Vụ hàng chục cây gỗ lim bị đốn hạ ở Bá Thước (Thanh Hoá): Vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó
Hàng chục cây gỗ lim nhiều năm tuổi, có đường kính lớn được xếp vào nhóm II (nhóm quý hiếm) đã bị đốn hạ trái phép cách trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Bá Thước không xa. Vậy nhưng, sau khi sự việc xảy ra nhiều ngày, đơn vị này mới kiểm tra, báo cáo. Tuy nhiên, báo cáo của Hạt kiểm lâm Bá Thước chưa trung thực và không đúng với khối lượng thực tế.
Một phần trong số gỗ lim đốn hạ trái phép ở Bá Thước được xác định do ông Sơn (anh trai của một lãnh đạo huyện này) mua.
Tại báo cáo số 146/BC-HKL của Hạt kiểm lâm huyện Bá Thước được Hạt trưởng Lê Duy Ngợi ký ngày 5/12/2019 gửi Chi cục kiểm lâm đã thừa nhận: Có tới 21 cây gỗ lim bị đốn hạ và đưa ra khỏi hiện trường. Số gỗ lim này thuộc lô 21, khoảnh 4, tiểu khu 290 nằm lẫn trong rừng luồng của gia đình ông Hà Đức Tính, nguyên cán bộ Cty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc. Số gỗ này được ông Nguyễn Thành Sơn (anh ruột của một lãnh đạo huyện Bá Thước) thu mua.
Cũng tại báo cáo nói trên, Hạt kiểm lâm Bá Thước chỉ ghi nhận đường kính gốc của 21 cây lim chỉ dao động trong mức từ 35-50cm, một cây gỗ trám có đường kính 45cm, tổng khối lượng khoảng 11,222m3. Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường chúng tôi mục sở thị thì hầu hết các cây gỗ quý này đều có đường kính từ 60-96cm, thậm chí có những cây đường kính gốc lên đến hơn 1m. Chỉ tạm tính theo biểu tính thể tích cây đứng theo cấp chiều cao cấp VI là cấp thấp nhất đối với 11 gốc gỗ lớn trong tổng hơn 21 gốc chúng tôi đo đạc tại hiện trường đã cho thấy khối lượng gỗ lên tới khoảng 60m3 (bỏ vỏ).
Như vậy, khối lượng gỗ lấy ra khỏi rừng là lớn hơn rất nhiều so với báo cáo của Hạt kiểm lâm Bá Thước gửi cơ quan chức năng. Hạt kiểm lâm Bá Thước cho rằng: Toàn bộ số gỗ lim nói trên là do gia đình ông Tính trồng, bảo vệ từ năm 1995 đến nay. Song, đơn vị này dựa trên tường trình của ông Tính để đưa ra quan điểm như vậy là thiếu thuyết phục. Trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm phải nắm bắt chặt chẽ từng lô khoảnh, khối lượng gỗ, bảo vệ rừng, đặc biệt đối với những loại gỗ rừng thuộc nhóm quý hiếm.
Việc để một khối lượng lớn gỗ lim bị đốn hạ, đưa ra khỏi rừng sau hàng chục ngày, kiểm lâm mới đi kiểm tra cho thấy: Trình độ, năng lực của những người thực thi nhiệm vụ quá yếu kém, hoặc có dấu hiệu nhắm mắt làm ngơ để mặc những cây gỗ lim quý giá bị chặt hạ. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương huyện Bá Thước cũng chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần phải được xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, chúng tôi tham khảo nghiệp vụ của chính một số cán bộ chuyên môn ngành kiểm lâm, những người này đều nhận định: Việc Hạt kiểm lâm Bá Thước cho rằng 21 cây gỗ lim bị đốn hạ trong rừng luồng của gia đình ông Tính là gỗ trồng vào năm 1995 thì không thể có đường kính lớn như vậy được. Gỗ lim là loài chậm phát triển, do đó, nếu trồng vào năm 1995 thì đến nay mới chỉ có phần... rác mà chưa có lõi.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Đại Đoàn Kết về nội dung nêu trên, Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Đối với vụ đốn hạ gỗ lim tại Bá Thước, mặc dù thẩm quyền xử lý vụ việc bước đầu thuộc về ngành kiểm lâm nhưng khi nghe thông tin, chính ông Oanh đã giao nhiệm vụ cho các điều tra viên lên tận hiện trường xác minh. Đại tá Khương Duy Oanh khẳng định: “Tôi cho rằng vì tính chất các vụ việc lên quan đến rừng, hiện nay đang rất nóng. Hiện nay, căn cứ thẩm quyền, vụ việc đang được giao cho Công an huyện Bá Thước xử lý theo dạng tin tố giác tội phạm. Tính chất, mức độ vi phạm tới đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đó”.