/2020 08:03

Cả thế giới đang nỗ lực ngăn chặn dịch cúm do chủng virus corona mới (nCoV) đang lan rộng. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, đưa ra hàng loạt biện pháp để đảm bảo dịch bệnh không lan rộng trong cộng đồng. Ấy vậy mà trên mạng xã hội vẫn có những tin đồn thất thiệt rằng đã có nhiều người nhiễm bệnh, rằng có sự bưng bít thông tin về dịch cúm do chủng virus nCoV... gây hoang mang dư luận xã hội.

Theo thống kê, tính đến sáng 30/1, trên toàn thế giới có khoảng gần 7.900 trường hợp dương tính với chủng virus nCoV, trong đó Trung Quốc có 7.700 người nhiễm loại dịch cúm này. Số ca tử vong do chủng virus nCoV là 170 người. Song, trên mạng xã hội Facebook lại lan truyền thông tin thất thiệt cho rằng đã có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người đã bị lây nhiễm dịch cúm Vũ Hán. Với việc thổi phồng số ca nhiễm bệnh, một số người đang cố tình xuyên tạc sự thật về dịch cúm do chủng virus nCoV.

Không chỉ ở Việt Nam, Chính phủ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang phải đối mặt với loại fake news (thông tin giả mạo, sai lệch) kiểu này. Ở Pháp, vài tài khoản mạng xã hội đã đăng tin ở một số tỉnh của nước này đã có người dân nhiễm dịch cúm do chủng virus nCoV. Để tăng tính thuyết phục, họ còn làm giả các bức ảnh chụp màn hình về việc Hãng tin AFP đã đưa về thông tin này. Còn ở Úc thì người ta lại tung tin rằng trong một số thức ăn, đồ uống ở Sydney đã nhiễm chủng virus nCoV nếu dùng sẽ mắc bệnh...

Thậm chí một số tài khoản trên mạng xã hội còn loan truyền thuyết âm mưu cho rằng, chủng virus nCoV là do một số cường quốc tạo ra như là một loại vũ khí sinh học chống lại nước khác. Có người còn “cam đoan” rằng chủng virus nCoV do Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ tạo ra. Để củng cố niềm tin của người đọc, bài đăng còn đính kèm bằng sáng chế, song đây thật ra là những bằng sáng chế liên quan tới cuộc chiến chống các chủng virus corona khác, chứ không phải chủng virus nCoV.

Nếu như những thông tin bịa đặt, thổi phồng sự thật, hay thuyết âm mưu gây ra sự hoang mang, bất an cho cộng đồng xã hội, thì những “phương pháp” chữa trị dịch cúm do chủng virus nCoV do người viết tự nghĩ ra lan truyền trên mạng xã hội lại gây hệ lụy khôn lường. Nào là phối hợp chanh với củ sả và mật ong có thể ngăn ngừa lây nhiễm virus nCoV, hay súc miệng nước muối có thể tiêu diệt loại virus chết người này... Song, theo các chuyên gia y tế thì những “bài thuốc” trên đều vô dụng với chủng virus nCoV.

Có người lại khẳng định trên mạng xã hội rằng, chủng virus nCoV không có gì đáng sợ, bởi với nhiệt độ trên 25oC hay độ ẩm cao là loại virus này đã bị tiêu diệt. Theo đó, người này khuyên mọi người bỏ hết các loại máy điều hòa nhiệt độ, nhất là máy hút ẩm, nằm kỹ trong chăn là sẽ không lo gì dịch cúm do chủng virus nCoV... Tóm lại là có khá nhiều những “phương pháp”, “bài thuốc” phòng chống chủng virus nCoV rất ngô nghê kiểu như vậy được lan truyền trên mạng xã hội. Song, không phải ai cũng biết sàng lọc thông tin để không tin vào những tin đồn thất thiệt như vậy.

Nếu như fake news thổi phồng sự thật về dịch cúm do chủng virus nCoV khiến cho người dân quá lo sợ, thiếu niềm tin vào các biện pháp giải quyết của cơ quan chức năng, gây mất ổn định xã hội, thì những “bài thuốc” vô căn cứ được lan truyền trên mạng xã hội lại khiến nhiều người chủ quan lơ là, coi thường các biện pháp phòng chống virus nCoV chính thống, tạo cơ hội cho dịch bệnh nhanh chóng lây lan trong cộng đồng. Cả hai thái cực do các loại fake news gây ra đều gây ra những hệ lụy khôn lường, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Có thể nói, mối nguy của những tin tức giả về chủng virus nCoV đang lan truyền trên mạng xã hội còn cao hơn rất nhiều so với dịch bệnh vào thời điểm hiện tại. Đó chính là lý do mà Chính phủ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải thực hiện những biện pháp mạnh tay đối với những người cố tình lan truyền fake news gây hoang mang cho cộng đồng xã hội. Nhiều người tung tin thất thiệt về dịch bệnh ở các nước đã bị cảnh sát bắt giữ. Ở Việt Nam cũng đã có một số trường hợp bị cơ quan công an gọi hỏi về hành vi bịa đặt về thực trạng dịch cúm do chủng virus nCoV.

Song, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch cúm do chủng virus nCoV, cũng như xử lý nghiêm khắc những trường hợp tung tin thất thiệt, thì mỗi người hãy tự trang bị cho bản thân một “màng lọc” thông tin để đủ tỉnh táo nhận biết đâu là tin thật, đâu là tin giả. Quan trọng hơn, mỗi người dân hãy tin tưởng vào quyết tâm cũng như khả năng ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ, để từ đó yên tâm, thực hiện đúng những khuyến cáo của các cơ quan hữu trách trong việc phòng chống dịch bệnh.

Lê Anh Đức