Lần theo 'dấu thơm' ở chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Bí tích huyền sử và cảnh quan sơn thủy hữu tình đã dệt nên một Hương Tích Cổ Tự linh thiêng, huyền diệu nhưng không kém phần đẹp đẽ, nên thơ. Tương truyền, chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là nơi công chúa Diệu Thiện (con gái của Sở Trang Vương) tu hành đắc đạo và đến nay, những “dấu thơm” của Phật vẫn còn in dấu nơi đây. Ít ai biết rằng chùa Hương Tích ở Hà Nội là “phiên bản” của chùa Hương Hà Tĩnh.
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh nhìn từ trên cao xuống.
“Hoan Châu đệ nhất danh lam”
Chùa Hương Tích hay còn gọi là Hương Tích Cổ Tự có nghĩa là Chùa Thơm, chùa có danh hiệu “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích - một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Chùa Hương Tích gắn với sự tích về Thần Hổ và gắn với sự tích công chúa Diệu Thiện chạy trốn. Tương truyền khi xưa Hổ Thần linh thiêng đã che chở cho công chúa Diệu Thiện tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường. Đến vùng núi Ngàn Hống, Thần Hổ cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền. Sau đó, Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, Thần Hổ đưa xuống động Hương Tích và ở trong một hang đá, đó chính là Hương Tích.
Tương truyền vào thế kỷ XIII thì chùa được xây dựng. Năm 1885, chùa bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Năm 1901, Tổng đốc An -Tĩnh là Đào Tấn tiến hành quyên góp tiền trùng tu và xây dựng lại chùa. Năm 1936 Vua Bảo Đại cho người chạm khắc chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh - một trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế. Năm 1990, Bộ Văn hóa -Thông tin Việt Nam đã công nhận chùa Hương Tích là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2003, chùa được trùng tu. Năm 2006, chùa được đại trùng tu. Hiện nay, hệ thống hạ tầng tại chùa được đầu tư xây dựng hiện đại, thu hút du khách khắp nơi về đây dâng hương, thưởng lãm cảnh chùa.
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là một quần thể gồm nhiều di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả cả những ngôi đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Quần thể chùa Hương ở độ cao 650m so với mặt nước biển, được chia làm ba phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ngoài ra còn có miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan, Bãi chợ, chùa Thượng, Nhà thờ tổ, điện Thánh Mẫu, am Diệu Thiện, am Dược Sư, nền Trang Vương, am Bát Cảnh… Phía sau chùa là vô số tảng đá lớn, xung quanh nhiều cây cổ thụ vươn ra tỏa bóng rêu phong xuống các mái chùa, tạo cho cảnh thêm u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo… Chùa còn có những cảnh sắc tuyệt đẹp liên kết như: động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm...
Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi Công chúa Diệu Thiện tu hành và hóa Phật Quan Âm. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên, khe quỷ khóc. Tại chùa Hương Tích có tượng Thần Hổ đặt ở trên đường đi lên chính điện để người dân thờ cúng. Tượng được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực chính điện. Hổ Thần được làm bằng bê tông, sơn màu vàng, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi.
Trong Thiên Lộc Huyện Phong Thủy Cổ Chí của Lưu Công Đạo năm 1811 đã mô tả: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng được ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng làm nền gọi là Trang Vương. Người ta lấy đá xây thành am. Trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái am có đền thờ đại vương Núi Hồng. Trong đền có tấm bia vua ban chữ thếp vàng. Một con suối xanh theo bậc đá đi lên, mỗi bước là một phong cảnh khác nhau. Lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu”.
Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc chùa Hương Tích đó là Cung Tam Bảo. Nơi quy tập rất nhiều pho tượng Phật có niên đại từ hàng trăm năm đến hàng nghìn năm. 50 pho tượng Phật ngồi im kín điện, cao ngang tầm ngực, mây bay vờn quanh. Tất cả như khoác lên một vẻ lung linh hư ảo giữ sương mây, lửa nến.
