Hy vọng sân khấu Việt sẽ chuyển mình

Minh Sơn (thực hiện) 07/02/2020 08:00

Năm 2020 được xem là năm “bản lề” của sân khấu Việt Nam đòi hỏi những người nghệ sĩ phải nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới để chinh phục khán giả. Xung quanh vấn đề này, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có trao đổi nhằm đổi mới nền sân khấu nước nhà.

Hy vọng sân khấu Việt sẽ chuyển mình

NSND Thúy Mùi.

PV: Thưa bà, nhìn lại quá trình phát triển của sân khấu Việt Nam trong những năm qua, chúng ta đang gặp phải những thách thức, khó khăn gì?

NSND Thúy Mùi: Không thể phủ nhận sân khấu Việt Nam trong những năm qua đang có quá nhiều khó khăn. Sân khấu “tối tăm” tới mức độ tất cả các giá trị của các tác phẩm không tìm thấy cái gì mới, tầm cỡ. Các đơn vị sân khấu hiện nay đang hoạt động theo phong trào là hoàn thành kế hoạch. Nhà nước cung cấp ngân sách 3 vở thì dựng 3 vở và “muốn trời, muốn bể” như thế nào cũng được. Chính vì vậy, nếu như để hoàn thành kế hoạch như hiện nay không thể phủ nhận chỉ cần 1 người cũng có thể chi huy cả 10 đoàn nghệ thuật. Bên cạnh đó, sân khấu hiện nay đang đuối và “âm lịch” khi không bắt kịp với sự phát triển của công nghệ. Đơn cử, trong khi điện ảnh, phim truyền hình đang bắt kịp và phát triển tốt nhờ công nghệ. Và một trong những tác nhân tạo ra sự thành công và phát triển của điện ảnh, phim truyền hình lại chính là các nghệ sĩ sân khấu. Từ đó, có một nghịch lý là các nghệ sĩ sân khấu lại được tôn vinh ở các giải thưởng, lĩnh vực nghệ thuật khác mà lĩnh vực của họ lại bị bỏ quên. Chính vì vậy chúng ta cần phải thay đổi tư duy, cách làm mới có thể đổi mới được cách vận hành “cũ kỹ” của sân khấu hiện nay.

Phải chăng sự thụt lùi này là do sân khấu đang thiếu khán giả và ngược lại?

- Từ khi tôi còn ở một đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, tôi đã trăn trở và bàn với các lãnh đạo thành phố cho chúng tôi thực hiện đề án xây dựng khán giả cho tương lai ở từng thể loại sân khấu như tuồng, chèo, cải lương hay kịch nói… Chúng ta mới chú trọng tới nâng cao chất lượng nghệ thuật các tác phẩm sân khấu mà chưa suy nghĩ làm thế nào để mở rộng, nuôi dưỡng tình yêu của khán giả đối với các loại hình sân khấu. Bởi thực tế, chỉ có vở diễn hay mới có thể làm khán giả quay trở lại với sân khấu. Khi khán giả quay lại, nghệ sĩ mới sống được với nghề. Về lý thuyết là vậy, song để có được tác phẩm hay, phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng kịch bản, kinh phí để dàn dựng, để quảng bá… Vì thế, với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là hỗ trợ về mặt định hướng, chuyên môn sẽ có nhiều việc để làm. Hiện nay một trong những đối tượng khán giả tiềm năng và là tương lai của sân khấu đó là thiếu nhi đang rất “hổng” cần được bù đắp. Chính vì vậy, chúng tôi đang rất nỗ lực việc thực hiện đề án giới thiệu nghệ thuật truyền thống thông qua hình thức biểu diễn, giới thiệu và phân tích trực quan dành cho học sinh trong các trường đang được xúc tiến hoàn thiện. Tôi tin rằng khi đề án được duyệt và triển khai sẽ tạo nên nhiều thay đổi đối với cả nghệ sĩ và khán giả nhỏ tuổi.

Hy vọng sân khấu Việt sẽ chuyển mình - 1

Sân khấu đang cần có một cú hích để lấy lại vị trí trong lòng khán giả.

Thực tế sân khấu Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn quẩn quanh việc giải bài toán kinh tế để phát triển, chúng ta cần có hướng đi nào để giải quyết vấn đề này?

- Để sân khấu Việt Nam có thể phát triển, chúng ta không thể mãi phụ thuộc vào những nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà cần có sự kết nối với các tổ chức, các Mạnh thường quân. Từ nguồn kinh phí này chúng ta sẽ làm được những chương trình lớn để đưa khán giả quan tâm trở lại với sân khấu. Tuy nhiên, hiện nay rất khó để tìm được người sẵn sàng hỗ trợ cho nghệ thuật. Bởi những người làm kinh tế thường ưu tiên hỗ trợ cho những điều góp phần “nâng cánh” cho công việc của chính họ, tức là họ ưu tiên đầu tư cho những việc đem lại sản phẩm hiện hữu. Còn với nghệ thuật là những sản phẩm không hiện hữu thì việc xã hội hóa không đơn giản. Đầu tư cho nghệ thuật là làm lợi cho xã hội chứ bản thân doanh nghiệp ít thấy có lợi trực tiếp từ việc này. Đây là việc không đơn giản, khó có thể thực thi trong một thời gian ngắn nhưng tôi tin nếu quyết tâm sẽ dần dần tạo ra những thay đổi.

Những liên hoan, hội diễn, cuộc thi sân khấu trong những năm qua luôn được đánh giá chỉ là nhưng “sân chơi” nội bộ của người trong nghề. Bà có kế hoạch gì để chuyên nghiệp hóa, thay đổi những “lối mòn” này?

- Đúng là việc tổ chức các liên hoan, cuộc thi, nhất là của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong thời gian tới tính toán lại, thật kỹ lưỡng để có thể tạo ra được cú hích cho nghệ thuật thì mới làm. Ở đó, việc khen thưởng và tôn vinh đúng người, đúng tầm mức đối với các nghệ sĩ sẽ tạo được động lực tốt cho người làm nghề. Sân khấu có nhiều giải thưởng, bằng khen nhưng các giải thưởng của sân khấu lại không có sức nặng và sự lan tỏa gây ảnh hưởng lớn như giải thưởng điện ảnh, truyền hình. Theo tôi để làm được điều này bên cạnh yếu tố tư duy của lãnh đạo có đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi và huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa thật tốt. Đặc biệt, một yếu tố có vai trò tiên quyết là có hội đồng nghệ thuật công tâm, uy tín để tôn vinh đúng người, đúng nhân vật để cho người làm nghề và công chúng “tâm phục khẩu phục”. Hy vọng với nỗ lực không ngừng của từng cá nhân, đơn vị nghệ thuật... sân khấu trong 2020 và những năm tới sẽ có những bước chuyển mình tích cực.

Xin cảm ơn bà!

Minh Sơn (thực hiện)