Tiếng hát cất lên từ cây lúa
Chẳng mặn mà nhan sắc, chẳng ánh mắt dao cau, cũng chẳng có đôi tay thon nhỏ nuột nà móng hồng móng đỏ, những người nông dân vẫn say mê hát chèo vẫn đến với sân khấu chèo bằng những tình cảm dung dị, mộc mạc, đôi tay sần và làn da nâu rám nắng...
CLB chèo 2 xã Trung Lập, Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Yêu ca hát
Trong cuộc hành trình đến gần hơn với văn hóa xử sở, chúng tôi đã đi xuyên qua địa phận của nhiều làng quê ở Hà Nội. Không khí làng quê thanh bình và dịu dàng. Dường như đó là chuyến đi không chỉ để thưởng ngoạn, ngắm cảnh, mà chính xác là được trở về “mảng hồn làng”. Dù cuộc sống xô bồ, mọi thứ dần trở nên phằng hơn, toàn cầu hóa hơn, thì chưa bao giờ ở các làng quê bị mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có. Đây là làng Hạ, xã Phú Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, một ngôi làng cổ, nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông Nhuệ thao thiết vẫn âm vang và nặng trĩu các gánh hát chèo. Làng chúng tôi đến, không chỉ đẹp với những con đường thẳng tắp, xanh mướt mát, mà còn bởi tình yêu chèo đắm đuối, có cảm giác, như vọng ra từ trong trái tim.
Cuộc sống nông thôn lấm láp, cổ cày vai bừa, quanh năm nắng mưa, khiến nhiều lúc đời sống trở nên ngột ngạt và khô cằn. Xua tan cái không khí ảm đảm đó, những người con làng Hạ đã cùng nhau xây dựng CLB chèo. Tuy chỉ là tự phát, hoặc mang tính chất hoạt động quần chúng, nhưng CLB vẫn có một sức sống mãnh liệt, trở thành mạch nguồn không thể thiếu trong đời sống văn hóa quê nhà. Ai đã từng gặp gỡ hoặc nghe những “nghệ sĩ chân đất” của làng Hạ xướng chèo, hẳn sẽ chẳng bao giờ quên được nụ cười, tiếng hát trầm ấm và trong trẻo của họ. Chúng tôi cứ ấn tượng mãi với màn biểu diễn “ngẫu hứng” của nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh, khi được gặp bà trong một buổi chiều không hẹn trước. Không được đào tạo bài bản, không có kĩ thuật tài tình, bà vẫn được nhiều người đánh giá là một “giọng ca vàng” hiếm có của làng chèo hôm nay. “Tôi có cái may mắn là được góp mặt ngay từ những ngày đầu thành lập CLB. Chúng tôi yêu chèo, yêu đến độ quên ăn để tập hát chèo. Rồi tự nhiên nảy ra ý định phải có một cái gì đó chuyên nghiệp làm nơi sinh hoạt cho mọi người. Thế là CLB chèo của những người già ra đời. Những ngày đầu thành lập, chỉ có vỏn vẹn 20 thành viên, gồm cả già, trẻ, gái, trai. Nhiều tài năng được phát sáng, trở thành “hạt nhân” trong tất cả các hoạt động văn hóa của làng, xã, huyện. Mỗi mùa xuân về, tiếng chèo ngoài sân đình lại ngân lên, như mời gọi thiết tha. Một không khí sôi nổi chưa từng có, ai cũng cảm thấy hạnh phúc, ấm áp...
Là một ngôi làng cổ, Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội luôn nổi tiếng với những CLB chèo. Hôm ấy đến với Trung Lập, chúng tôi không thôi bị ám ảnh bởi phong cảnh một làng quê thanh bình mà dịu dàng quá đỗi. Những cánh đồng mướt mát sắc mạ non, những con đường thơm sạch, và cả những ngôi đình, ngôi chùa cổ kính cứ như được tạo tác từ thủa nào. Mùa xuân đang chạm về đầu ngõ, từ đầu làng đã nghe thấy tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng hát cứ sánh quện, có lúc nghe như dập dìu, có lúc nghe như khoan thai. Trong cuộc sống hằng ngày, khi công việc nhà nông đã ít bận rộn hơn, người nông dân của làng lại cùng nhau cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ấm tình non nước, thủy chung, duyên quê. Họ hát say sưa, nhiệt tình, những người đã lên chức ông chức bà, nhưng không khí trong một canh hát của họ giống như thủa mười tám đôi mươi.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, người có nhiều công đóng góp cho CLB chèo của làng từ những năm 1960 nói: “Cha ông chúng tôi thành lập đoàn chèo của làng từ năm 1936. Ban đầu, chỉ có hát cải lương, sau đó thêm hát tuồng, đến năm 1969 thì chuyển sang hát loại hình nghệ thuật chèo. Thế hệ chúng tôi, giờ ai còn, ai mất, đều lớn lên từ những câu hát chèo như thế, như thế. Tôi thường nói với con cháu rằng, hát chèo không phải đơn thuần là hát, mà phải có ý thức làm cho tiếng hát ngày càng vươn xa, vươn rộng, vì tiếng hát cổ vũ lao động, tiếng hát làm thanh bạch tâm hồn, và tiếng hát khiến cho cuộc đời trở nên đáng sống hơn, nhất là trong một đời sống mới có quá nhiều nỗi lo lắng như bây giờ”.
