Có thảm họa nào ngăn cách được thương yêu?
“Mẹ ơi” – cô bé 10 tuổi nghẹn ngào, dang hai tay chờ đón trong khi vẫn xách chiếc cặp lồng cơm. Mẹ cô bé, người run lên nhưng vẫn cố đứng vững, chỉ dám ở xa nhìn mà không dám chào đón vòng tay yêu thương của đứa con đã nhiều ngày xa cách . Người mẹ nói trong nước mắt: “Mẹ đang chống lại con quái vật. Về nhà đi con! Về nhà chờ mẹ. Mẹ sẽ về khi thắng nó!”
Chiếc cặp lồng cơm cô bé đem cho mẹ mình, một nữ y tá tại Bệnh viện Chu Khẩu, Hà Nam (Trung Quốc) được đặt vội xuống thềm sân. Người mẹ chờ con quay đi bước vội đến để nhặt nó lên. Ở bên trong, phía những cánh cửa cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người thân, người sơ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… tất cả cùng bật khóc.
Đây là lúc con phải dấn thân mẹ ơi!
Clip ghi lại những khoảnh khắc của hai mẹ con nữ y tá mang tên “còn thiếu một vòng tay, còn thiếu một cái ôm” một được ghi lại trong “tâm bão” dịch viêm phổi cấp ở Vũ Hán được cộng đồng mạng cả trong và ngoài Trung Quốc chia sẻ. Clip đã và đang tạo thành cơn địa chấn.
Chưa bao giờ, chưa khi nào những hình ảnh dung dị và đời thường gây được xúc động mạnh như thế. Người ta cũng không cần biết đến danh tiếng của nữ y tá đã hơn một tháng trời ngày đêm vật lộn, cứu chữa những bệnh nhân tại Bệnh viện Chu Khẩu. Họ gọi 2 mẹ con chị là “mẹ con thiên thần”.
Trong những ngày này, đội ngũ bác sỹ, y tá, chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân nhiễm virus chủng mới 2019-nCoV trên toàn Trung Quốc cũng đều được gọi bằng cái tên chung “thiên thần” như thế.
Câu chuyện về “mẹ con thiên thần” chưa dứt thì những hình ảnh và tình yêu của Trần Dĩnh, nữ y tá bệnh viện số 4, trực thuộc Đại học Y Chiết Giang (Trung Quốc) cũng đang gây xúc động mạnh trong cơn thảm họa.
Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán, cô Trần và 5 đồng nghiêp nhận thông báo khẩn từ bệnh viện cần quay về nhận nhiệm vụ chống dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona gây ra. Người mẹ cô chỉ biết gạt nước mắt, chuẩn bị đồ cho đứa con gái yêu thương nhất mà chính thâm tâm bà cũng chưa biết liệu có còn gặp lại hay không. Nhỡ ra… Đó là bà nghĩ đến trường hợp xấu nhất nhưng có thể xảy ra. Mẹ cô đã bật khóc khuyên cô không nên mạo hiểm tính mạng. “Con đã chọn nghề này, và đây là lúc con phải dấn thân thôi mẹ”- nữ y tá trẻ chào từ biệt mẹ.
Nữ y tá Trần Dĩnh và chồng chưa cưới hôn nhau qua tấm kính cách ly.
Ngay ngày hôm sau, nữ y tá Trần và những người đồng nghiệp nữ của cô bước vào trận chiến. Họ không còn là những thiếu nữ “má đỏ, môi son, miệng cười như hoa nở” trước dịch, mà là những đồ bảo hộ, trùm kín, người mồ hôi ướt rồi lại khô, toàn thân tê cứng.
Đeo khẩu trang và kính bảo hộ trong khoảng thời gian dài, khuôn mặt của cô Trần chằng chịt những vết hằn trên má và sống mũi. Khi các vết hằn còn chưa hết sau mỗi đêm, cô đã phải tiếp tục công việc vào sáng sớm. Cô chụp tấm hình của mình và gửi về cho chồng sắp cưới. Họ dự định kết hôn vào ngày Lễ tình yêu 14/2 nhưng vì dịch viêm phổi phải hoãn đám cưới.
Chồng tương lai của cô lập tức đến bệnh viện thăm cô. Sớm hôm ấy, anh đến thăm cô. Anh mang theo canh cá và nhiều món ăn nhẹ khác mà người mình yêu vẫn thích.
Gần 2 tuần xa cách, họ gặp nhau qua một lớp kính dày. Họ nói chuyện bằng điện thoại qua lớp kính ấy. Họ hôn nhau qua lớp kính ấy và một lớp khẩu trang chống dịch bịt bùng. Hơi ấm tỏa ra trong trời rét làm mờ tấm kính. Họ hẹn nhau, chờ nhau hết dịch sẽ cùng về.
