Hợp tác xã kiểu mới ở Kon Tum

Thanh Hà 11/02/2020 08:00

Kon Tum hiện có 112 hợp tác xã (HTX), tỉnh đã và đang xây dựng mô hình HTX kiểu mới, chủ động liên kết với các hộ nông dân, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, giúp đẩy mạnh sản xuất và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân.

Hợp tác xã kiểu mới ở Kon Tum

HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách nuôi gà theo chuỗi giá trị. Nguồn: BaoKontum.

Liên kết ở đây là liên kết giữa nông dân với HTX; HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp; HTX với HTX... Việc liên kết được thực hiện thành chuỗi giá trị từ việc cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, THT và doanh nghiệp... Nhờ sự sáng tạo đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Một một số HTX đã thành công, tạo ra thương hiệu riêng của mình.

Chính nhờ chủ động liên kết với nông dân, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm sạch, nhiều HTX đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Có thể kể đến HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách. Mô hình tạo hiệu ứng tốt, thu hút sự quan tâm của bà con nông dân và người tiêu dùng. Theo Giám đốc HTX Đồng hành nhà nông Hoàng Bách - Huỳnh Thanh Tú, bà con nông dân và các cơ sở sản xuất tham gia vào “chuỗi giá trị” của HTX sẽ được cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra. Ngược lại, người liên kết phải đảm bảo chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật và HTX cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, sản phẩm của HTX đã được sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.

Hay như HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn (huyện Kon Plông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông). HTX đã liên kết với 33 hộ dân nghèo của xã Măng Cành, cam kết thu mua và bao tiêu tất cả sản phẩm: hồng đẳng sâm, đương quy... Hiện nay, các sản phẩm nói trên của HTX đã được chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX liên kết với một số doanh nghiệp và các đại lý bán lẻ tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêu thụ các loại sản phẩm: cao sâm hỗn hợp, cao sâm đương quy, cao hồng đẳng sâm, cao sâm hỗn hợp, cao an xoa, rượu sâm...

HTX Cựu quân nhân Đăk Hring (huyện Đăk Hà) liên kết với HTX Quyết Thắng (huyện Ngọc Hồi), HTX Nông nghiệp xanh Kon Rẫy (huyện Kon Rẫy) và các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn chuyển giao mô hình trồng các loại nấm đến người dân, để bà con sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng. Nhờ đó đến nay, sản phẩm nấm của HTX đã tạo được thương hiệu, được phân bổ tại siêu thị và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành.

Tại huyện Kon Plông có 8 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có 4 HTX nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) và 4 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh về rau, hoa, quả xứ lạnh; trồng nấm; thu mua chế biến dược liệu và trồng lan...Thời gian qua, các HTX này đều tích cực tìm giải pháp đầu tư, thay đổi phương thức hoạt động để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trong đó, không thể không kể đến HTX rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen. Với 2.700m2 hoa xứ lạnh trong nhà bạt, cung ứng nhiều loại hoa trong các dịp lễ, tết. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã chủ động tham gia các Hội chợ hoa tết ở trung tâm các huyện, thành phố Kon Tum; nghiên cứu mở rộng thị trường tại các tỉnh, trong đó ưu tiên phối hợp với các đơn vị tại Quảng Ngãi mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Măng Đen. Nhờ những cách làm mới mẻ này mà đầu ra của HTX luôn ổn định, tăng thu nhập cho người lao động.

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho 11 HTX vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 2,7 tỷ đồng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình hình thành chuỗi giá trị của các HTX. Ngoài ra, một số nguồn vốn khác cũng được tranh thủ sử dụng giúp các HTX mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Thanh Hà