Du lịch với phép thử mùa dịch
Trước việc bùng phát của virus corona, ngành du lịch đang trực tiếp phải chịu ảnh hưởng nặng nề đặc biệt là trong thời gian cao điểm đầu năm. Tuy nhiên, đây cũng là “phép thử” để các doanh nghiệp du lịch có những giải pháp vững vàng vượt qua mọi thử thách.
Du khách quốc tế đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). ảnh: Quang Vinh.
Giảm sút về lượng khách
Theo Dự thảo kế hoạch ứng phó của ngành du lịch với virus corona của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), trong 3 tháng tới du lịch Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng khá nghiệm trọng. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã hạn chế công dân đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội, các hoạt động tại một số khu di tích, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, các thị trường quốc tế khác đang ngại đến khu vực châu Á. Người dân Việt Nam cũng đang hạn chế đi du lịch... Dự kiến, tổng thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam trong 3 tháng tới vào khoảng 5,9 tỷ USD.
Với những ước tính trên, có thể thấy đây là một kịch bản ngoài ý muốn mà ngành du lịch Việt phải đối mặt ngay trong dịp đầu năm. Bởi ngay từ khi virus corona bùng phát và xuất hiện những ca mắc đầu tiên tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ cung ứng du lịch hay các khách sạn, điểm đến rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” khi số lượng khách hoàn, hủy tour gia tăng theo từng ngày. Đơn cử, tại Hà Nội, lượng khách hủy phòng tính đến thời điểm này đã lên tới hơn 13 nghìn phòng, tương đương hơn 1,6 vạn khách; các hoạt động vận chuyển giảm 30-50%. Thừa Thiên - Huế dù chưa có ca nào mắc bệnh, tuy nhiên virus corona khiến du lịch tỉnh này sụt giảm ít nhất 10%. Khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm 30-40%, còn công suất lưu trú khách sạn chỉ đạt khoảng 30%. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh - địa điểm luôn thu hút một lượng khách lớn đến từ Trung Quốc - đang chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, thường ngày khoảng 12 nghìn khách tham quan vịnh Hạ Long, nay còn 3 nghìn và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Cũng theo các chuyên gia du lịch, từ kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh tương tự từng xảy ra như đại dịch SARS, ngành du lịch sẽ phải mất ít nhất 3 - 4 tháng trong việc thu hút khách và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm biện pháp ứng phó, thích nghi để hạn chế, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thay đổi các mục tiêu, kế hoạch cho phù hợp với thực tế; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, và về lâu dài là cho chính ngành Du lịch. Cũng cần tính tới việc sau khi dịch bệnh lắng xuống, làm thế nào để có thể hoạt động, thu hút khách trở lại một cách tốt nhất.
Vượt khó vươn lên
Trước những khó khăn trên, mới đây tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đối với du lịch Việt Nam” rất nhiều ý kiến cho rằng dù nhiều thách thức nhưng đây cũng là dịp để du lịch Việt có một “phép thử” toàn diện.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trước mắt du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Với các doanh nghiệp du lịch, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm đến phù hợp nhất. Có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của công ty. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. “Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ có những kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam như tiền điện nước, giảm thuế VAT, miễn visa...”- ông Bình cho biết.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Bảo cho biết, hiện tại Quảng Ninh vẫn mở cửa cho khách tham quan vịnh Hạ Long, không thể để các hoạt động ngừng trệ. Chúng ta không nên cấm, dừng triệt để hoạt động ở các điểm không có dịch. Bà Bảo cũng đề xuất, tranh thủ thời điểm vắng khách, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung nâng cấp cơ sở vật chất tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú để nâng cao chất lượng phục vụ. Cần kích cầu du lịch ngay sau khi đẩy lùi được dịch bệnh. Cùng với đó là các hình thức liên kết kích cầu nội địa. Liên kết để giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch, thậm chí giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước...
Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết giảm
Ngày 7/2, Sở Du lịch TPHCM cho biết, lượng khách đặt chương trình du lịch nội địa vào dịp Tết Nguyên đán thông qua các công ty lữ hành trên địa bàn TP HCM tăng khoảng 5 -10% so với ngày thường. Nguyên nhân do xu hướng người dân không còn mặn mà tham gia các chương trình du lịch vào dịp Tết vì tình hình đông đúc, giá cao, các điểm đến, sân bay quá tải...
Cũng theo Sở Du lịch TP, khách quốc tế đến TP HCM trong dịp Tết có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Đối với các thị trường Châu Âu (Pháp, Đức) và Châu Mỹ tăng từ 10 - 15%; thị trường khách du lịch Nhật Bản, Trung Quốc có chiều hướng giảm trong dịp Tết Nguyên đán này. Quốc Định