Trong hàng vạn bình luận về câu chuyện cảm động của nữ y tá Trần và người chồng sắp cưới khi nó xuất hiện công khai, nút “like” đã vô tình chọn ra một lời bình hay nhất: “Có thảm họa nào cách ly được thương - yêu?”.
Và cũng từ những câu chuyện, nó tạo ra động lực cho một cộng đồng gần 1,5 tỷ người đang gồng mình chống dịch mà tâm điểm là đội ngũ “thiên thần”- các bác sỹ trên khắp đất nước Trung Quốc.
“Đến chết, ta vẫn còn nhau”
22h tối, bên trong Bệnh viện Vũ Hán, khu phòng cách ly đèn vẫn sáng. Những bác sỹ và bệnh nhân trong khu vực cách ly vô tình chứng kiến hình ảnh một cặp tình nhân già - cả 2 đều là nạn nhân của “con quái vật” corona.
Cụ ông, khoảng 80 tuổi. Cụ bà, cũng tầm tuổi ấy. Họ nằm ở 2 giường bệnh cạnh nhau, giữa họ là một mớ dây dợ nhằng nhịt hỗ trợ điều trị và để…thở. Cụ ông chăm chú nhìn cụ bà lo lắng khi đôi mắt cụ bà đã khép hờ. Bàn tay gầy guộc của họ nắm lấy tay nhau. Không biết, họ có qua nổi đêm nay?
Đôi vợ chồng 80 tuổi nắm chặt tay nhau khi cùng bị nhiễm virus corona
Cùng với việc chia sẻ hình ảnh này và một đoạn dẫn (caption) ngắn trên mạng xã hội Weibo: “Bên nhau cả đời là cảm giác như thế nào? Hai bệnh nhân 80 tuổi bị nhiễm virus corona đang nói lời tạm biệt trong thầm lặng ở phòng ICU. Đây có lẽ là lần cuối cùng trong đời họ còn nhìn thấy nhau. Nếu có mệnh hệ gì, đến chết họ vẫn còn nhau”.
Cũng trong dịch, một câu chuyện khác về người mẹ già 90 tuổi chăm con trai 64 tuổi nhiễm virus corona mới cũng gây xúc động mạnh. Câu chuyện được một bác sĩ họ Li chia sẻ trên tài khoản Weibo sau đó được đăng tải lại trên Nhật báo đô thị Chutian.
Do thiếu giường bệnh ở bệnh viện, một bà mẹ 90 tuổi đưa con trai bị bệnh tới khu theo dõi trong 5 ngày ở Bệnh viện Liên minh (Vũ Hán). Sau đó con trai bà cụ được chuyển sang khu cách ly và được điều trị thêm tới ngày 2/2.
Trong suốt thời gian chăm sóc con ở khu theo dõi, các y bác sĩ thấy cụ bà ngồi bên giường bệnh, nắm tay con trai. Cụ bà chỉ nghỉ một lát khi thấy mệt và ăn mì khi đói. Tường thuật của Nhật báo đô thị Chutian cho thấy con dâu và cháu trai của bà đang ở nước ngoài còn con gái thì bị kẹt ở nhà.
Cụ bà 90 chăm con bị nhiễm dịch, viết thư động viên con: “Con trai, hãy mạnh mẽ lên”.
Bà cũng sợ con gái bị nhiễm bệnh nên tới bệnh viện một mình để chăm con trai. Bà bảo không sợ bất kỳ điều gì khi bà đã 90 tuổi. Trước khi đi về nhà, cụ bà viết thư để động viên con trai, trong đó viết: “Con trai, hãy mạnh mẽ và đánh bại bệnh tật”.
Câu chuyện xúc động đã làm tan chảy trái tim của nhiều cư dân mạng, nhiều người để lại bình luận: “Tôi đã rơi nước mắt. Hãy an toàn nhé. Chúc người mẹ già và gia đình của bà vượt qua tất cả những khó khăn”; “Già không phải là lý do để không sợ hãi mà đó là tình yêu của người làm mẹ”.
“Cái gì có thể chống lại dịch cúm? Khoa học y tế ư? Đương nhiên! Quyết tâm chính trị và quyết tâm kinh tế ư? Đương nhiên! Đoàn kết toàn cầu ư? Đương nhiên! Nhưng cái gì quan trọng nhất? Đó là những con người đã tạo ra tình yêu và niềm tin vào những điều tốt đẹp”- mạng xã hội những ngày qua lan truyền “thông điệp ấy” ra toàn thế giới.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng hầu hết các chuyên gia vẫn đồng thuận rằng đó chưa phải đại dịch. Theo khuyến cáo của WHO, gọi một dịch bệnh là đại dịch nếu không chính xác, dù là vô tình hay cố ý, sẽ gây hoang mang không cần thiết, thậm chí tổn hại với cộng đồng. Trên thực tế, những ngày qua truyền thông quốc tế chưa dùng tới chữ “đại dịch” mà chỉ dùng từ “dịch bệnh”.