Để lên được chùa Hương, khách tập phương có chọn lựa một là đi bộ (hoặc xe điện) gần 5 km, đi qua cánh rừng thông ngút ngàn, xanh mướt. Hai là đi thuyền trên đập Nhà Đường (khoảng 2 km) ngắm nhìn nước từ khe quỷ khóc chảy ra, ngắm cảnh suối nước thơ mộng đẹp như trong tranh vẽ để đến cổng chùa. Sau đó men theo khe quỷ khóc lên đến đến suối Hương Tuyền, rồi tiến hành đi cáp treo lên chùa. Đường lên chùa rợp bóng thông xanh mát, cả hành trình du khách sẽ được nghe tiếng suối hòa quyện với tiếng thông reo giữa mênh mông trời đất. Càng lên cao du khách càng bị cuốn hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên sơn thủy hữu tình, từ trên cao nhìn những đám mây lững lờ trôi phía dưới lại tưởng như đang lạc vào chốn Bồng Lai tiên cảnh.
Chùa Hương Tích ở Hà Nội thật ra chỉ là một “phiên bản” đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1704). Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ.
Nếu đường vào chùa Hương ở Mỹ Đức, Hà Nội bắt đầu từ dòng suối Yến tấp nập những du thuyền thì lối vào chùa Hương ở Hà Tĩnh cũng theo dòng suối có tên là suối Hương Tuyền đi ngược lên. Trước đây, du khách phải rẽ đường, vượt dốc núi dài gần tới 4.000m để tới chùa Hương nhưng hiện nay đã được trang bị hệ thống xe điện, cáp treo, thuyền đò nên du khách vừa có thể thưởng ngoạn danh thắng nơi đây từ trên cao, lướt thuyền giữa mênh mang sông nước nhưng cũng vừa có thể đi bộ vãn cảnh núi non.
Những năm trước, lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch nhưng những năm gần đây đã chuyển sang ngày mùng 6/1 âm lịch, mở đầu cho năm du lịch của tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù ngày này mới khai hội nhưng từ sáng mùng 1 đến chiều mùng 5 Tết đã có hàng vạn lượt người từ khắp các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng…nườm nượp về chùa Hương Tích trẩy hội.
Thu hút du khách gần xa
Ngày nay du khách đến với chùa Hương Tích Hà Tĩnh không chỉ riêng vào ngày lễ hội mà còn kéo dài khắp trong năm để thưởng ngoạn những giá trị văn hóa, sinh thái. Trung bình, mỗi năm có khoảng 14-15 vạn lượt khách đến đây vãn cảnh chùa.
Ông Nguyễn Duy Vỵ-Trưởng Ban Quản lý khu du lịch chùa Hương Tích cho biết: Năm 2019 vừa qua, di dích chùa Hương Tích thu hút trên 14 vạn lượt khách; từ ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng năm nay, chùa đã thu hút hơn 1,3 vạn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh chùa, riêng ngày khai hội có khoảng 2.000 lượt khách.
Theo ông Vỵ, hệ thống cơ sở hạ tầng ở di tích chùa Hương Tích đã được đầu tư khá đồng bộ. Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng của Ngân hàng Phát triển Châu Á giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành (đạt khoảng 85%). Nhiều hạng mục đã đưa vào sử dụng như đường xe điện, quảng trường…Trong năm nay, giai đoạn 2 của dự án với mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng sẽ được thực hiện, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo của thắng cảnh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Ông Đỗ Trọng Khoa -Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển du lịch Hồng Lĩnh cho biết: Trước mắt, đơn vị đã đưa 15 xe điện vào phục vụ du khách mùa lễ hội. Để đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách phải cần đến 20-25 xe.
Tuy nhiên, hệ thống xe điện đã được đưa vào phục vụ du khách và đoạn đường bộ này cấm xe ôm nhưng vẫn có hàng chục xe máy của cư dân địa phương trà trộn vào khu vực này để hoạt động dịch vụ xe ôm. Các tài xế xe ôm chở một lúc 3-4 người gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành tại khu di tích. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Duy Vỵ cho hay, do người dân đi theo đường nhánh tự phát nên đơn vị không kiểm soát hết và đơn vị sẽ có phương án xử lý để chấm dứt tình trạng này.
Một thực tế phản cảm vẫn tồn tại ở chùa Hương Tích đó là tình trạng xoa dầu lên hổ đá. Rất nhiều người mang sẵn các loại dầu xoa bóp rồi đến đây sức dầu lên mình tượng hổ sau đó xoa lên người với mong ước được khỏe mạnh, hết đau mỏi. Đáng nói, những người xoa dầu lên mình hổ đá rồi thoa lên người hầu hết là giới trẻ. Việc làm này cần phải tuyên truyền xóa bỏ để việc đi lễ chùa Hương Tích được thanh tịnh hơn.