Phương án mới hồi sinh sông Tô Lịch
Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chuyến kiểm tra hiện trường và chỉ đạo tiến độ thi công Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì). Đây là Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường của TP Hà Nội.
Một đoạn sông Tô Lịch.
Dự án có quy mô xây dựng trên lưu vực khoảng 4.874 ha, công suất 270.000 m3/ngày đêm cho 7 quận, huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông); với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621 km, đường kính từ 400-2.400 mm. Dự kiến tổng thể dự án cơ bản hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2022.
Dự án gồm 4 gói thầu xây lắp, trong đó riêng đối với gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính) với tổng chiều dài 21,666 km (gần 13 km đi ngầm), nhà thầu Nhật Bản đã trúng thầu thi công gói thầu này. Hiện nhà thầu đã thực hiện xong các thủ tục liên quan, khảo sát và lập hồ sơ thiết kế. Thời gian khởi công dự kiến cuối quý I/2020 và hoàn thành trong 48 tháng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đây là công trình trọng điểm của TP nhằm thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân 7 quận, huyện. Việc thực hiện thi công cống ngầm dưới đáy sông Tô Lịch sẽ thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm ngân sách và không ảnh hưởng đến giao thông trong quá trình xây dựng. “Khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt xả xuống sông Tô Lịch sẽ được xử lý 100%, góp phần làm sống lại con sông này, như mong mỏi của người dân”- theo ông Nguyễn Đức Chung.
Một vấn đề quan trong đặt ra là không được phép lùi tiến độ của Dự án. Vì thế, theo lãnh đạo TP, đối với các gói thầu thi công đường gom nước thải cho sông Tô Lịch có thể đẩy nhanh triển khai ngay từ cuối tháng 2 này. Các bên liên quan cần tranh thủ mùa khô để đẩy nhanh tiến độ, thi công 3 ca, làm đồng loạt ở tất cả bốn gói thầu để rút ngắn thời gian hoàn thành Dự án.
Cùng với việc cải tạo lòng sông, thì việc xây dựng ven sông tạo đường đi bộ và hành lang xanh 2 bên tuyến đường cũng rất quan trọng. Được biết, lãnh đạo TP đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng cầu đi bộ từ Ngã Tư Sở đến Thịnh Liệt, kết nối 2 bên bờ sông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, cũng như kết nối cảnh quan 2 bên bờ sông.
Trong một diễn biến liên quan, một lãnh đạo Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho rằng, khi Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, nguồn nước thải sinh hoạt sẽ được tách riêng để xử lý. Như vậy nếu không bổ cập nước thì sông Tô Lịch sẽ cạn nước. Hiện, đơn vị này đã đề xuất ý tưởng để các nhà khoa học xây dựng phương án và sẽ đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Trạm bơm này giúp duy trì ổn định mực nước hồ Tây, liên tục cải thiện chất lượng nước hồ, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững cho các loài thủy sinh trong hồ. Việc cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch cũng sẽ được điều tiết nước từ hồ Tây qua 2 cửa xả. Khi kết hợp các kế hoạch này hứa hẹn sẽ hồi sinh được dòng sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, nói như TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, thì Hà Nội có nhiều con sông lớn, quan trọng chứ không chỉ có sông Tô Lịch. Tập trung vào việc chỉ hồi sinh sông Tô Lịch là chưa hợp lý. Trong khi các con sông khác như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu... cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.