Xin thoát nghèo
Hàng năm, tại các địa phương thường diễn ra các cuộc bình xét hộ nghèo, cận nghèo để Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho họ. Tất nhiên, những quy định về tiêu chuẩn thế nào là hộ nghèo, hộ cận nghèo đều đã có, nhưng không phải cứ ai trong danh sách nghèo đã nghèo và ai được đưa ra là đã thoát nghèo. Thực tế không ít nơi bình xét theo cảm tính, mưu đồ lợi ích cá nhân, vun vén cho người thân, họ hàng... khiến một chính sách đúng đắn của Nhà nước không đến được với người nghèo thật sự.
Trong những năm qua, có không ít cán bộ xã ở một số địa phương đã hồn nhiên đưa gia đình, người thân của họ vào danh sách hộ nghèo, dù cuộc sống khá sung túc. Điển hình như trường hợp vợ của phó bí thư đảng ủy một xã ở Cà Mau và nhiều người là cán bộ, người thân cán bộ ở xã này đều có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Để hợp thức hóa hộ nghèo cho vợ của phó bí thư, người ta đã “chuyển hộ khẩu” của bà này từ xóm này sang xóm khác để “làm con” một gia đình không có quan hệ họ hàng gì. Tất nhiên sau đó sự việc bại lộ, tên bà này đã bị xóa khỏi danh sách hộ nghèo.
Hay như trường hợp hàng loạt cán bộ xã ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã bị xử lý kỷ luật vì đưa mẹ, vợ, con... vào diện hộ nghèo trái quy định. Có tới 153 khẩu không nghèo được “ghép nhầm” vào hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo. Các đối tượng này hầu hết đều là người thân, bà con của lãnh đạo, cán bộ xã. Theo đó, Huyện ủy Bố Trạch đã thi hành kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo tới cách chức hàng loạt cán bộ xã, trong đó chủ tịch xã bị cách chức vì đưa vợ vào hộ nghèo.
Chính bởi sự tư lợi, ích kỷ nên ở nhiều nơi việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo diễn ra không khách quan, công tâm, người nghèo thực sự thì không được hưởng, trong khi nhiều người “có của ăn của để” lại “thành” hộ nghèo. Thực trạng trên không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội, mà còn khiến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không đến được với những gia đình nghèo, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Điều này dẫn đến nghịch lý là Nhà nước hàng năm vẫn phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để hỗ trợ hộ nghèo, trong khi những người thực sự cần lại không được hưởng.
Do có quá nhiều người cạnh tranh “suất nghèo” trong khi số lượng hộ nghèo tại một địa phương chỉ có hạn do bị khống chế số lượng nên một số người dù còn rất nghèo vẫn phải chủ động “xin thoát nghèo” để nhường suất cho những người khó khăn hơn. Hành động của họ không phải là sự dỗi hờn, mà nó xuất phát từ những trái tim ấm nóng, từ sự cảm thông những cảnh ngộ như mình, thậm chí còn khổ hơn mình. Đó là những hành động cao đẹp, đáng quý, đáng trân trọng và cần được tôn vinh.
Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tư, 85 tuổi, ở ấp Phú Yên (xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang), mặc dù hoàn cảnh còn nghèo nhưng mới đây ông vẫn xin xã xóa khỏi danh sách hộ nghèo để dành suất cho những trường hợp còn khó khăn hơn ông. Lý do xin xã cho “thoát nghèo” của ông Tư là vì bức xúc nhiều người lành lặn và còn sức lao động nhưng vẫn xin vào hộ nghèo. Quyết định của ông lão U90 đã khiến chính quyền địa phương bất ngờ, bởi ông Tư thuộc diện hộ nghèo nhiều năm qua của xã.
Hay như cách đây vài tháng, cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở thôn Lương Thiện (xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, Thanh Hóa) đã tự đạp xe lên UBND xã xin “thoát nghèo”. Bà Mơ có 11 người con (10 con đẻ và 1 con nuôi), chồng đã mất nên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Hàng ngày, dù đã U90 bà Mơ vẫn tự trồng rau, nuôi gà đem ra chợ bán lấy tiền mưu sinh. Do vậy, bà Mơ thuộc diện hộ nghèo, được hưởng một số chế độ, chính sách của Nhà nước như hỗ trợ tiền điện hàng tháng, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế... Song, thấy bản thân vẫn còn sức khỏe nên bà Mơ chủ động “xin thoát nghèo”.
Trong khi hàng loạt cán bộ xã bị Huyện ủy Bố Trạch kỷ luật vì “nhận vơ” hộ nghèo, thì một phụ nữ tại xã Phúc Trạch lại làm gương gửi đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vì con đã xin được việc làm. Sau đó, đã có 14 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) theo gương nộp đơn “xin thoát nghèo”. Trong số 14 hộ này, có 6 hộ là đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đang sinh sống tại xã Trọng Hóa, 3 hộ người Chứt và 5 hộ người Kinh ở các xã Thượng Hóa, Hồng Hóa, Hóa Tiến, Minh Hóa. Có những hộ đang là hộ nghèo xin lên hộ cận nghèo, hộ đang cận nghèo xin được thoát nghèo...
Đưa ra những trường hợp người dân “xin thoát nghèo” để thấy được tấm lòng cao cả, đẹp đẽ, vô cùng đáng quý của họ, bên cạnh sự vụ lợi, ích kỷ, nhăm nhăm trục lợi của không ít cán bộ xã, thôn ở một số địa phương, mới thấy sự tương phản gay gắt làm sao. Đến những người còn đang nghèo còn chủ động xin thoát nghèo để nhường lại suất cho những hoàn cảnh khó khăn hơn, trong khi các cán bộ, người nhà cán bộ có cuộc sống dư giả lại luôn nghĩ cách để được hưởng chế độ hộ nghèo. Những người này đã bị lợi ích vật chất che lấp không giữ được sự tự trọng cần có của một con người.