Tìm hướng đi mới cho cây cà phê

Quốc Định 01/02/2020 08:00

Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm.

Tìm hướng đi mới cho cây cà phê

Nâng tầm thương hiệu là giải pháp tốt nhất giúp cây cà phê phát triển bền vững.

Các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch.

Tuy nhiên, khoảng 3 thập niên gần đây, cà phê luôn được xếp vào loại cây nông sản có mức giá thấp. Câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn cứ đeo đẳng mãi người dân. Chính vì thế mà người dân không còn mặn mà việc tăng diện tích. Mặc dù vậy, giá cả niên vụ 2019 -2020 vẫn giảm nghiêm trọng, hiện giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên chỉ dao động từ 32.700 – 33.100 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chưa đủ để trang trải chi phí đầu tư cho cây trồng, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không khí đìu hiu đã hiện rõ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ở hầu khắp các bản làng thủ phủ cà phê Tây Nguyên.

Vấn đề trên đang đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp là làm sao để nâng giá trị, phát triển thương hiệu, đưa trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài nhằm tăng giá trị sản phẩm cho người dân? Để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối ngoài nước, Bộ Công thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai tốt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối ở nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, nhằm đưa các sản phẩm cà phê Việt thâm nhập sâu hơn, trực tiếp hơn vào thị trường nước ngoài.

Đơn cử như hoạt động kết nối xuất khẩu cà phê theo hướng gắn kết DN Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Úc…với DN trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ DN cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua lực lượng này, việc tuyên truyền về chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng thêm hiệu ứng, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ mặt hàng cà phê trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.

Nhiệm vụ đưa cà phê Việt vào kênh phân phối ngoại được cho là mang lại lợi ích kép cho DN. Khi trực tiếp tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài sẽ giúp DN cà phê Việt nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến nhằm bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hãng hàng đầu thế giới, đồng thời có điều kiện để phát triển thương hiệu.

Rất nhiều người băn khoăn, tại sao cà phê Việt xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới nhưng lại không tạo ra những thương hiệu có giá trị gia tăng cao? Chẳng hạn, 1kg cà phê xanh (còn gọi là cà phê tươi có nhiều giá trị bổ dưỡng, chưa qua quy trình xử lý nào) nếu mua loại ngon ở Việt Nam sẽ vào khoảng 90.000 đồng. Trong khi, với 1kg cà phê đó nếu rang chín ra và bán như thương hiệu cà phê Starbucks thì sẽ có mức giá 100.000 đồng cho mỗi ly. Nếu tính toán, sau khi thương hiệu cà phê ngoại này rang chín và pha chế thì họ sẽ bán được với giá trị đến 5 triệu đồng. Còn với cà phê nội địa thì chỉ quanh quẩn 90.000 đồng mỗi ký sau khi bán hạt cà phê xanh với loại ngon nhất cho họ.

Hiện giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên chỉ dao động từ 32.700 – 33.100 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chưa đủ để trang trải chi phí đầu tư cho cây trồng, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không khí đìu hiu đã hiện rõ trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ở hầu khắp các bản làng thủ phủ cà phê Tây Nguyên

Quốc Định