Nhà văn/Họa sĩ Hoàng A Sáng: Nhờ thiền, tôi biết mình
Cây cối, cỏ hoa, con người trong tranh Hoàng Anh Sáng, đều dịu dàng và mơ hồ với những nét vẽ đậm chắc mà phiêu, đồng thời cũng mang cái sự giản dị mộc mạc, kiệm chi tiết, như chính con người anh. Hoàng A Sáng đi sâu vào hội họa, như thể để đi tìm được chính mình, và qua đó, anh tìm được sự giải thoát.
Nhà văn, họa sĩ Hoàng A Sáng.
Trước đây khi biết anh, thì nhiều người vẫn gọi anh là “nhà thơ”. Anh đến với văn chương như thế nào, và tuổi thơ của anh đã có những kỉ niệm đẹp đẽ gì để anh bắt duyên với thi ca nhạc họa, và rồi trở thành một phần đời sống tinh thần suốt hành trình sống của anh?
Nhà văn, họa sĩ Hoàng A Sáng: Tôi không bao giờ dám nhận mình là nhà thơ, dù thực lòng tôi yêu thơ ca, có làm thơ nhưng chưa bao giờ xuất bản. Tôi sinh ra ở bản Pác Thay, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - một nơi xa xôi, nghèo khó. Cả đại gia đình tôi không ai làm nghệ thuật, nói đúng hơn ở nơi ấy nghệ thuật là một khái niệm xa lạ. Từ bao đời người Tày bản tôi chỉ sống với nương rẫy, núi rừng… cho nên thơ ca, nhạc họa, hay một cái gì tương tự về nghệ thuật là hoàn toàn không có ý niệm.
Riêng tôi, may mắn hơn các bạn thời thơ ấu là vì bố tôi làm giáo viên – có thể coi là tri thức của bản. Tôi bắt đầu được đọc những bài thơ, bài báo, hoặc nhìn thấy những bức minh họa đầu tiên là do bố tôi mang sách, báo, tạp chí về nhà.
Những thứ đó đã cuốn hút tôi vô cùng, tôi cũng bắt đầu tập tọe vẽ linh tinh lên sách vở, thử viết mấy câu văn vần cho riêng mình… Hằng ngày đi chăn bò, tôi vẫn vẽ linh tinh xuống đất, nặn những bức tượng bằng đất ở bờ rẫy, hoặc dùng dao khắc vào thân cây những hình mình thích. Cũng từ đó bắt đầu le lói một giấc mơ làm việc gì đó liên quan đến nghệ thuật, nó cứ lớn dần và đưa tôi đi cho đến tận bây giờ.
Anh có thể chia sẻ về quá trình anh từ Cao Bằng, bước xuống miền xuôi. Làm thế nào anh hòa nhập được với Hà Nội?
- Đến bây giờ, tôi vẫn tự nhận mình là người may mắn, tôi không nghĩ mình có tài cán gì nhiều. Tôi được học hành tử tế, bài bản không bị đứt đoạn hoặc phải nghỉ học như bạn bè ở bản làng. Trước hết là do bố tôi - một nhà giáo thấu hiểu giá trị của tri thức, người đã gây cảm hứng cho tôi về việc phải học tập. Dù nghèo khó đến đâu bố tôi vẫn dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho tôi và không bao giờ để tôi nghỉ học. Chính vì điều đó, tôi được về Hà Nội học đại học – đây là một sự thay đổi vô cùng quan trọng với những đứa trẻ vùng cao như tôi.
Việc học tập và trải nghiệm ở thành phố đã dạy tôi rất nhiều điều. Cũng như các bạn trẻ tuổi, tôi bị cuốn hút bởi nền văn minh hiện đại, cũng từ đây giấc mơ làm nghệ thuật của tôi rõ ràng hơn. Tôi đã chọn học nghề hội họa (trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương) với giấc mơ trở thành họa sĩ…
Sau khi tốt nghiệp tôi có ở lại Hà Nội hai năm để tự tìm kiếm cơ hội cho mình. Tôi làm đủ nghề: quảng cáo, thiết kế, làm mọi việc người đời thuê… để tự nuôi mình và nuôi giấc mơ nghệ thuật ấy. Nhưng sau đó, bố tôi ốm nặng nên tôi phải quay về Cao Bằng. Lúc đầu tôi định đi dạy học, vì tôi có bằng sư phạm, nhưng không xin được việc, tôi tiếp tục lang thang tìm việc thì vô tình được biết ở Báo Cao Bằng đang cần tuyển họa sỹ trình bày. Từ đó tôi trở thành họa sỹ trình bày báo địa phương và nghĩ mình sẽ yên phận ở Cao Bằng.
