Xã nông thôn mới loay hoay với... rác
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ cách đây mấy năm nhưng đến đầu năm 2020 này, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng-Nam Định) vẫn đang trong tình trạng rác thải không được thu gom, xử lý tập trung. Rác, do vậy được vứt kín sông, ngập vệ đường. Vì sao lại có nghịch lý này ở xã đạt chuẩn nông thôn mới?
Rác thải ngập sông ở xã nông thôn mới Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng-Nam Định).
Có mặt tại đoạn sông chạy qua địa bàn xóm 6, cách trụ sở UBND xã Nghĩa Trung không xa, PV chứng kiến rác thải, bèo tây ken kín mặt sông; lấp kín miệng cống, mọi hoạt động lưu thông ở đây đều bị ngưng trệ. Ở nhiều địa bàn thôn, xóm khác của xã nông thôn mới Nghĩa Trung, PV cũng ghi nhận rác thải sinh hoạt không được thu gom mà được vứt bừa bãi ở lòng kênh, mương, vệ đường...
Theo người dân địa phương, sở dĩ có tình trạng trên là thời gian qua xã không còn duy trì được các đội thu gom rác; các gia đình ở đây phải tự xử lý rác thải của gia đình mình “tiện đâu vứt đó”. Khổ nhất, theo bà con xóm 6 trong xóm có một hộ giết mổ trâu bò, lâu nay rác không được thu gom nên toàn bộ phế thải của lò mổ được chủ lò mang ra sông vứt, khiến môi trường vốn đã ô nhiễm càng ô nhiễm nặng hơn...
Liên quan đến việc này, tại trụ sở xã Nghĩa Trung, thông tin với PV, ông Trần Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận cả xã đang “đau đầu” với rác thải. Ông cho biết, xã Nghĩa Trung có 9.000 nhân khẩu, 12 xóm và 2 khu phố, mỗi ngày cả xã thải ra khoảng 2-3 tấn rác thải sinh hoạt. Để giải quyết vấn đề rác thải, trước đây xã đã dành một khu đất thuộc địa bàn xóm 8, xóm 11 làm nơi tập trung, chôn lấp rác thải. Xã cũng thành lập các đội thu gom để đảm nhiệm việc thu gom rác thải sinh hoạt của cả xã về đây chôn lấp. Tuy nhiên, theo thời gian bãi chôn lấp này dần bị đầy. Tháng 7-2016, cơn bão số 1 ập vào khiến hệ thống tường bao của khu chôn lấp này bị đổ, rác tràn ra ngoài, phát sinh ô nhiễm, người dân xóm 8, xóm 11 phản đối, không cho xã tập kết rác về chôn lấp tại đây, kéo theo nhiều hệ lụy.
Trước tình thế này, hướng tới mục đích xử lý triệt để hơn vấn đề rác thải trên địa bàn, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp đất, từ năm 2017 xã triển khai dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ lò đốt tại vị trí đất nằm ven đê sông Đáy, thuộc địa bàn xóm 1. Qua khảo sát, tính toán, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện và chính quyền xã nhận thấy chỉ có vị trí trên là phù hợp nhất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Trung, quá trình triển khai dự án xây dựng lò đốt rác vấp phải sự phản đối của một số người dân ở xóm 1 và xóm 7. Người dân ở đây cho rằng vị trí xây dựng khu xử lý rác nằm gần khu nghĩa địa, không quá xa khu dân cư; phía dưới, ở xã Nghĩa Sơn liền kề có một nhà máy nước sạch, việc đặt khu xử lý rác thải tại đây có thể làm nguồn nước bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết, trước những lo ngại của người dân, xã đã tập trung làm công tác tuyên truyền, giải thích; đặc biệt đã tổ chức cho người dân đi tham quan, tìm hiểu hiệu quả thực tế mô hình lò đốt rác xã dự kiến sẽ xây dựng tại xã Hồng Phong (Vũ Thư-Thái Bình). Khi được chứng kiến hiệu quả thực tế, hầu hết người dân từ chỗ phản đối đã thể hiện sự tin tưởng, đồng thuận. Tuy nhiên, đến nay theo ông Trung vẫn còn 2 hộ dân chưa đồng thuận, với lý do khoảng cách từ nhà 2 hộ này đến khu lò đốt rác không đảm bảo đúng từ 500m trở lên, như quy định. Đây là lý do chính dẫn đến việc dự án xây dựng khu xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt của xã Nghĩa Trung phải ngưng trệ suốt mấy năm qua.
Khu chôn lấp cũ đã đầy, không thể tiếp tục tập trung rác; khu xử lý rác mới chưa được xây dựng... Đó là lý do khiến cho lòng sông, vệ đường ở xã Nghĩa Trung luôn trong tình trạng ngập rác.