Đoàn kết và 'phản ứng chiến lược' chống lại nCoV

Đình Tú 07/02/2020 23:00

“Một lần nữa, chúng ta không thể đánh bại sự bùng phát của dịch bệnh này nếu như không có sự đoàn kết - đoàn kết về chính trị, đoàn kết về kỹ thuật và đoàn kết về tài chính. Đồng thời chúng tôi đang triển khai kế hoạch chuẩn bị và phản ứng chiến lược nhằm chống lại nCoV”.

Đoàn kết và 'phản ứng chiến lược' chống lại nCoV

Trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - nhấn mạnh khi nói về vai trò của tổ chức này trong việc đoàn kết toàn cầu đối phó với đại dịch do virus corona gây ra đang hiện diện ở 28 nước trên toàn cầu.

4 nội dung trong phiên họp khẩn cấp

Theo các thông báo chính thức từ WHO, kế hoạch triệu tập một phiên họp kéo dài 2 ngày, từ 11-12/2 tới để thảo luận về các biện pháp ứng phó với sự bùng phát của dịch virus corona, tại Geneva (Thụy Sĩ).

Phiên họp được triệu tập từ phía WHO với sự hợp tác chặt chẽ của Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Theo WHO, phiên họp khẩn cấp sẽ có đại diện các quốc gia trên toàn thế giới nhất là các quốc gia đang phải đối mặt với đại dịch trong đó bao gồm các nhà khoa học hàng đầu, các cơ quan y tế công cộng, các bộ chăm sóc sức khỏe và các nhà tài trợ nghiên cứu về virus corona.

Một trong những nội dung quan trọng nhất mà WHO đưa ra trong phiên họp khẩn cấp phát triển vắc-xin, trị liệu và chẩn đoán vì sức khỏe cộng đồng.

“Cuộc họp dự kiến sẽ tạo ra một chương trình nghiên cứu toàn cầu về virus Corona mới, thiết lập các ưu tiên và khuôn khổ dự án nào được thực hiện ưu tiên”- đại diện của WHO nói hôm 7/2 khi gửi thư mời tham dự họp đến các quốc gia.

Theo TS Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của WHO - để thực hiện được mục đích trên, những người tham gia sẽ thảo luận về một số lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm xác định nguồn gốc của virus corona cũng như chia sẻ các mẫu sinh học và trình tự di truyền.

Vẫn theo TS Swaminathan, cuộc họp sẽ “khai thông một điểm nghẽn” chính trong việc toàn cầu chung tay chống dịch là trong phiên họp, đại diện tham dự cần có sự chia sẻ hiểu về bệnh, các ổ chứa, lây truyền, mức độ nghiêm trọng lâm sàng… Từ đó, các nhà khoa học nhất là khoa học y tế có thêm cơ sở để phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả là rất quan trọng để kiểm soát ổ dịch, giảm tử vong và giảm thiểu tác động kinh tế.

Cần ít nhất 675 triệu USD

Trong lời kêu gọi tổ chức phiên họp, ngoài việc đề nghị các quốc gia cử đại diện tham dự, WHO cũng kêu gọi sự hợp tác tài chính từ các nước thành viên. Dự báo của WHO cho thấy, trong vòng 3 tháng tới, các nước sẽ cần tới một khoản tiền lên tới 675 triệu USD để có thể chống lại sự bùng phát của dịch virus corona chủng mới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Để triển khai kế hoạch chuẩn bị và phản ứng chiến lược tài trợ và hỗ trợ các nước ngăn chặn, phát hiện và chuẩn đoán các ca nhiễm bệnh thì số tiền trên là cần thiết”.

Ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh vấn đề “đoàn kết tài chính” của các quốc gia trong nỗ lực chống dịch việc làm cần thiết nhất trong lúc này. “675 triệu USD là một khoản tiền lớn, song vẫn thấp hơn nhiều so với số tiền phải chi trả nếu như chúng ta không đầu tư cho sự sẵn sàng” vào thời điểm hiện tại” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định.

Theo kế hoạch dự toán của WHO, sẽ có 60/675 triệu USD được dành cho các hoạt động riêng của WHO và phần còn lại sẽ được hỗ trợ cho các nước đang phải đối mặt với các nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng từ chủng virus nguy hiểm.

Trong một nỗ lực của mình trước khi các quốc gia đóng góp, tính đến thời điểm hiện tại WHO đã gửi 500.000 khẩu trang và 40.000 mặt nạ phòng độc từ kho hàng của tổ chức này đến hầu hết các quốc gia có dịch.

Được biết, trong các khoản quyên góp mà WHO đã nhận được, tổ chức này có sự tài trợ 100 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates phục vụ cho việc thử nghiệm virus, điều trị và nghiên cứu vaccine.

Đình Tú