Làm để dân tin
Để thu hút người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền được Mặt trận các cấp tập trung thực hiện rất tốt với phương châm nói để dân nghe, lắng nghe dân nói và làm để dân tin. Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Tuyên Quang Đỗ Minh Tân khẳng định như vậy khi chia sẻ với Đại Đoàn Kết.
Nhà văn hoá xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương.
Ông Đỗ Minh Tân cho biết: Cụ thể ở từng cấp, UB MTTQ đều có đại diện lãnh đạo trực tiếp tham gia các ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, với phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, các Ban phát triển thôn đã phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng thiết thực và bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tại cơ sở và thôn, bản, đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể tiến hành tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình và người dân về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, về cơ chế chính sách của tỉnh đảm bảo cho thực hiện, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, như xây dựng nhà văn hóa thôn, bản gắn với sân thể thao và khuôn viên, kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng 3 công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa, cải tạo vườn tạp, giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đáng chú ý, theo ông Tân, để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo trong xây dựng nông thôn mới, Mặt trận cấp tỉnh phối hợp tuyên truyền chỉ đạo, hướng dẫn ưu tiên sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo các cấp hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo. Ngoài ra, hiệp thương phân công với các tổ chức đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ cụ thể đến từng hộ, để hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tuyên truyền việc giám sát thực hiện các chính sách về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 2017, UB MTTQ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới, trực tiếp chủ trì việc lấy phiếu đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, làm căn cứ để đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí. Qua đó, nhân dân trao đổi, bàn bạc dân chủ, đoàn kết, tạo được sự phấn khởi, đồng thuận cao, tích cực đóng góp sáng kiến, công sức, tiền của để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn đã tuyên truyền, vận động con em của xã đang công tác, làm việc trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền của cùng nhân dân trong xã xây dựng đường bê tông nông thôn, nhà văn hóa thôn bản trên địa bàn xã; xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương đã vận động nhân dân trong xã mỗi ngày, mỗi gia đình tiết kiệm 1.000 đồng để ủng hộ xây dựng nông thôn mới của xã với số tiền ủng hộ được hàng trăm triệu đồng.
Từ kết quả trên, ông Đỗ Minh Tân khẳng định: Hoạt động tuyên truyền phải đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng tuyên truyền. Ngoài việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, cần coi trọng công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua việc làm cụ thể, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, qua đó tạo sự lan tỏa, thu hút nhân dân cùng làm theo.
Theo ông Đỗ Minh Tân, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải sâu sát dân, tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát và hưởng lợi từ kết quả xây dựng nông thôn mới. Có như vậy công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới mới đạt hiệu quả cao.