Hành vi thu gom và bán lại khẩu trang y tế sử dụng một lần: Sẽ xử lý nghiêm
“Xuất hiện tình trạng thu gom khẩu trang sử dụng một lần để bán lại. Thậm chí, nhiều nơi quảng cáo và bán dung dịch khử trùng kém chất lượng online. Đây là những hành vi làm giả, làm nhái cần phải xử lý hình sự”- đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tại buổi họp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trước diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCov) gây ra có thể kéo dài và diễn biến phức tạp được Bộ Công thương tổ chức cuối tuần qua.
Khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế… chính thức được miễn thuế nhập khẩu.
Có tình trạng thu gom khẩu trang để bán lại
Dịch nCov có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Dịch bệnh này đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đời sống dân sinh. Nhiều DN đang lâm vào tình thế khó khăn khi nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu hụt vì giao thương bị đình trệ. Các trường học cũng đã phải cho học sinh nghỉ học để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan của dịch bệnh.
Thế nhưng, trong lúc khó khăn hiện nay, lại có những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Tại cuộc họp của Bộ Công thương, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong hơn một tuần qua, Tổng cục đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân. Đặc biệt, ông Linh cảnh báo có hiện tượng, một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần được thu lượm và bán lại. “Nước rửa tay cũng bị làm giả, bán trên mạng rất nhiều. Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự”- ông Linh nhấn mạnh.
Liên quan thực trạng nhiều DN kêu khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất, ông Đặng Hoàng An- Thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng. Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.
Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang kháng khuẩn tăng cường tổ chức sản xuất, tiến hành hợp chuẩn hợp quy.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết trong bối cảnh dịch do virus corona (chủng mới) gây ra diễn biến phức tạp, ngành Công thương đã vào cuộc từ rất sớm. Nhờ vậy, đến nay đã có 6 hệ thống siêu thị lớn đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình xuất khẩu khó khăn. Hiệp hội Logistics đồng tình giảm từ 15-20% cho hệ thống các siêu thị...
Đáng chú ý, theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thương mại điện tử (TMĐT) chính là môi trường dễ bị trục lợi và đã bị các đối tượng lợi dụng để kiếm lợi nhuận từ rất sớm. Cục đã có Công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT xử lý các DN đẩy giá sản phẩm lên cao.
“Các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee… đã xử lý nhiều DN vi phạm đẩy giá sản phẩm, bên cạnh đó, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý”- ông Hải cho hay.
Đối với tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trên thị trường, Vụ Thị trường trong nước cho biết đã thành lập các đoàn kiểm tra các siêu thị, cửa hàng lớn để giám sát nguồn cung, không để tình trạng khan hiếm hàng xảy ra. Làm sao để đảm bảo tốt nhất nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian dịch bệnh nCoV đang có diễn biến phức tạp và trong những thời gian tiếp theo. “Thời gian tới, Vụ tiếp tục kết nối sản phẩm khẩu trang của Vinatex, các DN dệt may vào hệ thống phân phối lớn”- đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó nCoV
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, trong đó Bộ trưởng trực tiếp là Trưởng Ban; các Thứ trưởng là thành viên Ban chỉ đạo. “Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là cập nhật, cung cấp và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công thương trong công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp để tiếp tục ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tại Hà Nội, việc mua bán khẩu trang đã trở lại bình thường. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Ban chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công thương, tiếp nối Chỉ thị 04/CT-BCT, trong phòng chống dịch Corona một cách toàn diện và có trọng điểm, hướng tới phục vụ lợi ích của DN, người dân.
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Đặng Hoàng An trực tiếp chỉ đạo, thúc đẩy Bộ Y tế sớm có hướng dẫn xử lý rác thải để có cơ sở ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở, đưa vào tái sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. “Nếu sản phẩm bị làm giả, tái sử dụng, vi phạm nguyên tắc an toàn, thì có thể gây nên những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Do đó, cần làm việc với Bộ Y tế có cơ chế tiêu hủy với khẩu trang đã qua sử dụng, quản lý chặt chẽ thị trường, đấu tranh mạnh mẽ việc găm hàng, trục lợi, đầu cơ, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn với phối hợp với chính quyền địa phương” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi.Cục Công nghiệp làm việc với các DN nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; Vụ Thị trường trong nước tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài…
Bộ trưởng Bộ Tài chính mới đây đã ký Quyết định số 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Theo đó, danh mục mặt hàng được miễn thuế phụ vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là: Khẩu trang y tế; Các loại nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng); Nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế, gồm: vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế, màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế, dây thun để sản xuất khẩu trang y tế, thanh nẹp mũi để sản xuất khẩu trang y tế (dạng thanh/cuộn); Nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch); Vật tư, thiết bị cần thiết khác như: bộ trang phục phòng chống dịch (gồm: Quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày...)
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đảm bảo việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sử dụng không đúng mục đích miễn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý thuế.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thương mại điện tử (TMĐT) chính là môi trường dễ bị trục lợi và đã bị các đối tượng lợi dụng để kiếm lợi nhuận từ rất sớm. Cục đã có Công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT xử lý các DN đẩy giá sản phẩm lên cao. “Các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee… đã xử lý nhiều DN vi phạm đẩy giá sản phẩm, bên cạnh đó, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý”- ông Hải cho hay.