Những thanh niên làm kinh tế giỏi
Do đặc thù địa lý, đời sống kinh tế - xã hội của huyện đảo Cát Hải (TP Hải Phòng) còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự năng động của tuổi trẻ, nhiều thanh niên đã tìm hướng phát triển kinh tế mới, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu cho bản thân và quê hương.
Nhiều người thường gọi chàng thanh niên Vũ Đình Phùng (thôn 1 xã Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) là Phùng “cam”. Bởi tuy mới 27 tuổi, nhưng anh đã làm chủ một trang trại rộng hơn 2 ha với hàng trăm gốc cam, cùng với đó là hệ thống chăn nuôi trang trại với hàng trăm con gà, lợn.
Phùng khởi nghiệp từ năm 2010, với sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ gia đình. Ai cũng nghĩ mọi việc sẽ suôn sẻ nhưng gần đến mùa thu hoạch thì sâu bệnh phát triển mạnh nên làm chết hàng trăm gốc cam anh trồng. Không những mất trắng vụ cam đó, mà anh phải gây giống lại từ đầu hàng trăm gốc cam. Gian nan không làm anh nản lòng, Phùng tự mày mò học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi qua sách vở, qua kinh nghiệm của những người đi trước để làm sao cây trồng có sức chống chịu tốt, đồng thời có khả năng đậu quả cao. Nỗ lực của tuổi trẻ đã được đền đáp. Cây cam của Phùng đã đứng vững.
Tuổi trẻ, lại suốt ngày lọ mọ với ruộng đồng, anh thường bảo, cái quý nhất chính là do bàn tay lao động của mình tạo ra. Phùng đầu tư xây dựng chuồng trại rộng 300m2 để chăn nuôi lợn thịt. Hiện tại đàn lợn của nhà anh có hơn 100 con, mỗi tháng gia đình anh xuất chuồng từ 8 đến 10 con lợn thịt, thu nhập tầm 25 đến 30 triệu đồng. Từ đó, Phùng tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi gà. Anh cho biết, trong tương lai sẽ mở rộng mô hình trang trại bằng cách đào ao, thả cá phát triển kinh tế theo mô hình du lịch sinh thái. Nhờ đó tổng thu nhập bình quân hàng năm đạt hơn 700 triệu đồng.
Ở Cát Hải, có một thanh niên khác nổi tiếng không kém là anh Nguyễn Trọng Hải, đoàn viên Chi đoàn 4, xã Xuân Đám. Sinh năm 1993, chỉ phát triển kinh tế trên một diện tích hẹp – khu vườn rộng 120m2. Nhưng mô hình kinh tế của Hải đem lại giá trị rất cao.
Mọi chuyện bắt đầu một cách tình cờ, cách đây 3 năm, khi thấy nhánh lan trồng trong gia đình mình nở đẹp, Hải chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Thật bất ngờ nhiều người khen đẹp và còn đặt mua lan. Ý tưởng mình có thể khởi nghiệp bằng trồng hoa lan xuất hiện trong đầu anh. Kể từ đó, Hải dành thời gian tìm hiểu kĩ hơn về cách trồng, chăm sóc và nhân giống hoa lan, Hải nhận thấy thị trường tại đảo Cát Bà cũng như ở Hải Phòng khá phong phú tuy nhiên ít người đầu tư vào lĩnh vực này, nên đã mày mò tìm hiểu, rút kinh nghiệm để xây dựng vườn lan của riêng mình. Bây giờ, vườn lan của Hải đã có nhiều cây lan quý hiếm như Phi điệp, Kiếm, Tam bảo sắc, Trầm tím... với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Hải cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa lan cũng như tìm kiếm, nhân giống nhiều hơn các giống lan bản địa quý đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, buôn bán từ việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ cách làm đến các thành viên của Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của địa phương.