Liên kết chuỗi và giá trị nông sản
Có thể nói, bài học lớn trong ngành nông nghiệp là nếu có liên kết chuỗi bền vững sẽ phát huy hiệu quả cao. Phát triển các chuỗi liên kết nông sản vẫn luôn là câu chuyện thời sự của ngành nông nghiệp, nhất là khi tình trạng được mùa, mất giá liên tiếp xảy ra trong những năm qua.
Hà Nội duy trì 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) đánh giá: Hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN), hộ dân chưa gắn kết lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể với nhau, hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được khẳng định là phương thức sản xuất tiên tiến đang đi đúng hướng, góp phần tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp, nhưng những quan niệm về cánh đồng mẫu lớn chưa thống nhất giữa các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều cánh đồng mẫu lớn mới chỉ tập trung hỗ trợ được đầu vào cho sản xuất mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn đầu ra của nông dân. Sự liên kết, hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa DN, HTX và hộ nông dân chưa hài hòa, mức độ tiêu thụ nông sản cho người dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định…
Từ góc nhìn của nhà thu mua, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam Bùi Hoài Linh cũng cho rằng: Việc liên kết chuỗi nông sản với nông dân rất khó khăn bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi yêu cầu đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán...
Hiện trên cả nước mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết. Với TP Hà Nội, đã xây dựng, phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi mang lại hiệu quả, gồm vùng trồng rau an toàn có diện tích hơn 5.000 ha, 76 xã chăn nuôi trọng điểm với hơn 3.800 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp. Tới nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tham gia. Đồng thời xây dựng được 40 nhãn hiệu hàng hóa tập thể như gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Ðình, nhãn Ðại Thành, gạo thơm Bối Khê… Các chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ở phía Nam, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp DN tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Theo Sở NNPTNT tỉnh Ðồng Nai, trên địa bàn hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn với 28 DN, HTX tham gia, tổng diện tích 5.521 ha. Hơn 100 chuỗi liên kết giữa DN, HTX, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, DN. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30% đến 100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường, đời sống được nâng lên.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng: Tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua có bước tiến triển, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh, chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. Trong chuỗi liên kết, quan trọng nhất là thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap… song, tỷ lệ này còn khá thấp, chỉ khoảng 3-5%. Như vậy, tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu ha nông nghiệp, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.
“Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Những hộ nông dân có quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Trong tương lai, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên”- ông Thịnh nói.
Từ góc nhìn của nhà thu mua, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam Bùi Hoài Linh cho rằng, việc liên kết chuỗi nông sản với nông dân rất khó khăn bởi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi yêu cầu đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán... Hiện trên cả nước mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết.