Rủi ro trong quá trình chuyển tiếp Brexit

V.N. 01/02/2020 08:00

Theo báo The Business Times ngày 30/1, với việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1, quốc gia này sẽ bắt đầu “giai đoạn chuyển tiếp” kéo dài 11 tháng kể từ ngày 1/2. Trong khi một số người tạm yên lòng thì lại có nhiều ý kiến lo ngại rằng những tháng sắp tới chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Rủi ro trong quá trình chuyển tiếp Brexit

Giới chuyên gia cho rằng việc Anh rời khỏi EU là một tiến trình rất phức tạp.

Mục đích của giai đoạn chuyển tiếp là để London và Brussels nhất trí về mối quan hệ trong tương lai và tập trung xung quanh một thỏa thuận thương mại mới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khung thời gian chuyển tiếp chặt chẽ một cách khác thường, trừ phi Thủ tướng Boris Johnson đảo ngược hoàn toàn cam kết không gia hạn thời gian quá độ của mình. Giải thích cho các kế hoạch trong năm nay là quá gấp rút, vì theo luật, Brussels không được phép tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại mới cho đến khi EU-27 nhất trí về một sự ủy nhiệm đàm phán chung. Tiến trình đó có thể mất vài tuần, có nghĩa là các cuộc thảo luận chính thức sẽ không bắt đầu cho tới sớm nhất là tháng 3 và, vì một thỏa thuận sẽ cần được phê chuẩn, nên các cuộc đàm phán trên thực tế phải được hoàn tất vào đầu mùa Xuân năm nay, nếu không muốn nói là cuối mùa Hè.

Bất kỳ thỏa thuận nào mà Anh và EU nhất trí sẽ cần phải được Quốc hội ở Brussels, và có khả năng là Tòa Công lý châu Âu (ECJ), thông qua. Người ta quên rằng trong đầu những năm 1990, ECJ đã hủy bỏ một số dàn xếp ban đầu cho quan hệ Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). ECJ ra phán quyết rằng chúng vi phạm các hiệp ước của EU. Bởi vậy, các chính trị gia của Anh và EU có thể cũng phải đối mặt với những sự hạn chế đáng kể trong việc thiết lập một cơ cấu pháp lý Anh-EU mới.

Với việc phê chuẩn có thể diễn ra trong vài tháng, có rất nhiều việc phải làm trong mùa Xuân và mùa Hè này mà không có nhiều thời gian, chẳng hạn như việc biến thỏa thuận ra đi dày hơn 600 trang thành một thỏa thuận thương mại.

Một thách thức khác của việc đạt được thỏa thuận là sau bầu cử, Chính phủ Anh đã nhấn mạnh rằng họ muốn quyền tự do đáng kể tách khỏi các quy định của EU. Chẳng hạn ngày 18/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid đã khẳng định: “Nếu không có sự ràng buộc, chúng ta sẽ không tiếp nhận quy định, không ở trong thị trường chung và không nằm trong Liên minh Hải quan”. Trong bối cảnh này, ông Michel Barnier, nhà đàm phán chính của EU về Brexit nói rằng một thỏa thuận thương mại “cơ bản nhất” có thể là thứ tốt nhất được hi vọng trong năm 2020, và không phải là kiểu thỏa thuận thương mại sâu mà một số người ủng hộ Brexit đã hứa hẹn trong năm 2016.

Tuy nhiên, như Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp vốn sẽ kết thúc vào ngày 31/12, điều này sẽ gây trở ngại lớn cho các cuộc đàm phán và có nguy cơ khiến Brexit bất ổn. Nếu điều này xảy ra, cả Brussels lẫn London cần quay trở lại bàn đàm phán với một loạt sáng kiến mới.

Nghị viện châu Âu trong hôm 30/1 đã chính thức bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit – với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Cùng ngày, các nghị sĩ Anh cũng rời khỏi Nghị viện châu Âu để dọn đường cho tiến trình này. Sau khi Brexit diễn ra, Anh sẽ bắt đầu khởi động các vòng đàm phán với các nước trên thế giới về việc đặt ra các quy định mới trong thương mại hàng hóa và dịch vụ. Khi còn là thành viên EU, Anh không được phép tham gia các vòng đàm phán thương mại chính thức với các nước như Mỹ và Australia

V.N.