Mảnh đất nghìn năm văn hiến còn có nhiều làng nông dân đam mê hát chèo. Như cách làng Trung Lập không xa, là làng Nghiêm Xá thuộc xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín). Ngược lên Ba Vì có làng chèo Hậu Trạch, thuộc xã Vạn Thắng. Hay mảnh đất Thạch Thất, quê hương ông vua chèo đất bắc Tào Mạt, có CLB hát chèo Dị Nậu. Rồi làng Thạch Bàn, phường Sài Đồng (huyện Gia Lâm) cũng có CLB hát chèo với lớp học chèo đặc biệt... Tất cả đang góp phần làm nên chất xuân, vị xuân của các làng quê.
Khát vọng bảo tồn
Phải nói thêm một điều rằng, không phải chèo chỉ làm nên chất xuân của những làng quê, mà sâu xa hơn, là góp phần làm nên sức sống văn hóa, góp phần bảo lưu vốn văn hóa quý giá của dân tộc, đất nước. Đồng thời, việc ra đời các CLB Hát chèo và tổ chức thường xuyên, giao lưu thường xuyên đã làm cho văn hóa Thủ đô ngày càng được bồi đắp, truyền nối và tỏa sáng.
Về vấn đề này, NSƯT Minh Thu, người được xem là vừa biểu diễn, vừa hát chèo hay nhất cả nước hiện nay cho rằng: “Chính việc các làng quê tự thành lập CLB, người già truyền dạy cho người trẻ, người trẻ biết phát huy đã nối dài sức sống của chèo. Dù thế nào, hát chèo vẫn là môn nghệ thuật vô cùng quan trọng trong đời sống người dân. Người nông dân ta yêu quê, gắn bó và ao ước sống với nếp làng, nên chèo là món ăn tinh thần có ý nghĩa lớn lao”.
Đồng quan điểm ấy, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bột, Chủ nhiệm CLB Hát chèo Nghiêm Xá (Thường Tín) cho rằng, trong khi nhiều làng quê, chèo đã trở nên xa lạ, thì việc những ngôi làng còn giữ được những nét bình dị, giữ được chèo là điều đáng quý.
Ông Bột nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều biết, chèo không còn được yêu thích trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng người dân chúng tôi thì yêu lắm. Bản thân gia đình chúng tôi, đến đời cháu đã là năm đời gìn giữ các làn điệu chèo cổ. Chúng tôi quyết giữ để một bản sắc văn hóa không bao giờ để hao mòn”.
Cũng như nhiều CLB khác, việc hoạt động thiếu kinh phí. Đa số các thành viên phải tự đóng quỹ, nhưng họ vẫn hăng say hoạt động, giao lưu. Cho dù có những buổi giao lưu được tặng quà, buổi biểu diễn phục vụ sự kiện được trả công, nhưng điều đó chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần.
Ông Nguyễn Văn Quản, thành viên tích cực của CLB Hát chèo Trung Lập (Phú Xuyên) tâm sự: “Dù cuộc sống có vất vả, nhưng chưa bao giờ và chưa khi nào người nông dân như chúng tôi bớt tình yêu với hát chèo. Luôn là những tháng ngày luyện tập gắt gao, những đêm sáng đèn, sáng điện ở sân đình, nhà văn hóa, chỉ với một mong ước nhỏ bé là đưa phong trào văn hóa nghệ thuật lên một mức chuyên nghiệp hơn, đủ sức đáp ứng đời sống, trở thành món ăn tinh thần của người dân trong những lúc nông nhàn, nhọc mệt. Chúng tôi đều là nông dân, nhưng lên sân khấu thì hăng hái lắm. Họ cứ hát tự nhiên, tràn đầy sức sống như trong lao động, sản xuất và chiến đấu vậy”.
Có lẽ, chỉ vài chi tiết, cũng đủ để nói đến sự nhiệt tình của các CLB. Thí dụ như, CLB Hát chèo Trung Lập, các thành viên khẳng định dù cuộc sống còn nghèo, nhưng giàu có tình yêu nghệ thuật. Có thời gian đi tập, thiếu trống, họ phải dùng xoong, bát, hòm xiểng để tập.
Bà Lê Thị Mến, một thành viên tích cực nhớ lại: “Tôi còn nhớ, rất nhớ, ấy là hôm đoàn văn nghệ chúng tôi có một ngày diễn quan trọng, và chỉ còn mấy ngày nữa là tôi đẻ. Lúc đó không tìm đâu ra diễn viên thay thế. Thế là tôi phải lên sân khấu, xin chủ nhiệm đoàn cho tiếp tục diễn, cứ vác cái bụng chửa vượt mặt lên sân khấu. Đó là một đêm diễn thành công của đời tôi với tiết mục “Mâm cỗ ế”. Sau đó chỉ hai ngày, tôi sinh con.
Bây giờ, đi dọc các làng quê ở Hà Nội, vào mùa xuân, du khách không thể rời chân, bởi quà quê là “món chèo” dân dã.Tiếng hát, tiếng đàn đã góp vào không khí xuân tươi mới những làn điệu mơn mởn, thiết tha. Phải chăng, chính bàn tay hay làm, cần cù, chịu khó, với một thái độ sống tích cực, đã làm nên sức sống của những CLB hát chèo nơi các làng quê cổ kính?
Họ - những nghệ sĩ “chân đất” không đến với sân khấu chèo bằng lợi lộc, không đến bằng bạc vàng, mà họ đến bằng tâm thế của người yêu nghệ thuật bằng trái tim mình. Họ khát vọng cống hiến cho nghệ thuật, hát vì tình yêu, hát để cuộc đời nở sắc nở hoa, tiếng hát ấy mạnh đễn mức người ta đến với Trung Lập là nhớ về một ngôi làng có những nông dân yêu đời hết mức.