Dịch nCoV: Sẽ sớm có kết quả thử kit thử nhanh trên bệnh phẩm thực

Theo TTXVN 11/02/2020 11:51

Nhờ kỹ thuật RT-LAMP, phản ứng dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa trên việc đổi màu dung dịch, giúp rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phân tích.

Dịch nCoV: Sẽ sớm có kết quả thử kit thử nhanh trên bệnh phẩm thực

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho các ca bệnh đang được cách ly theo dõi nCoV tại Trung tâm Y tế Bình Xuyên. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN).

Ngày 11/2, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, tiến sỹ Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết ngày 11/2, nhóm bắt đầu thử nghiệm kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) trên các mẫu bệnh phẩm thực do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp.

Các hoạt động thử nghiệm này sẽ được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Kết quả thực nghiệm dự kiến sẽ có vào cuối tuần này.

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Quang Hòa đã thông báo kết quả nghiên cứu chế tạo thành công kit thử nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) dựa trên kỹ thuật RT-LAMP.

Đây là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic chuyên dùng để phát hiện RNA (Axit ribonucleic) của các loại virus gây bệnh.

Nhóm nghiên cứu gồm 10 thành viên đã bắt đầu nghiên cứu bộ kit phát hiện nhanh chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ ngày 15/1/2020, ngay sau khi Trung Quốc công bố trình tự hệ gene của chủng virus này.

Nguyên lý của kỹ thuật RT-LAMP mà nhóm áp dụng là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic, trong đó giai đoạn phiên mã ngược, giai đoạn khuếch đại đều được thực hiện tại một nhiệt độ duy nhất với khả năng khuếch đại DNA lên đến trên một tỷ lần. Đặc biệt, phản ứng dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa trên việc đổi màu dung dịch, giúp rút ngắn và đơn giản hóa quy trình phân tích.

Tổng thời gian phân tích là 70 phút với các giai đoạn tách chiết RNA của virus (30 phút), chuẩn bị và tiến hành phản ứng RT-LAMP (40 phút).

Một ưu điểm nổi bật khác của sinh phẩm RT-LAMP so với quy trình real-time RT-PCR (phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực) tiêu chuẩn là tính đơn giản, không yêu cầu trang thiết bị phức tạp. Điều này giúp sinh phẩm RT-LAMP có thể được sử dụng ngay từ bệnh viện tuyến huyện và các bệnh viện dã chiến khi dịch bùng nổ, giúp khoanh vùng dịch, hạn chế sự lây lan.

Đặc biệt, giá thành sản xuất mỗi test của nhóm nghiên cứu là 350.000 đồng, trong khi đó giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng.

So với các kỹ thuật sinh học phân tử khác, RT-LAMP yêu cầu thiết bị đơn giản chỉ cần một bể ổn nhiệt giúp ứng dụng ngay tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tương đương với real-time RT-PCR.

Tiến sỹ Lê Quang Hòa cũng chia sẻ khi thực hiện trên các mẫu giả nhiễm sử dụng RNA tổng hợp nhân tạo, kết quả thu nhận được đều chính xác. Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được với các mẫu bệnh phẩm thực nên nhóm nghiên cứu chưa xác định được độ chính xác của sinh phẩm trên các mẫu bệnh phẩm lâm sàng.

Để ứng dụng rộng, nhóm nghiên cứu cần có tối thiểu 12 mẫu RNA của chủng nCoV để nội kiểm, đồng thời cần thử nghiệm liên phòng trước khi đăng ký sản phẩm và sản xuất hàng loạt. Khi có mẫu bệnh phẩm thực, sau ba ngày, nhóm nghiên cứu có thể đưa ra kết quả.

Trong cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch vào sáng 10/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, triển khai sản xuất kit xét nghiệm, đồng thời đánh giá hiệu quả, an toàn sinh học… của các sinh phẩm này trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi.

Dịch nCoV: Sẽ sớm có kết quả thử kit thử nhanh trên bệnh phẩm thực - 1

Tiến sỹ Lê Quang Hòa và các thành viên của nhóm nghiên cứu. (Nguồn: moit.gov.vn).

Ngay trong chiều 10/2, nhóm nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Quang Hòa đã làm việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và thống nhất tiến hành thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm thực từ ngày 11/2.

Giáo sư-tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chia sẻ một sản phẩm y tế sử dụng trong xét nghiệm dù không trực tiếp điều trị nhưng liên quan đến việc ra quyết định chỉ định điều trị của bác sỹ, liên quan mật thiết đến sức khỏe của người được xét nghiệm nên cần độ chính xác cao.

Trong trường hợp nếu có dịch bệnh, kết quả xét nghiệm còn giúp cho việc cách ly, xử lý ổ dịch. Do đó, trước khi sử dụng chính thức, các kit, test nhanh cần được thử nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm, khẳng định về chất lượng và độ chính xác.

Các chuyên gia về cận lâm sàng cũng cho biết thêm, để khẳng định kết quả xét nghiệm, cần có các chứng dương (giúp đối chiếu, xác định tính chính xác của xét nghiệm). Bên cạnh đó, các kit, test nhanh là xét nghiệm mang tính sàng lọc, giúp cho chẩn đoán sớm hơn nhưng không phải là cơ sở cuối cùng khẳng định kết quả xét nghiệm, bởi sau đó vẫn cần làm các xét nghiệm chuyên sâu để kết luận ca bệnh.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết một trong những lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên của nhà trường là khoa học và công nghệ sức khỏe.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của trường (do Phó Giáo sư Trương Quốc Phong, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm chủ trì) cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho quy trình sản xuất que thử phát hiện nhanh virus rota (virus gây tiêu chảy). Giải pháp này được đánh giá cao bởi giá thành thấp, hiệu quả cao, phù hợp với việc chẩn đoán các chủng virus rota lưu hành tại Việt Nam.

Theo TTXVN