Đối phó dịch nCoV: Chủ động dạy và học trực tuyến
Trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch nCoV, nhiều trường đã lên phương án dạy học trực tuyến qua mạng internet nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh. Đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp trong tình hình một số địa phương thông báo kéo dài thời gian nghỉ lên tới 16 ngày.
Giáo viên thông báo, nhắc nhở học sinh ôn tập trong tuần nghỉ phòng, chống dịch.
Ở Trường Vinschool (Hà Nội), khi học sinh tất cả các cấp học có thông báo nghỉ, phụ huynh cũng được thông báo luôn kế hoạch “học online” của con. Trong thời gian nghỉ, giáo viên chủ nhiệm phải tổng hợp kế hoạch học tập trong tuần cùng bài tập ôn luyện kiến thức đăng tải trên ứng dụng “Vinschool Parents” để cha mẹ hướng dẫn con chủ động nghiên cứu tài liệu, học tập tại nhà.
Cùng với thông báo nghỉ học một tuần, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thông tin: “Học sinh chuẩn bị tâm thế để nhận nhiệm vụ học tập qua Office 365”. Theo một giáo viên của trường, đây là phần mềm có thể quản lý việc dạy học gián tiếp, đặc biệt là kiểm soát việc tự học của học sinh. Cụ thể như giao nhiệm vụ học tập (bài tập, nội dung luyện tập), kiểm soát kết quả tự học của học sinh, chấm điểm và thông tin kết quả cho học sinh. Giáo viên có thể tương tác, trao đổi, hướng dẫn kiến thức cho học sinh qua mạng, thích hợp áp dụng trong thời gian nghỉ phòng dịch nCoV hiện nay để học sinh không “quá nhàn rỗi mà quên kiến thức”.
Ông Hà Xuân Nhâm- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, trong một tuần học sinh không đến trường, thực chất sẽ vẫn học tập qua ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên bộ môn kết hợp với giáo viên chủ nhiệm để giao việc cho học sinh ở tất cả các môn học, tương ứng với yêu cầu học tập ở thời điểm hiện tại. “Giáo viên theo dõi được tiến độ tự học, kết quả, chất lượng học tập tại nhà của học sinh. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng khuyến khích giáo viên sử dụng Facetime trực tiếp qua Skype với các nhóm/lớp học sinh khi cần thiết nhằm đảm bảo việc dạy học không đứt đoạn, tránh được hậu quả sụt giảm động lực và chất lượng giáo dục sau đợt nghỉ dài vì nCoV”- ông Nhâm nói.
Trường Wellspring tăng cường các kênh dạy học và tương tác online đã được sử dụng song song với dạy học trực tiếp thời gian qua như Google Classroom, Google Site, Class Dojo, Microsoft Office 365 teams, Quizizz, Facebook social, Learning Kahoot... Những kênh học tập trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin này cho phép học sinh ở nhà vẫn có thể nhận nhiệm vụ học tập, được hướng dẫn, tương tác, cung cấp kiến thức.
Việc sử dụng công nghệ đã trở thành một phần kỹ năng hằng ngày của học sinh. Khi tạm dừng việc dạy học để phòng ngừa lây lan nCoV, trường đã phản ứng nhanh, tiến hành đồng bộ trên diện rộng và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh.
Một trường Tiểu học ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã thông báo tới toàn thể phụ huynh, trong đợt nghỉ học để phòng dịch từ virus nCoV, học sinh có thể sẽ được ôn tập kiến thức qua các bài tập online. Từ tuần trước, hơn 120 giáo viên của trường đã liên tục được tập huấn và cập nhật các bài giảng lên hệ thống. Hàng ngày, giáo viên vẫn phải đến trường chuẩn bị bài giảng, trực để giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh liên quan đến bài học. Giáo viên sẽ kiểm tra bài của từng học sinh.
Tại nhiều trường công lập, các giáo viên đã chủ động giao bài cho học sinh qua các phần mềm dạy học, thậm chí cả qua Facebook và Zalo. Trên các nhóm, diễn đàn của lớp, trường, các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin về phòng chống dịch bệnh, bên cạnh đó còn hướng dẫn học sinh có thể củng cố kiến thức tại nhà, live stream trên Facebook để học sinh theo dõi sửa bài…
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị học trực tuyến đã quyết định mở cổng học trực tuyến miễn phí cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 11 và không bị hạn chế số lượng môn học. Đây cũng là cách để cha mẹ học sinh và nhà trường đánh giá sự tự chủ và kỹ năng tự học của các con.