Phạm Ngọc Tiến phác họa những chân dung văn nghệ
Đều đặn hàng tháng, nhà văn Phạm Ngọc Tiến gửi tới chuyên mục Chuyện đời - Chuyện nghề trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng một bài viết chân dung về những bạn bè văn nghệ ông thân, quen, biết. Và bây giờ, sau gần 2 năm giữ mục, Phạm Ngọc Tiến vừa cầm trên tay cuốn “Chân dung người mê sách”.
Cuốn sách do NXB Văn học, Ban Nhân Dân hàng tháng và Liên Việt phối hợp xuất bản.
Cuốn sách dẫn độc giả gặp lại những văn nghệ sĩ nổi danh, được công chúng mến mộ. Đó là “người soát vé trên chuyến tàu tuổi thơ” Nguyễn Nhật Ánh, là “đàn bà đẹp viết văn” Nguyễn Thị Thu Huệ, là “nhà văn liền chị” Ngô Thảo, là “nhà văn của tiếng đàn môi” Đỗ Bích Thúy, rồi vòng vèo qua phim, qua nhạc và chân dung đạo diễn Trần Mỹ Hà, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang, nhạc sĩ Trọng Đài, diễn viên Hồng Ánh… hiện ra qua câu chữ hoạt, hóm của Phạm Ngọc Tiến.
Với độc giả văn chương, nhà văn Phạm Ngọc Tiến gây chú ý qua tiểu thuyết “Tàn đen đốm đỏ”. Với khán giả yêu phim truyền hình, nhiều người nhận ra Phạm Ngọc Tiến là tác giả của nhiều kịch bản phim từng xôn xao một thời như “Chuyện làng Nhô”, “Ma làng”, “Đất và người”… gần đây nhất là “Sinh tử”. Xen giữa những “khoảng chạy” dài hơi ấy, Phạm Ngọc Tiến còn viết những bài chân dung bạn bè văn nghệ. Những bài viết ngăn ngắn, nhưng chắt chiu những kỷ niệm, những góc nhìn riêng.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng, viết chân dung văn học là một thể loại khó vô cùng. Nó cần cả sự hiểu biết thấu đáo, sự ngưỡng mộ chân thành và một giọng kể hóm hỉnh, khen chê của người viết truyền khoái cảm đến người đọc. Ta hãy đọc kỹ ông Stefan Zweig hay Maksim Gorky ở bên Áo bên Nga mà tôi cho là tuyệt tác. Viết chân dung văn học về vác nhà văn, các nghệ sĩ Việt Nam ta thì phải đọc các cuốn hồi kí của cụ Tô Hoài kể về các văn hữu thời các ông. Cụ Nguyễn Tuân với “Đêm họp mặt đưa ma Phụng”. Hay nhà văn Bùi Ngọc Tấn với tập chân dung văn học đặc sắc viết về Nguyên Hồng và bạn bè. Tạ Tỵ với “Mười gương mặt văn chương Việt Nam”, Đinh Hùng viết về các nhà văn đương thời…
Đọc xong tập “Chân dung người mê sách” của Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Trung Trung Đỉnh quả quyết: “Đọc tập chân dung văn học của nhà văn Phạm Ngọc Tiến khiến tôi vừa đọc vừa sướng. Sướng vô cùng. Nó vừa hay vừa đúng vừa dựng được chân dung các nhà văn, các nhà nghệ sĩ mà công chúng đã quen thuộc và ngưỡng mộ. Tất cả các nhân vật trong cuốn sách đều là bạn thân của Tiến, nhiều người cũng là bạn của tôi. Lần này Tiến viết không có gì còn e dè trong trạng thái, cũng không phải so đo khen chê đúng sai. Nó cứ tự nhiên như nhiên, văn thì hoạt bát, hóm hỉnh ân tình như chính cuộc sống của Tiến và các nhân vật”. Ông phân tích thêm: Ở cuốn sách này, Phạm Ngọc Tiến viết chân dung bạn bè hơn là viết về nghề nghiệp. Thực ra hai cái ấy nó quyện với nhau nhuần nhuyễn đến nỗi người viết được tự do thoải mái mà người đọc, ít nhất là người đọc như tôi thì cũng được biết thêm nhiều cái mới cái hay từ đời sống cũng như tài năng của các nhà văn nhà thơ, nhà nghệ sĩ cùng thời với mình, vừa gần gũi thân thuộc vừa rất đáng yêu rất đáng được tôn vinh, trân trọng…