Không để trẻ em bơ vơ trong môi trường mạng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng trẻ em sử dụng internet đang ngày càng tăng nhanh trong khi cơ cấu độ tuổi trẻ em tiếp cận internet ngày càng giảm.
Thống kê của tổ chức thế giới cho thấy, trẻ từ 3 - 4 tuổi đã tiếp cận với internet, những năm gần đây, độ tuổi 3 - 4 tiếp cận internet tăng gấp 2 lần và tiến bằng so với độ tuổi từ 5 - 10 tuổi. Thời gian truy cập internet ngày càng tăng, trung bình một người dành 6,5 giờ/ngày; trong đó, 2 giờ 30 phút truy cập mạng xã hội. 90% trẻ em cũng truy cập mạng xã hội và các ứng dụng có video. Các kênh truyền thông có lợi nhuận cao nhất là kênh thông tin dành cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Chính vì lẽ đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm mở rộng các dịch vụ kinh doanh game online, các phần mềm trực tuyến dạy học, vừa học vừa chơi... dành cho trẻ em. Nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con những khóa học online trị giá hàng chục triệu đồng sau khi đọc, nghe... những quảng cáo hấp dẫn từ doanh nghiệp. Ích lợi của việc học online nói chung và một số phần mềm trực tuyến uy tín nói riêng là không thể phủ nhận. Song nếu cha mẹ thiếu kiểm tra, giám sát, hoàn toàn phó mặc việc học tập cho con trẻ làm bạn với máy tính/máy điện thoại... thì chắc chắn hại nhiều hơn lợi. Bởi trẻ em vốn rất tò mò với những thứ mới lạ. Khi các con được “toàn quyền” sử dụng những thiết bị hiện đại này mà thiếu sự định hướng, giám sát của người lớn thì khả năng bị sa đà vào những thứ vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm đầy rẫy trên mạng... là rất lớn.
Vì vậy, đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, trước xu hướng phát triển thông tin là tất yếu, với nguồn thông tin phức tạp, đa dạng hơn, việc quản lý các kênh thông tin cho trẻ em vẫn đang là thách thức. Đặc biệt, công nghệ thông tin phát triển cộng với bất cập trong quản lý trang mạng xã hội đang khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em qua mạng có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được xử lý rốt ráo...