Dùng ống thổi một lần khi đo nồng độ cồn
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch viêm phổi cấp do nCoV, ngày 2/2, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết đã yêu cầu CSGT công an các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách.
Cảnh sát đo nồng độ cồn của tài xế.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết, việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đang được triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế, CSGT phải nghiêm túc tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế , đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ; vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo.
Trước đây CSGT tuân thủ hai bước khi kiểm tra nồng độ cồn là định tính và định lượng. Ở bước định tính, các tài xế sẽ cùng thổi vào một phễu ở đầu máy đo nồng độ cồn, tuy nhiên lái xe không phải ngậm vào phễu mà thổi ở một khoảng cách nhất định, trong trường hợp máy đo báo có cồn, cảnh sát mới tiếp tục dùng ống thổi ngậm một lần để xác định người vi phạm ở mức bao nhiêu (định lượng).
Ông Nhật cho biết: Thời điểm này, CSGT sẽ chỉ dùng ống thổi định lượng một lần và được tiệt trùng trước khi đưa vào sử dụng. Sau đó thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Cảnh sát khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Cục CSGT cũng yêu cầu lực lượng chức năng trên toàn quốc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp chở người nhập cảnh, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Toàn lực lượng nghiêm túc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tập trung xử lý mọi vi phạm về nồng độ cồn.
Trước đó, tối 31/1, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương có ý kiến trước việc nhiều người lo ngại việc sử dụng máy đo nồng độ cồn trong khí thở với người tham gia giao thông có làm lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là virus corona hay không? Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Cục phó Cục Quản lý khám, chữa bệnh, khẳng định không chỉ trong thời điểm có dịch virus corona mà kể cả khi không có dịch thì về nguyên tắc các máy đo nồng độ cồn có thể dùng chung, nhưng ống thổi đều phải dùng một lần. Ông Khoa cũng đưa ra khuyến cáo “ống thổi nồng độ cồn phải dùng một lần để tránh lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, trong đó có virus corona”.
Theo Nghị định 100/2019, từ ngày 1/1 mức xử phạt cao nhất đối với người vi phạm đi xe đạp lên tới 800.000 đồng; người đi xe máy 8 triệu đồng và tài xế ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.