Chống rét cho vật nuôi, cây trồng
Tuần đầu năm mới 2020, nhiệt độ các tỉnh miền núi phía Bắc xuống thấp. Cũng như mọi năm, đây là thời điểm rét đậm, rét hại, vì thế việc chống rét, sương muối cho vật nuôi, cây trồng để bảo vệ sản xuất cần được tăng cường.
Tăng cường thức ăn khô cho trâu những ngày rét.
Tại huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, mùa rét năm nay chính quyền đã chủ động lên kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân. Khi thời tiết xuống mức 13 độ C, để bảo vệ tốt đàn vật nuôi, UBND huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng phối hợp với các địa phương triển khai phương án chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.
Nghĩa Hưng là một trong xã trong huyện Nghĩa Đàn có đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh, với tổng đàn trâu, bò trên 1.500 con, đàn gà gia cầm khoảng 65 ngàn con. Để chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, Ủy ban Nhân dân xã đã tập trung chỉ đạo các xóm triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm; trong đó có việc tăng cường lượng thức ăn cho vật nuôi và che chắn cẩn thận chuồng trại.
Người dân trong xã cho biết, bà con thường xuyên được chính quyền xã tuyên truyền về diễn biến thời tiết rét đậm sẽ còn kéo dài. Do đó, mọi nhà đều chủ động che chắn chuồng trại, lót nền bằng rơm cho đàn trâu, bò và bổ sung nguồn thức ăn, các chất dinh dưỡng, bảo đảm đàn trâu, bò không bị đói rét, kể cả trong những đợt rét đậm kéo dài. Ở xóm Tân Thọ (xã Nghĩa Thọ), bà con bảo nhau đưa đàn trâu, bò từ bãi thả về nuôi nhốt tại nhà. Từ đó đàn gia súc được bảo vệ tốt.
Làm chuồng trại che chắn gió rét cho trâu bò.
Với Hà Giang, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này chính quyền lại đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức cho bà con phòng chống rét cho vật nuôi, cây trồng. Vào những ngày nắng ấm, đàn gia súc của bà con nông dân ở các huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn thường được chăn thả trên đồi, núi. Nhưng khi nhiệt độ giảm sâu, đàn trâu, bò đã được người dân nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, gia súc được ăn no cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
Cụ thể, tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), ngay từ những ngày đầu mùa đông, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng, chống rét cho đàn gia súc trên địa bàn. Đặc biệt, bà con đã dựng chuồng để nuôi nhốt gia súc. Vì vậy, 100% hộ chăn nuôi gia súc đều có chuồng trại và đủ khả năng che chắn, giữ ấm cho gia súc. Bà con còn dự trữ thức ăn tinh, dự trữ cỏ và sử dụng biện pháp ủ chua, tiến hành nuôi nhốt trâu bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đáng chú ý, cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên đến các hộ kiểm tra, đôn đốc việc dọn vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.
Để bảo đảm đàn gia súc, gia cầm không bị tác động xấu qua những đợt rét kéo dài, Ủy ban Nhân dân các huyện trong tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn và phòng chống đói rét cho gia súc. Mỗi gia đình phải dự trữ cho một con trâu, bò từ 1 đến 1,2 tấn thức ăn thô, xanh; 30 đến 35 kg thức ăn tinh (bột ngô, bột sắn, cám gạo) và có chuồng trại kiên cố đảm bảo phòng chống đói rét cho gia súc.
Tại Lạng Sơn, việc phòng chống rét và sương muối cho vật nuôi được coi là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp trong mùa đông xuân. Được tuyên truyền, vận động, bà con đã khẩn trương phòng chống rét cho vật nuôi, nhiều hộ nông dân đã tích cực dự trữ thức ăn; sửa chữa, che chắn cũng như tăng cường vệ sinh chuồng trại. Tại những xã người dân có thói quen chăn thả tự do, thì vào những đợt rét đã chủ động dựng chuồng, lùa đàn gia súc về nuôi nhốt. Chuồng trại được che chắn kín đáo để tránh gió lùa và giữ được nhiệt độ cần thiết không làm trâu, bò bị ốm. Ban đêm, bà con còn sưởi ấm cho đàn gia súc.
Tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), nơi mùa đông rất lạnh, chính quyền địa phương đã chủ động lên kế hoạch phòng chống rét cho vật nuôi ngay từ rất sớm. Đến nay, 100% hộ có trâu bò ở xã đều đã che chắn chuồng trại cẩn thận, chủ động lùa gia súc trên nương, rừng về nhà. Bà con còn trồng thêm cỏ voi và tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng cho trâu bò trong những ngày giá buốt.
Được biết, Lạng Sơn có khoảng 125.000 con trâu bò. Vì thế việc chống rét, bảo vệ đàn gia súc rất được tỉnh quan tâm. Không chỉ giữ ấm, tăng cường lượng thức ăn mà chính quyền còn hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con về một số loại bệnh mà gia súc dễ mắc phải trong những ngày rét. Đó là bệnh cước chân, sưng phù, trường hợp bệnh nặng là chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng. Khi đó, bà con cần báo ngay cho thú y viên cơ sở để có biện pháp điều trị phù hợp.
Bắc Giang cũng là tỉnh có số lượng gia súc, gia cầm lớn. Tại các địa phương miền núi trong tỉnh, việc chống rét cho vật nuôi cũng đã được triển khai từ rất sớm. Tại huyện miền núi Yên thế, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để bà con chống rét cho đàn trâu bò bằng những biện pháp như: Chủ động thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua (rơm ủ xanh; dây khoai lang; ngọn, lá sắn; thân, lá chuối; dây lạc; thân, lá ngô ủ chua ngay sau khi thu hoạch,...), thức ăn phơi khô (rơm, rạ, cỏ khô, bột lá rau các loại...) ngay từ đầu mùa đông. Tới thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm của huyện Yên Thế vẫn bảo đảm mạnh khỏe.
Nhìn chung, với các tỉnh miền núi phía Bắc, năm nay công tác phòng chống rét cho vật nuôi, cây trồng được triển khai sớm, thu được kết quả tốt.