Thủ tục thay đổi nơi khám bệnh BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thế nào?
Đối với đối tượng chuyển địa bàn tỉnh khác đến, cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi phát sinh tăng đối tượng có trách nhiệm giảm giá trị sử dụng thẻ cũ (còn giá trị sử dụng) và cấp thẻ mới (trên hệ thống phần mềm quản lý).
Con của bà Phạm Thị Thảo (tỉnh Nam Định) đăng ký hộ khẩu ở quê. Bà Thảo hỏi, nếu bà chuyển hộ khẩu cho con lên thành phố thì chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu như thế nào?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Thực hiện Luật BHYT, Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của liên Bộ Tư pháp – Công an – Y tế, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản: Công văn số 2745/BHXH-BT ngày 23/7/2018 giải quyết vướng mắc về thu và cấp thẻ BHYT, Công văn số 1232/CNTT-PM ngày 22/10/2019 của Trung tâm Công nghệ thông tin về việc liên thông dữ liệu khai sinh với Bộ Tư pháp.
Theo đó, tại Điểm 1 Công văn số 2745/BHXH-BT có quy định: Đối với đối tượng chuyển địa bàn tỉnh khác đến, cơ quan BHXH nơi phát sinh tăng đối tượng có trách nhiệm giảm giá trị sử dụng thẻ cũ (còn giá trị sử dụng) và cấp thẻ mới (trên hệ thống phần mềm quản lý).
Như vậy, đối với trường hợp bà chuyển hộ khẩu của con lên thành phố khác (ngoài tỉnh Nam Định) thì đề nghị bà đến UBND cấp xã nơi chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn làm thủ tục cấp thẻ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật BHYT và lập danh sách cấp thẻ BHYT cho con của bà từ nguồn ngân sách của địa phương. Khi đó, thẻ BHYT của con bà sẽ được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn nơi gia đình đang cư trú.