Thế nhưng, giấc mơ làm nghệ thuật vẫn thường trực, tận đâu đó trong sâu thẳm vẫn thôi thúc tôi làm gì đó liên quan đến nghệ thuật. Hằng đêm, nằm trên cái gường bé tí, ẩm mốc của khu tập thể trên đồi tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên về văn chương. Bút ký đầu tiên của tôi đã gây ấn tượng với một số văn nghệ sỹ địa phương và họ động viên tôi tiếp tục viết. Và lần đầu tiên truyện ngắn của tôi được in trên tờ Văn nghệ Trẻ của Hội Nhà Văn Việt Nam - đó là dấu ấn đầu tiên để tôi tự tin thêm với việc viết lách của mình.
Sau khi cha tôi mất, tôi quyết định quay về Hà Nội. Tờ Văn Nghệ Trẻ đã nhận tôi vào làm việc. Cũng từ đây tôi được gặp những văn nghệ sỹ lớn như Nguyễn Quang Thiều, họa sĩ Thành Chương... họ rất yêu quý tôi, dìu dắt tôi từng bước vào con đường nghệ thuật.
Với anh, văn chương có ý nghĩa như thế nào?
- Như tôi nói ban đầu, tôi yêu thơ, thích thơ nhưng để cắt nghĩa rõ ràng về thơ là điều không thể.
Có thể nói, thơ ca có ý nghĩa với tôi như chính núi rừng đã nuôi lớn tôi. Nếu bạn sống ở miền núi vùng Đông Bắc như tôi sẽ có cách hình dung riêng về thơ. Mỗi buổi sớm bạn thức giấc với sương mù còn bay nhẹ qua bàn chân, núi đồi phủ một màu trắng tinh khiết đến trong veo, cây cỏ ngậm sương sạch từng mi li mét… cánh đồng trước bản hiện ra như một màn ảo thuật… rồi bài ca âm thanh của chim chóc cũng bắt đầu rộn ràng… mẹ tôi, bố tôi, người bản Pác Thay của tôi bắt đầu ra đồng…
Tôi đã sống trọn vẹn tuổi thơ với những hình ảnh như vậy, vì thế thơ ca có lẽ đã tự tìm đến tôi, hay nói cách khác tôi được thừa hưởng một nguồn năng lượng tốt đẹp mang đậm chất thi ca của núi rừng.
Tôi nói vậy, có thể chỉ là chủ quan cá nhân, nhưng tôi cảm nhận rõ chất thi ca ở nơi đã sinh ra tôi. Cũng chính phẩm chất thi ca đó đã thấm sâu vào tiềm thức tôi, vì thế sau này nghệ thuật của tôi luôn đậm chất thi ca. Đặc biệt trong hội họa.
Rồi anh bước vào con đường báo chí, tham gia công tác tổ chức bài vở cho một tờ báo giấy tư nhân - đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt cho tồn tại, buộc cân bằng với ý nghĩa tích cực tờ báo mang tới với nhu cầu của độc giả, anh đã trải qua những gì để tờ báo có được vị trí riêng như ngày hôm nay?
- Cũng như những người nhập đô, tôi phải trải qua nhiều thời gian khó khăn để lập nghiệp. Đối với việc làm báo, tôi vẫn nói, đó là ân huệ của cuộc đời! Tôi đã có thêm một nghề - cái nghề tự học - tự trải nghiệm - may mắn được trải nghiệm… và đặc biệt được trực tiếp làm việc với những người làm báo lừng danh như nhà văn, trung tướng Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… Tôi quan sát, học hỏi và thực sự kiên nhẫn với nghề này. Và cũng chính nghề này đã cho tôi rất nhiều thứ từ quan hệ xã hội, đến vật chất cơ bản để sống khá tốt tại Hà Nội.
Tôi nghĩ, để một tờ báo đứng được trong lòng độc giả, không có bí quyết gì ngoài việc viết thật hay, viết đúng cái họ cần, viết chân thực, viết đầy say đắm… Riêng tôi may mắn có một đội ngũ cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo giạo cội, lành nghề và nổi tiếng. Họ cộng tác với tôi trước hết vì tin tôi, yêu mến tôi, sau nữa là chúng tôi đã xây dựng một “cơ chế” linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người viết.
Làm báo, người viết là linh hồn, là nhân vật trung tâm, phải được quan tâm bậc nhất. Nói cách khác, phải chăm sóc người viết hết mức có thể, đánh mất họ có nghĩa là mất tờ báo…
Tôi đã làm như vậy trong suốt 12 năm qua, và tờ báo của tôi hiện tại vẫn sống được, dù thị trường báo giấy đang mất gần hết thị phần.
Rồi một ngày, bạn bè thấy A Sáng từ nhà thơ, nhà văn, nhà báo, bỗng nhiên quay về với hội họa?
- Không hẳn thế, chẳng ai bỗng nhiên lại trở thành cái gì khác. Qúa trình sáng tác với hội họa của tôi vẫn xuyên suốt nhiều năm. Trong những năm tháng đó, ngoài việc làm báo để nuôi bản thân và gia đình, tôi vẫn vẽ, chưa bao giờ tôi ngừng công việc đó cả. Cũng như các bạn, làm nghệ thuật phải mò mẫm, tìm tòi, đôi khi lạc lối, có lúc bế tắc… cứ thế hơn 20 năm. Cho đến năm 2016 khi đã tìm được phong cách riêng tôi mới tổ chức triển lãm đầu tiên cho riêng mình. Nhiều bạn bè làm báo cũng hơi bất ngờ vì trước đó họ cứ nghĩ tôi học nghề báo chứ không nghĩ tôi học khá bài bản về hội họa.
Bắt đầu từ trong tranh của anh, đã thấy tính thiền rất đậm nét. Vì sao vậy?
Tôi chắc chắn rằng, con người mình thế nào thì bức tranh mình sẽ như thế. Trước đây, tôi cũng từng vẽ những bức tranh dữ dội, hoặc thử nghiệm với nhiều hình thức khác nhau, chất liệu khác nhau… Nhưng vẫn không tạo ra được phong cách riêng, nó vẫn lẫn vào vô vàn những họa sỹ khác, vẫn không thấy con người thật của mình trong đó.
Sau này, với một cơ duyên, tôi đi học Thiền để chữa bệnh. Cũng từ đó, tôi cảm nhận sâu sắc về chính bản thân mình, và cũng từ đó thay đổi hoàn toàn về cách nhìn của tôi trong hội họa. Tôi bắt đầu tìm đến trạng thái tĩnh lặng, êm đềm, nhẹ nhàng, đơn giản… như chính con người tôi. Và thật may mắn cũng từ đó tranh của tôi bắt đầu không giống ai nữa, dần dần hình thành một phong cách riêng, một lối đi riêng… Đó là điều may mắn nhất mà tôi từng có được trong suốt 20 năm tìm tòi.
Hóa ra, con người thật của tôi là yêu thích sự bình lặng, đơn giản và nhẹ nhàng, nó khác xa với những gì tôi từng nghĩ, từng theo đuổi.
Thế nhưng cũng phải biết ơn những năm tháng trẻ tuổi, những lúc nông nổi, thậm chí sai lầm… mà phải trải qua như vậy mới đi đến sự thật. Tôi vất vả trong việc tìm kiếm nhưng tôi lại may mắn khi biết chính xác mình là ai và điều này chỉ có Thiền định mới giúp tôi tìm ra nó.
Các tác phẩm hội họa của họa sĩ Hoàng A Sáng.
Từ việc tranh anh được nhiều người sưu tập, trong đó có các bạn bè văn chương báo chí, anh cảm thấy ra sao?
Đó là một hạnh phúc lớn lao! Sự tự hào và biết ơn cuộc đời! Mình làm nghề và được công chúng chấp nhận, đặc biệt lại là bạn bè văn chương, báo chí thì khó nói lời nào ngoài sự xúc động. Từ đó cũng làm cho mình tự tin hơn bao giờ hết, bởi họ phải yêu thích thật sự họ mới bỏ tiền ra mua, vả lại tôi đâu phải cái gì đặc biệt, tôi nhỏ bé như muôn vàn các họa sỹ khác… Có thể họ tìm thấy trong tranh của tôi một sự đồng điệu nào đó, thế nên họ mới sưu tập. Nếu tôi là một tên tuổi lớn thì chuyện sưu tập còn mang nhiều nghĩa khác, nhưng tôi chỉ là một họa sỹ mới định hình phong cách. Vì vậy tôi chắc chắn rằng, những người sưu tập tranh của tôi là đang mua theo tiếng gọi của trái tim.
Trân trọng cảm ơn anh!